Vị Tổng thống Mỹ thua đau bầu cử vì đối thủ "vung tiền mua phiếu bầu"

Đó một trong những cuộc bầu cử gây tranh cãi nhất vì nghi vấn vung tiền mua phiếu bầu, dẫn đến sự thay đổi cơ bản của cách thức bỏ phiếu, và sự kiện này cũng đánh dấu lần duy nhất trong lịch sử Mỹ có Tổng thống nắm quyền hai nhiệm kỳ nhưng không liên tiếp.

Grover Cleveland là Tổng thống Mỹ duy nhất trong lịch sử nắm quyền hai nhiệm kỳ không liên tiếp.

Grover Cleveland là Tổng thống Mỹ duy nhất trong lịch sử nắm quyền hai nhiệm kỳ không liên tiếp.

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 có thể trở thành một trong những cuộc bầu cử gây tranh cãi nhất trong lịch sử Mỹ, khi Tổng thống Donald Trump kiên quyết không nhận thua và kiện ra tòa.

Lịch sử Mỹ cũng từng ghi nhận nhiều cuộc bầu cử gây tranh cãi hoặc kiện tụng liên miên, thậm chí ảnh hưởng còn kéo dài đến ngày nay.

Loạt bài này sẽ điểm lại và làm rõ hơn về những cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đầy gay cấn này.

Năm 1888, Tổng thống Mỹ đương nhiệm Grover Cleveland, người theo đảng Dân chủ, chạy đua nhiệm kỳ 2 trước đối thủ là ứng viên đảng Cộng hòa, Benjamin Harrison.

Đảng Cộng hòa chọn Harrison vì thành tích trong cuộc nội chiến Mỹ, tầm ảnh hưởng với các cựu binh và vì Harrison là thượng nghị sĩ bang Indiana, bang chiến địa ở thời điểm đó với 15 phiếu đại cử tri. Trong cuộc bầu cử năm 1884, bang Indiana quay sang bỏ phiếu cho ông Cleverland.

Không nằm ngoài dự đoán, Cleveland giành được nhiều phiếu phổ thông hơn đối thủ. Nhưng ông không ngờ rằng Harrison lại chiến thắng ở hai bang chiến trường là New York và Indiana, từ đó giành nhiều phiếu đại cử tri hơn và đắc cử tổng thống.

Đối thủ bị cáo buộc mua phiếu bầu

Theo Politico, cuộc bầu cử năm 1888 diễn ra hết sức kịch tính. Harrison giành phiếu đại cử tri gần như ở toàn bộ các bang miền bắc và miền trung tây nước Mỹ, chỉ thua Tổng thống Cleverland ở Connecticut và New Jersey.

Mọi sự chú ý của cuộc bầu cử đổ dồn vào hai bang chiến trường mà hai ứng viên cạnh tranh ác liệt vào thời điểm đó. Harrison vượt lên ở bang New York và Indiana với số phiếu bầu hơn Tổng thống Cleverland chưa tới 1%.

Ứng viên đảng Cộng hòa, thượng nghị sĩ Benjamin Harrison.

Ứng viên đảng Cộng hòa, thượng nghị sĩ Benjamin Harrison.

Năm đó, Tổng thống Mỹ Cleverland đã rất bất ngờ khi biết tin ông thua ở chính bang quê nhà. Theo Politico, các chính trị gia ở thành phố New York đã ngả về phía Harrison và làm mọi cách để Cleverland không thể giành đa số phiếu.

Theo Indiana History, không giống như Tổng thống Cleverland, Harrison đã đề ra chiến lược cụ thể và rõ ràng để có thể đắc cử. Dưới sự ủng hộ của đảng Cộng hòa, ông tập trung nguồn lực vào hai bang chiến trường là Indiana và New York.

Ở thời điểm đó, các lá phiếu bầu cử ở các bang được các đảng phái chính trị in, phân phát cho người dân và bỏ phiếu công khai. Nhóm cử tri trung lập, không chắc mình sẽ bỏ phiếu cho ai, là đối tượng sẵn sàng bán phiếu bầu cho người trả giá cao nhất.

Ước tính ở bang Indiana năm đó có khoảng 20.000 phiếu bầu của cử tri trung lập. Mức giá cho các phiếu bầu cũng không cố định, rẻ nhất từ 2 USD và có thể lên tới 20 USD.

Do lá phiếu được các đảng phái chính trị in, một khi cử tri trung lập đồng ý bán phiếu bầu, gần như chắc chắn người đó sẽ bầu cho người trả giá cao nhất.

“Cách vung tiền mua phiếu bầu được cả hai đảng áp dụng từ năm này qua năm khác. Nhưng đến năm 1888 thì tình trạng này xảy ra càng phổ biến và có tổ chức hơn”, đảng viên Cộng hòa Shelbyville nói, theo Indiana History. “Thậm chí một phần ba cử tri ở độ tuổi đi bầu cử của một bang có thể bị tác động bởi phương thức này”.

Bang màu xanh ủng hộ ứng viên đảng Dân chủ, bang màu đỏ ủng hộ ứng viên đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử năm 1888.

Bang màu xanh ủng hộ ứng viên đảng Dân chủ, bang màu đỏ ủng hộ ứng viên đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử năm 1888.

Để đảm bảo Harrison chiến thắng ở bang Indiana, William W. Dudley, một cựu chiến binh và là người nắm ngân quỹ của Ủy ban Quốc gia Đảng Cộng hòa đã đề ra chiến thuật nổi tiếng.

“Chia nhóm cử tri trung lập thành 5 người một, chọn một người có thể tin tưởng quản lý 5 người này, cung cấp số tiền cần thiết, đảm bảo rằng không ai trong số đó sẽ bầu cho người khác”, Dudley viết trong thư.

Đảng Dân chủ đã thu được một bức thư có nội dung như trên từ một nhà hoạt động của đảng Cộng hòa. Họ công khai bức thư này vài ngày trước khi cuộc bầu cử chính thức diễn ra, đăng lên báo với dòng tít: “Âm mưu mua phiếu bầu ở Indiana”.

Dudley và các quan chức khác trong đảng Cộng hòa bác bỏ nghi vấn vung tiền mua phiếu, nói rằng bức thư là giả mạo, được tung ra nhằm hạ bệ uy tín của Harrison. Kết quả là Harrison đánh bại Tổng thống Cleverland ở bang Indiana với chỉ 2.000 phiếu cách biệt.

Ở New York, đảng Dân chủ không tìm thấy bằng chức Harrison mua phiếu bầu. Nhưng việc các chính trị gia ở thành phố New York ủng hộ Harrison đã tác động lớn đến phiếu bầu ở thành phố này.

Cuối cùng, Harrison đắc cử với 233 phiếu đại cử tri còn Tổng thống Cleveland chỉ giành được 168 phiếu đại cử tri. Nhưng ông Cleveland giành nhiều phiếu phổ thông hơn với 5.534.488 phiếu, so với đối thủ là 5.443.892 phiếu.

Sự trở lại ngọt ngào

Thay vì thách thức kết quả bầu cử và dọa kiện lên tòa án. Tổng thống Cleveland có hành động được nhiều người ngưỡng mộ. Ông chúc mừng chiến thắng của Harrison, và rằng một khi chấp nhận luật chơi, thì cũng phải chấp nhận rằng đối thủ có thể tìm cách gian lận.

Ông Cleveland quay trở lại tranh cử năm 1892 và đánh bại đương kim tổng thống Harrison.

Ông Cleveland quay trở lại tranh cử năm 1892 và đánh bại đương kim tổng thống Harrison.

Kể từ đó cho đến nay, Cleveland là Tổng thống Mỹ duy nhất trong lịch sử nắm quyền hai nhiệm kỳ không liên tiếp. Trong khi đó, những bê bối liên quan đến việc mua phiếu bầu khiến toàn bộ các bang ở Mỹ nhất trí với hình thức bỏ phiếu kín.

Kể từ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 1892, không ai biết cử tri thực sự đã bầu cho ai. Hành trình trở lại của Cleveland cũng không hề dễ dàng.

Kể từ đầu năm 1892, người Mỹ mới biết Cleveland quay trở lại sự nghiệp chính trị. Ông không mặc định trở thành ứng viên đảng Dân chủ ra tranh cử mà phải cạnh tranh với nhiều đối thủ khác trong đảng.

Trong cuộc bầu cử chọn ra ứng viên tranh cử, ông Cleveland giành được 617 phiếu, chỉ hơn 10 phiếu để trở thành ứng viên ra tranh cử Tổng thống.

Quay trở lại cạnh tranh với đối thủ quen thuộc là Harrison, khi đó đang vận động tái đắc cử Tổng thống, Cleveland đã cho thấy một cuộc bỏ phiếu công bằng sẽ có kết quả như thế nào.

Cleveland giành tới 5.553.898 phiếu phổ thông, hơn đối phương 400.000 phiếu, mức chênh lệch lớn nhất từ năm 1872. Ông cũng giành tới 277 phiếu đại cử tri trong khi Harrison chỉ giành được 145 phiếu.

Chiến thắng vang dội của Cleveland cũng giúp đảng Dân chủ lần đầu tiên giành lại lưỡng viện kể từ cuộc bầu cử năm 1856.

__________________

Cuộc bầu cử tổng thống gây tranh cãi nhất trong lịch sử Mỹ được cho là lần đối đầu năm 1876 giữa ứng viên đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ. Phe nào cũng tuyên bố chiến thắng dẫn đến việc Quốc hội Mỹ phải can thiệp và hai chính đảng chỉ đạt được thỏa thuận khi chấp nhận nhượng bộ lẫn nhau, bao gồm cả việc rút quân sau Nội chiến. Bài kỳ tới xuất bản 19h ngày 12.11 trên mục Thế giới sẽ viết về những điều chưa biết về sự kiện này.

Cuộc bầu cử Mỹ đầy khốc liệt, 37 ngày sau mới kết luận được ai là Tổng thống

Tháng 11 của 20 năm trước, gần 100 triệu cử tri Mỹ đã đi bỏ phiếu để chọn ra tổng thống thứ 43 của họ. Ít ai ngờ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN