Vì sao xe tăng uy lực Nga có nguy cơ bị thổi bay tháp pháo ở Ukraine?

Sự kiện: Vũ khí quân sự

Chuyên gia chỉ ra các xe tăng Nga có một lỗ hổng thiết kế khiến tháp pháo xe tăng dễ bị thổi bay, ngay cả khi trúng phải một phát đạn gián tiếp cũng có thể khiến toàn bộ đạn bên trong nổ tung, kíp lái có thể thiệt mạng ngay lập tức.

Những hình ảnh xe tăng Nga bị phá hủy với tháp pháo bị thổi bay đã được các hãng tin quốc tế đăng tải kể từ khi bắt đầu nổ ra xung đột Nga-Ukraine.

Lỗ hổng thiết kế chết người

Đài CNN dẫn ý kiến của các chuyên gia nói rằng các xe tăng Nga có một lỗ hổng thiết kế khiến tháp pháo của xe tăng dễ bị thổi bay. Lỗ hổng thiết kế này gọi là “hộp đồ chơi có lò xo bật ra” (jack-in-the-box effect).

Xe tăng bị phá hủy của Nga với phần tháp pháo bị thổi bay ở khu định cư Dmytrivka (Ukraine). Ảnh: Alexey Furman/Getty Images

Xe tăng bị phá hủy của Nga với phần tháp pháo bị thổi bay ở khu định cư Dmytrivka (Ukraine). Ảnh: Alexey Furman/Getty Images

Vấn đề ở đây nằm ở chỗ các xe tăng Nga tích tới 40 quả đạn pháo ngay trong tháp pháo. Điều này đồng nghĩa với việc các cỗ xe tăng của Nga dễ bị tổn thương, ngay cả khi trúng phải một phát đạn gián tiếp cũng có thể khiến toàn bộ kho đạn nổ tung.

“Những gì chúng tôi đang nhận ra với các cỗ xe tăng Nga là một lỗ hổng thiết kế” – ông Sam Bendett, cố vấn Chương trình Nghiên cứu Nga tại Trung tâm An ninh Tân Mỹ nói với CNN.

“Bất cứ một cú đánh thành công nào cũng nhanh chóng kích nổ đạn bên trong, gây ra một vụ nổ lớn và tháp pháo bị thổi bay theo đúng nghĩa đen” – ông Bendett cho biết.

Một video đăng trên Twitter dường như cho thấy tháp pháo của một xe tăng Nga bị thổi bay lên cao ngang tầng 5 của một tòa nhà chung cư ở TP Mariupol (Ukraine) sau một cuộc tấn công.

Một video tương tự quay tại TP Chernihiv (Ukraine) cho thấy một tháp pháo xe tăng bị thổi bay lên cao ngang tầng 2 của một ngôi nhà.

Vấn đề này đặc biệt phổ biến ở xe tăng chiến đấu chủ lực T-72 và T-80 do Nga chế tạo vì những mẫu xe tăng này có cơ chế tự động nạp đạn, thường tích trữ khoảng 20 viên đạn khi được nạp đầy đủ, theo ông Steven Zaloga, chuyên gia về xe tăng Nga và Liên Xô nói với trang Task and Purpose.

Đây không phải vấn đề mới vì nhiều xe tăng T-72 do Nga sản xuất được Iraq sử dụng trong các cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 và năm 2003 cũng bị thổi bay tháp pháo tương tự.

Nhà phân tích quốc phòng Nicholas Drummond cho rằng Nga đã không rút ra bài học từ Iraq và đó là lý do tai sao nhiều xe tăng Nga ở Ukraine có lỗ hổng thiết kế tương tự.

Điều đó có nghĩa là ekip vận hành xe tăng Nga dễ bị tấn công.

“Nếu anh không kịp thoát khỏi xe trong giây đầu tiên anh sẽ bị thiêu cháy” – ông Drummond nói với CNN.

Bất chấp các mẫu xe tăng mới hơn của Nga như T-80 và T-90 được nâng cấp lớp giáp nhưng chúng vẫn gặp phải các vấn đề tương tự về hệ thống nạp đạn, khiến chúng dễ chịu chung số phận.

Vấn đề trên cũng ảnh hưởng tới các phương tiện khác mà Nga đã triển khai tới Ukraine, chẳng hạn như xe chiến đấu bộ binh BMD-4 (do kíp lái ba người vận hành và có thể chở thêm năm binh sĩ).

Chuyên gia Drummond nói rằng xe chiến đấu bộ binh BMD-4 là một “cỗ quan tài di động”, chỉ cần trúng một quả rocket thì sẽ bị thiêu rụi.

Trang web theo dõi tình báo nguồn mở Oryx ghi nhận ít nhất 300 xe tăng Nga bị phá hủy ở Ukraine, và hơn 280 xe tăng bị hư hỏng, bị bỏ lại hoặc bị tịch thu, tính đến ngày 29-4.

Oryx chỉ bao gồm các xe tăng bị phá hủy có bằng chứng hình ảnh hoặc video, do đó con số thực có thể cao hơn nhiều,

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace từng ước tính Nga đã mất 580 xe tăng ở Ukraine.

Điểm khác biệt giữa xe tăng Nga và xe tăng phương Tây

Theo trang The EurAsian Times, trong hầu hết các thiết kế của xe tăng phương Tây, bao gồm xe tăng M1 Abrams, đạn được trong xe được tạo khoang riêng ngăn cách với khoang của kíp lái bởi lớp ngăn nổ, và được lắp các tấm chắn thoát khí đặc biệt để ngay cả khi đạn nổ, các tấm thoát khí này sẽ thổi bay trước và làm lệch hướng vụ nổ ra ngoài chứ không xuyên qua khoang kíp lái. Điều này giúp kíp lái có thời gian thoát ra ngoài.

Xe tăng chủ chiến M1A2 Abrams của Mỹ. Ảnh: Military.com

Xe tăng chủ chiến M1A2 Abrams của Mỹ. Ảnh: Military.com

Trong khi đó trong thiết kế của xe tăng Nga, không có tấm chắn thoát khí vì đạn dược được cất trữ cùng chỗ với kíp lái. Do đó, khi một quả đạn chống tăng xuyên thủng tháp pháo hoặc thân xe thì có thể làm nổ lượng đạn cất trữ, khiến xe tăng nổ tung, xé toạc xe tăng từ bên trong và thường thì tháp pháo bị thổi bay ra xa. Trong trường hợp như vậy kíp lái có thể thiệt mạng ngay lập tức.

Nói về việc điều gì có thể khiến tháp pháo xe tăng bị thổi bay cao tới 15-20 m, Thiếu tá Mike Liscano của Lục quân Mỹ nói rằng điều đó tùy thuộc vào loại đạn và lượng đạn có trong băng đạn và hốc tháp pháo.

“Càng có nhiều đạn nổ mạnh và thuốc phóng cộng tác thì càng nhiều khả năng tháp pháo sẽ tạo ra hiệu ứng “hộp đồ chơi có lò xo bật ra”. Hãy tưởng tượng thả một que diêm đang cháy vào một thùng chứa đầy thuốc súng mà chẳng có gì ngăn que diêm đã bắt lửa rơi vào vật liệu nổ đó” – ông Liscano nói.

Khả năng sát thương và khả năng sống sót

Theo Thiếu tá Liscano, cách cất trữ đạn dược khác nhau trên xe tăng M1 Abrams của Mỹ và xe tăng Nga cho thấy sự khác biệt rất lớn trong tư duy của hai nền quân đội về vấn đề khả năng sống sót.

Xe chiến đấu bộ binh BMD-4M có khả năng lội nước thế hệ mới của Nga. Ảnh: Sefa Karacan/Anadolu Agency/Getty Images

Xe chiến đấu bộ binh BMD-4M có khả năng lội nước thế hệ mới của Nga. Ảnh: Sefa Karacan/Anadolu Agency/Getty Images

“Người Nga ưu tiên khả năng sát thương hơn khả năng sống sót. Họ biết họ có ưu thế vượt trội về số lượng so với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Họ có tâm lý rằng với khả năng sát thương thì chất lượng hơn số lượng” – ông Liscano nói.

Trong khi đó, ông Liscano nói, phương Tây nhận ra sự cần thiết “chiến đấu với số lượng áp đảo và giành chiến thắng” và đã quyết định biến “khả năng sống sót” thành yếu tố then chốt trong các thiết kế xe tăng.

“Chúng tôi sản xuất xe tăng mạnh đến nỗi nó có thể hạ gục ít nhất 10 xe tăng Nga trước khi có khả năng bị áp đảo. Sau đó nếu xe tăng của chúng tôi bị vô hiệu hóa, kíp lái được đào tạo và có kinh nghiệm có thể nhảy ra ngoài và sống sót để chiến đấu thêm một ngày trên chiếc xe tăng sẵn có tiếp theo” – ông Liscano nói.

Ông cũng nhấn mạnh rằng một kíp lái được đào tạo bài bản có thể chiến thắng kẻ thù mạnh hơn về số lượng. Ông Liscano cũng nhấn mạnh rằng trong cuộc chiến tranh Ả Rập – Israel năm 1973 trên Cao nguyên Golan, đội xe tăng của Israel tuy có nhiều xe tăng lỗi thời nhưng áp đảo về quân số so với các xe tăng mới nhất của Nga được cung cấp cho lực lượng Ả Rập. Phía Israel không chỉ giữ được đất của họ mà còn giành chiến thắng.

“Phương Tây, đặc biệt là Mỹ, nhìn nhận sức mạnh chiến đấu thực sự của chúng tôi chính là người của chúng tôi. Giáo dục và đào tạo họ, cung cấp nền tảng chiến đấu tốt nhất, có tính sát thương, khả năng sống sót và khả năng cơ động tốt nhất, và thậm chí là vượt trội về số lượng chúng tôi sẽ thắng” – ông Liscano nói thêm.

Nga tiết lộ cảnh sửa chữa, thay thế động cơ xe tăng ngay tại chiến trường ở Ukraine

Truyền hình quốc phòng Nga Zvezda TV gần đây đăng tải video sửa chữa một xe tăng chủ lực T-72B3 tại một cánh đồng trên chiến trường ở Ukraine.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tri Túc ([Tên nguồn])
Vũ khí quân sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN