Thủ tướng vĩ đại nhất nước Anh từng bị phụ nữ căm ghét, tấn công bằng roi đánh chó?
Ít ai ngờ rằng, Winston Churchill - vị thủ tướng nổi tiếng hào hoa của nước Anh, từng có thời trở thành cái gai trong mắt phái đẹp. Thậm chí, có lần ông còn suýt mất mạng vì bị phụ nữ tấn công.
Winston Churchill - vị thủ tướng vĩ đại nhất lịch sử nước Anh (ảnh minh họa)
Winston Churchill được biết tới là vị Thủ tướng vĩ đại nhất lịch sử của nước Anh từ trước đến nay. Ông là người đã lãnh đạo nước Anh đơn độc chống lại phát xít Đức, trong những giờ phút hiểm nghèo của cuộc Thế chiến II và đi đến chiến thắng cuối cùng. Cuộc đời của vị Thủ tướng nổi tiếng lắm tài nhiều tật này có rất nhiều bí ẩn thú vị, gắn bó mật thiết tới vận mệnh của nước Anh và Châu Âu. Loạt bài sau đây sẽ khai thác những câu chuyện vô cùng đặc biệt về nhân vật này. |
Cuộc đời làm chính trị của Winston Churchill có thể được miêu tả là vô cùng long đong lận đận. Xuất thân trong một gia đình quý tộc khá giả tại Anh, có người bố từng giữ chức Bộ trưởng Tài chính, nhưng với thành tích học tập bết bát, Churchill phải theo con đường binh nghiệp và nhập ngũ từ khi mới 20 tuổi.
Sau khi trải qua nhiều biến cố, đặc biệt là trở nên nổi tiếng sau sự kiện vượt ngục thành công tại Nam Phi, Churchill đã quyết định lấn sân sang lĩnh vực chính trị. Năm 1900, ông trúng cử với tư cách ứng viên của đảng Bảo thủ và tham gia Hạ viện Anh.
Vì bất đồng với nhiều chính sách của đảng Bảo thủ, Churchill đã có một quyết định đầy tai tiếng. Ông bỏ đảng Bảo thủ và gia nhập vào Đảng Tự do.
Năm 1905, đảng Tự do thắng cử, Churchill giữ chức trợ lý Bộ trưởng thuộc địa. Ông dần thể hiện năng lực và đến đầu năm 1910, được thăng chức Bộ trưởng Nội vụ. Đây là chức vụ rất quan trọng trong nội các Anh lúc bấy giờ.
Tuy nhiên, Churchill chỉ giữ được chức Bộ trưởng Nội vụ trong khoảng một năm. Ông là Bộ trưởng Nội vụ trẻ nhất và cũng tại vị ngắn nhất lịch sử Anh.
Nguyên nhân là Churchill đã để xảy ra quá nhiều bê bối trong thời gian tại chức, đặc biệt là với phái nữ. Câu hỏi đặt ra là Churchill đã làm gì để mất lòng phụ nữ đến thế?
Churchill không được lòng phụ nữ khi đang tại chức Bộ trưởng Nội vụ (ảnh minh họa)
Vào những năm 1910, vấn đề đấu tranh cho quyền bầu cử của phụ nữ diễn ra vô cùng gay gắt tại Anh. Đây là một trận bão lớn mà Churchill bị cuốn vào trung tâm. Pháp luật của nước Anh lúc bấy giờ quy định, chỉ có đàn ông mới có quyền bầu cử. Điều này đã dẫn đến nhiều cuộc biểu tình phản đối trên khắp đất nước và ngay cả trong chính trường Anh.
Với tư cách là Bộ trưởng Nội vụ, đây là vấn đề mà Churchill phải đứng ra giải quyết. Churchill có hai con đường, một là ủng hộ cuộc biểu tình của những người phụ nữ và hai là, phải triệt để dập tắt. Tuy nhiên, ông lại chọn cách làm thứ ba, đó là giữ thái độ trung lập.
Trong các bài phát biểu của mình, Churchill một mặt thể hiện sự ủng hộ đối với việc mở rộng quyền bầu cử cho phụ nữ, nhưng mặt khác, lại nhấn mạnh rằng, quyền này không được làm “rối loạn chính trị”. Theo ông, quyền bầu cử chỉ nên dành cho một số phụ nữ trong giới quý tộc hoặc có nhiều tài sản.
Theo cuốn “Thủ tướng Anh Winston Churchill, cuộc đời và sự nghiệp”, Churchill nói:
“Việc loại bỏ quyền bầu cử vì lý do giới tính không phải là sự cấm đoán đúng đắn và vì thế, tôi ủng hộ nguyên tắc phụ nữ được phép bầu cử. Nhưng tôi cũng mong rằng họ (những phụ nữ đòi quyền bầu cử), không nên hy vọng quá nhiều vào những lời nói của tôi.”
Khi được hỏi, Churchill cũng dứt khoát từ chối đưa ra bất kỳ dự luật cụ thể nào về quyền bầu cử cho phụ nữ. Vì thái độ lập lờ của mình, Churchill dần trở thành cái gai trong mắt những người phụ nữ trên khắp nước Anh.
Churchill bị những người phụ nữ tấn công (ảnh minh họa)
Năm 1910, trong cuộc tổng tuyển cử lần thứ nhất tại Anh, Churchill đã bị một người phụ nữ trẻ lao đến tấn công tới tấp bằng roi đánh chó, tại ga xe lửa Temple Meads.
Sự việc này đã gây rúng động dư luận Anh trong suốt một thời gian dài. Rất may mắn, Churchill đã không bị thương quá nặng.
Churchill sau đó tiếp tục trở thành mục tiêu công kích của phái nữ. Nhiều phụ nữ tham gia biểu tình bị bắt giam, sau đó, đã đồng loạt tuyệt thực đến chết trong tù, để phản đối Churchill.
Sự kiện ngày “Thứ sáu đen tối”, 18.11.1910 nổ ra, một cuộc biểu tình quy mô lớn đã diễn ra ngay trong Quảng trường Quốc hội Anh, sau đó nhanh chóng trở thành vụ ẩu đả lớn giữa người biểu tình với cảnh sát, khiến hơn 200 người bị bắt giữ.
Để tránh tai tiếng, Churchill đã ra lệnh thả hết những người bị bắt. Vô tình điều này lại càng khiến cho quần chúng phẫn nộ hơn. Họ cho rằng, đây là một biện pháp để che đậy tội ác.
Đỉnh điểm là ngày 22.11.1910, một cuộc hỗn chiến đã xảy ra ngay trước văn phòng Thủ tướng Anh. Churchill đã xuất hiện “nổi bần bật” khi ông lớn tiếng chỉ đạo cảnh sát:
“Bắt ngay người phụ nữ đó. Bà ta rõ ràng là kẻ đầu sỏ”.
Câu chuyện nhanh chóng lan rộng trên khắp các mặt báo, Churchill bị dư luận công kích dữ dội vì đã “ngạo mạn chỉ huy các hoạt động của cảnh sát”. Bất lực, Churchill đẩy trách nhiệm cho Thủ tướng Anh khi đó là Asquith:
“Nếu Asquith không giải quyết được ngay (những cuộc biểu tình) thì chính phủ của ông ta có thể sẽ tan vỡ một cách nhục nhã và bị tiêu diệt trong tay một mụ đàn bà.”
Churchill có lần còn suýt mất mạng khi bị những người phụ nữ hành hung (ảnh minh họa)
Churchill luôn bị những người phụ nữ “săn lùng” trong suốt thời gian sau đó. Theo History, một lần khi đang diễn thuyết tại một bến xe lửa, Churchill đã bị một nhóm phụ nữ lao vào hành hung.
Một trong số họ còn muốn lấy mạng ông, khi cố đẩy Churchill ngã xuống đường ray xe lửa. Rất may là bà Clementine Hozier, vợ của Churchill đã xuất hiện kịp thời và ngăn cản người phụ nữ này.
Churchill sau đó đã cố gắng quyết phục chính phủ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý, nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng về quyền bầu cử cho phụ nữ. Tuy nhiên, những nỗ lực này của ông đã bị Thủ tướng Asquith gạt đi.
Cùng với sự căm ghét từ những người phụ nữ, trong thời gian giữ chức Bộ trưởng Nội vụ, Churchill còn bị dính hàng loạt những vụ bê bối khác. Điển hình là vụ giết người đáng xấu hổ ở phố Sidney – London vào ngày 2.1.1911.
Ba tuần trước đó, một nhóm người Latvia nhập cư vào Anh đã trộm cướp một cửa hàng vàng bạc và đụng độ với cảnh sát. Những kẻ này đã giết chết hai cảnh sát và tẩu thoát. Đám tội phạm bị phát hiện khi đang lẩn trốn tại một căn nhà trên phố Sidney.
Đích thân Churchill đã điều động một lực lượng cảnh sát hùng hậu đến bao vây nơi trú ẩn của đám tội phạm. Tuy nhiên, chẳng rõ vì nguyên nhân nào mà căn nhà bỗng nhiên bốc cháy dữ dội. Chỉ huy đội cứu hỏa đã xin ý kiến của Churchill và nhận được chỉ thị “cứ để mặc cho căn nhà bị thiêu rụi hoặc chúng phải ra hàng.”
Hai thi thể cháy thành than được tìm thấy sau đó. Churchill phải hứng chỉ trích dữ dội từ báo chí và dư luận. Thậm chí, ông còn phải đứng ra điều trần về hành vi của mình. Churchill bị nhiều người cho là kiêu ngạo khi phát biểu:
“Tôi hiểu rõ việc làm của các nhiếp ảnh gia, nhưng đâu mới là hành động của một tôn ông cao quý?”
Để xảy ra quá nhiều tai tiếng Winston Churchill phải chuyển sang vị trí khác (ảnh minh họa)
Nói đi cũng phải nói lại, năm 1910 cũng chính Churchill là người đã cố gắng ngăn cản việc sử dụng quân đội, để giải quyết cuộc đình công quy mô lớn của công nhân, tại mỏ than Cambrian, xứ Wales. Vậy mà không hiểu sao, quân đội vẫn được triển khai để bảo vệ các khu mỏ và ngăn cản cuộc bạo loạn.
Hành động này đã phá vỡ truyền thống không can thiệp vào các công việc dân sự của quân đội Anh và dĩ nhiên, Churchill lại là người bị lôi ra chỉ trích.
Dư luận Anh vốn không ưa Churchill, họ đánh giá ông là một Bộ trưởng Nội vụ hiếu chiến, kém linh hoạt và coi thường sinh mạng người dân.
Rất lâu về sau, trong bài viết cho tờ News of the World, năm 1935, Churchill cũng phải thừa nhận rằng, trong tất cả những chức vụ từng nắm giữ, Bộ trưởng Nội vụ là vị trí ông ghét nhất.
Churchill sau đó bị điều chuyển đến làm Bộ trưởng Hải quân, trở thành người đứng đầu lực lượng mạnh nhất quân đội Anh. Chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra và Churchill cũng bắt đầu cuộc chiến của mình trên cương vị mới.
____________
Winston Churchill nổi tiếng là vị Thủ tướng đã giữ những chức vụ quan trọng của nước Anh trong cả hai cuộc Thế chiến. Liệu sau khi nắm giữ sức mạnh của hải quân Anh, Churchill có gặt hái được thành công hay tiếp tục phải nhận trái đắng? Mời các bạn đón đọc chi tiết trong bài kỳ sau.
Thủ tướng Anh Boris Johnson cùng một số giới chức cao cấp đã đến tưởng niệm các nạn nhân xấu số trên chiếc xe container...
Nguồn: [Link nguồn]