Vì sao vùng ly khai của Moldova bị kéo vào xung đột tại Ukraine?
Lo ngại Moldova có thể bị cuốn vào cuộc xung đột ở Ukraine đang tăng lên sau khi một số vụ nổ được ghi nhận ở khu vực ly khai Transnistria thân Nga hậu thuẫn.
Một vụ nổ bí ẩn nhắm vào Bộ an ninh nhà nước, một tháp đài và đơn vị quân đội, đã xảy ra ở Transnistria vài ngày sau khi một chỉ huy cấp cao của Nga tuyên bố những người nói tiếng Nga ở Moldova đang bị đàn áp.
Tình hình tại Transnistria
Transnistria là một khu vực chủ yếu nói tiếng Nga, nằm giữa sông Dniester và biên giới Ukraine, khu vực này đã tách khỏi Moldova sau khi Liên Xô sụp đổ.
Năm 1992, phe ly khai đã đối đầu với chính phủ thân phương Tây của Moldova. Cuộc xung đột đã kết thúc với thương vong lên tới hàng trăm người và sự hỗ trợ của Nga với phe ly khai.
Một cuộc trưng cầu dân ý năm 2006 không được cộng đồng quốc tế công nhận cho thấy 97,1% cử tri tại Transnistria đã ủng hộ việc gia nhập Nga, giáng một đòn mạnh vào hy vọng của Moldova trong tham vọng theo chân Romania và các nước Đông Âu ngoại cộng sản khác vào Liên minh châu Âu (EU).
Trụ sở của hội đồng thành phố ở Tiraspol, Transnistria, Moldova. Ảnh: Shutterstock
Được biết, Transnistria do phe ly khai kiểm soát và là nơi thường trú của 1.500 binh sĩ Nga và có một kho vũ khí lớn.
Tại Transnistria, người dân vẫn sử dụng bảng chữ cái Cyrillic và có đồng tiền tệ riêng (đồng Rúp Transnistria), lực lượng an ninh và hộ chiếu riêng. Phần lớn trong khoảng 450.000 cư dân tại đây có 2-3 quốc tịch là Nga, Moldova hoặc Ukraine.
Phần lớn dân số của Transnistria nói tiếng Nga, trong khi phần còn lại của Moldova chủ yếu nói tiếng Romania. Moscow đã hỗ trợ nền kinh tế cho Transnistria, cung cấp khí đốt miễn phí và duy trì đóng quân ở đó.
Người phát ngôn của Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Dmitry Peskov, hôm 26/4 cho biết ông cảm thấy "lo ngại" về tin tức từ Transnistria, trong khi lãnh đạo của nước cộng hòa tự xưng ở Donetsk, Denis Pushilin, nói với RIA Novosti rằng Moscow "cần tính đến những gì đang xảy ra ở Transnistria" khi lập kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo của chiến dịch quân sự.
Trong khi đó, Tổng thống Moldova Maia Sandu đã nhiều lần bày tỏ sự phản đối với phe ly khai Transnistria. Theo đó, bà Sandu nói rằng bà muốn quân đội Nga đóng quân dọc biên giới Transnistria với Moldova được thay thế bằng một phái đoàn quan sát viên của Tổ chức An ninh và Hợp tác ở châu Âu. Tuy nhiên, đề xuất này đã bị Moscow bác bỏ.
Sau cuộc họp với hội đồng an ninh vào tuần này, bà Sandu cho biết một số "lực lượng ẩn danh bên trong Transnistria" đang "ủng hộ xung đột" và quan tâm đến việc làm mất ổn định tình hình trong khu vực.
Kế hoạch của Nga ở Transnistria
Theo CNN, mối quan tâm về kế hoạch dài hạn của Nga đối với Transnistria đã tăng lên sau khi Moscow sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014. Động thái trên của Nga đã làm dấy lên lo ngại rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ kiểm soát miền Nam Ukraine. Một khu vực ly khai do Nga hậu thuẫn ở rìa phía Tây Nam của Ukraine hiện có thể là nguy cơ tiềm tàng cho bất kỳ cuộc tấn công nào của Nga về phía Tây từ khu vực Donbas.
Sự hiện diện được cho là "gìn giữ hòa bình" của Nga ở Transnistria được xem là giống với nguyên nhân Moscow mở hoạt động quân sự của Nga tại Ukraine và Gruzia. Hồi chuông báo động đối với Moldova và phương Tây ngày càng lớn hơn sau khi Điện Kremlin nhắc lại quan điểm những người nói tiêng Nga đang bị phân biệt đối xử ở Transnistria.
Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, các quốc gia phương Tây đã khẩn trương theo dõi hoạt động của Moscow ở các khu vực bên ngoài đất nước, bao gồm cả Transnistria.
Một số quan chức Ukraine dự đoán đến một lúc nào đó, Nga sẽ điều chỉnh lực lượng quân đội ở Transnistria, đặc biệt là sau khi Moscow phải chịu một số lượng đáng kể thiệt hại về lực lượng và thiết bị trong những tuần đầu tiên xung đột.
Hãng thông tấn nhà nước Nga TASS dẫn lời Thiếu tướng Quân khu Trung tâm của Nga, Tướng Rustam Minnekaev, cho biết mục đích của nước này là tạo ra một hành lang trên bộ nối khu vực Donbas phía Đông Ukraine và Crimea, nói thêm rằng quyền kiểm soát đối với miền Nam Ukraine sẽ cho phép lực lượng Nga tiếp cận Transnistria.
Nguồn: [Link nguồn]
Tổng thống Nga Vladimir Putin nói Nga sẽ không ngần ngại ”sử dụng vũ khí mà không quốc gia nào khác” sở hữu với mục đích phòng vệ.