Vì sao xung đột Sudan khiến cả thế giới bận tâm?

Chiến sự ở Sudan giữa các lực lượng trung thành với hai vị tướng đẩy quốc gia này đến bờ vực sụp đổ và nguy cơ gây tác động vượt ra khỏi biên giới.

Tướng Abdel Fattah Burhan và đối thủ Mohammed Hamdan Dagalo. (Ảnh: AP)

Tướng Abdel Fattah Burhan và đối thủ Mohammed Hamdan Dagalo. (Ảnh: AP)

Cả hai phe đều có hàng chục ngàn tay súng, được nước ngoài ủng hộ, sở hữu tài nguyên thiên nhiên và những nguồn lực khác để có thể đương đầu với các lệnh trừng phạt. Đó là công thức cho kiểu xung đột kéo dài đã tàn phá nhiều quốc gia ở Trung Đông và châu Phi, từ Li-băng đến Syria, Libya và Ethiopia.

Cuộc chiến xảy ra khi Sudan đang cố gắng chuyển sang dân chủ, đến nay khiến vài trăm người thiệt mạng và vài triệu người mắc kẹt ở các vùng đô thị vì những cuộc đọ súng, vụ nổ và cướp bóc.

Tướng Abdel Fattah Burhan – tư lệnh các lực lượng vũ trang, và tướng Mohammed Hamdan Dagalo – chỉ huy lực lượng bán quân sự RSF lớn mạnh từ phiến quân Janjaweed khét tiếng ở Darfur, đang tranh giành nhau để kiểm soát Sudan.

Cuộc chiến diễn ra hai năm sau khi hai người này bắt tay nhau thực hiện cuộc đảo chính quân sự và làm trật bánh quá trình chuyển đổi dân chủ bắt đầu sau phong trào biểu tình năm 2019, dẫn đến việc lật đổ nhà lãnh đạo độc tài lâu năm Omar al-Bashir. Trong mấy tháng gần đây, các cuộc đàm phán đang diễn ra nhằm quay lại quá trình chuyển đổi dân chủ.

Người chiến thắng sau cuộc chiến hiện nay có thể trở thành tổng thống tiếp theo của Sudan, còn người thua có thể phải sống lưu vong, bị bắt hoặc chết. Một cuộc nội chiến kéo dài hoặc phân chia đất nước thành các vùng lãnh thổ đối lập cũng có thể xảy ra.

Alex De Waal, một chuyên gia về Sudan tại ĐH Tufts, cho rằng cuộc xung đột hiện nay có thể được coi là “vòng nội chiến đầu tiên”.

“Nếu không kết thúc nhanh, cuộc xung đột sẽ trở thành trò chơi đa cấp độ, trong đó các lực lượng khu vực và quốc tế sẽ theo đuổi lợi ích của họ, dùng tiền, vũ khí và có thể cả quân đội của họ, hoặc xảy ra chiến tranh đại diện”, Waal nhận định.

Tác động khu vực

Sudan là đất nước lớn thứ ba ở châu Phi tính theo diện tích và nằm ven sông Nile. Quốc gia này chia sẻ nguồn nước với các nước Ai Cập và Ethiopia. Ai Cập dựa vào sông Nile để nuôi 100 triệu dân, còn Ethiopia đang xây một con đập lớn ở thượng nguồn, khiến cả Cairo và Khartoum đứng ngồi không yên.

Ai Cập có quan hệ gần gũi với quân đội Sudan và coi Sudan như một đồng minh để đối phó với Ethiopia. Cario đã liên lạc với cả hai phe ở Sudan để thúc giục ngừng bắn, nhưng có lẽ sẽ không đứng yên nếu quân đội thất bại.

Sudan giáp biên giới với 5 quốc gia khác: Libya, Chad, CH Trung Phi, Eritrea và Nam Sudan. Gần như tất cả các nước này đều sa lầy trong xung đột nội bộ, với nhiều nhóm phiến quân hoạt động dọc biên giới.

“Điều diễn ra ở Sudan sẽ không chỉ giới hạn ở Sudan. Chad và Nam Sudan có nguy cơ chịu tác động lan toả ngay lập tức. Nhưng chiến sự kéo dài có thể sẽ dẫn đến can thiệp lớn từ bên ngoài”, Alan Bosweel, chuyên gia công tác tại International Crisis Group, nhận định.

Trong những năm gần đây, các quốc gia Ả-rập Vùng Vịnh để ý đến vùng Sừng châu Phi để có thể mở rộng ảnh hưởng khu vực.

UEA, một cường quốc quân sự đang lên đã mở rộng hiện diện trên khắp Trung Đông và Đông Phi, có quan hệ gần gũi với RSF. RSF từng đưa hàng ngàn quân đến hỗ trợ UAE và Ả-rập Xê-út trong cuộc chiến chống lực lượng Houthi được Iran hậu thuẫn ở Yemen.

Trong khi đó, Nga từ lâu đã ấp ủ kế hoạch xây một căn cứ hải quân đủ chỗ cho 300 quân và 4 tàu ở cảng Sudan, một tuyến thương mại quan trọng trên Biển Đỏ để đưa năng lượng sang châu Âu.

Hãng quân sự tư nhân Nga Wagner vào châu Phi từ nhiều năm trước, và hoạt động ở Sudan từ năm 2017. Mỹ và EU đang áp lệnh trừng phạt với 2 công ty khai thác vàng có quan hệ với Wagner ở Sudan.

Sudan bị quốc tế gạt ra ngoài khi tiếp đón Osama bin Laden và các thủ lĩnh khác trong những năm 1990, khi al-Bashir trao quyền cho một chính phủ Hồi giáo cứng rắn.

Sudan càng bị cô lập trong cuộc xung đột ở Tây Darfur trong những năm 2000, khi các lực lượng Sudan và Janjaweed cáo buộc nhau thực hiện thảm sát và đàn áp những cuộc nổi dậy địa phương. Cuối cùng, Toà án hình sự quốc tế buộc tội diệt chủng đối với al-Bashir.

Mỹ đưa Sudan khỏi danh sách các nước tài trợ khủng bố sau khi chính phủ ở Khartoum đồng ý hàn gắn quan hệ với Israel năm 2020.

Tuy nhiên, hàng tỷ đô la cho vay và viện trợ bị đóng băng sau cuộc đảo chính năm 2021. Cuộc đảo chính đó cùng với xung đột Ukraine và lạm phát toàn cầu khiến nền kinh tế Sudan rơi tự do.

Các cường quốc có thể làm gì?

Những khó khăn kinh tế của Sudan có vẻ là điều kiện phù hợp để phương Tây sử dụng các lệnh trừng phạt kinh tế để ép cả hai bên xuống nước.

Tuy nhiên, ở Sudan cũng như những nước châu Phi giàu tài nguyên khác, các nhóm vũ trang từ lâu đã tích luỹ tài sản nhờ âm thầm bán khoáng sản quý và các tài nguyên thiên nhiên khác.

Dagalo, một nhà buôn từ Darfur, sở hữu rất nhiều gia súc và hoạt động khai thác vàng. Người đàn ông này được các quốc gia Vùng Vịnh trả hậu hĩnh cho sự hỗ trợ của RSF ở Yemen.

Quân đội kiểm soát hầu hết nền kinh tế, và cũng dựa vào những thương nhân ở Khartoum và dọc bờ sông Nile giàu có nhờ thời gian trị vì kéo dài của al-Bashir.

Các bên có thể trở thành trung gian hoà giải, như Mỹ, Liên Hợp Quốc, EU, Ai Cập, các nước Vùng Vịnh, Liên minh châu phi và khối 8 nước Đông Phi IGAD, thậm chí có thể khiến nỗ lực dàn xếp hoà bình trở nên phức tạp hơn bản thân cuộc chiến.

Xung đột bạo lực gia tăng ở Sudan, ông Tập Cận Bình ra chỉ thị

Trung Quốc cân nhắc sơ tán công dân khỏi Sudan, Đại sứ quán nước này ở Khartoum ngày 23/4 cho biết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tú Linh - AP ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN