Vì sao vùng cấm bay không thể giúp được Ukraine?
Bất chấp việc nhiều lần bị bác bỏ, chính quyền của Tổng thống Zelensky vẫn liên tục kêu gọi Mỹ và NATO lập vùng cấm bay ở Ukraine nhằm đối phó quân đội Nga. Theo nhiều chuyên gia, một vùng cấm bay là điều không thực sự tốt cho Kiev.
Việc lập vùng cấm bay được cho là không có lợi đối với Ukraine (ảnh: FT)
Sự từ chối thẳng thừng của Mỹ và NATO là tín hiệu cho thấy đề nghị lập vùng cấm bay ở Ukraine của ông Zelensky thực sự bất khả thi. Giải pháp cung cấp vũ khí phòng không giúp Ukraine phòng thủ bầu trời được cho là tốt hơn cả, theo Financial Times.
Trong hơn 3 tuần kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự, Mỹ và các nước đồng minh như Đan Mạch, Đức, Italia, Anh đã viện trợ cho Ukraine hàng trăm tên lửa Stinger và Starstreak. Mỹ cũng đang làm việc với một số đồng minh ở Đông Âu để tìm cách cung cấp cho Ukraine hệ thống phòng không S-300.
“Từ danh sách những thứ Ukraine yêu cầu, chúng tôi thấy rằng, họ cần vũ khí phòng không”, một quan chức NATO (giấu tên) nói với Financial Times.
Theo nhiều chuyên gia, việc Ukraine đề nghị lập vùng cấm bay thực sự là đòi hỏi “quá mức” đối với NATO. Có vô số thách thức cần phải vượt qua để thiết lập và thực thi vùng cấm bay. Điều quan trọng nhất là NATO sẽ phải tấn công bất kỳ phương tiên bay nào của Nga hoạt động trong vùng cấm bay, thậm chí là cả hệ thống phòng không trong lãnh thổ Nga. Đây là bước đi có thể gây ra xung đột toàn diện giữa Nga với NATO mà Ukraine là chiến trường chính. Hậu quả đối với Ukraine khi đó là rất khó lường.
“Chúng ta có thể bắn tên lửa vào lãnh thổ Nga hay không? Thành thực mà nói, chúng tôi cho rằng không thể”, Ben Wallace – Bộ trưởng Quốc phòng Anh – nói hôm 16.3.
“Ukraine nên rạch ròi giữa những gì họ muốn và những gì họ thực sự cần. Họ nên sử dụng các vũ khí phòng không một cách hiệu quả hơn là lập vùng cấm bay”, một quan chức quân sự vùng Baltic (giấu tên) nói với Financial Times.
Mỹ và nhiều nước đồng minh đang tăng cường viện trợ tên lửa vác vai cho Ukraine (ảnh: FT)
Hôm 15.3, Lloyd Austin – Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ – cho rằng, lập vùng cấm bay ở Ukraine đồng nghĩa với việc Mỹ “trực tiếp tham gia xung đột với Nga”. Ông Lloyd Austin lưu ý, nếu Mỹ, NATO lập vùng cấm bay ở Ukraine thì Nga cũng có thể làm điều tương tự.
“Tôi e rằng điều đó (lập vùng cấm bay) chẳng mang lại gì ngoài việc giúp ích cho quân đội Nga. Nga có một số lượng rất lớn pháo, tên lửa và máy bay chiến đấu, trong khi Ukraine có ít hơn rất nhiều. Sẽ ra sao nếu Nga trút hỏa lực bừa bãi từ ngày này sang ngày khác? Rất khó có khả năng ngăn chặn họ”, ông Austin nhận xét.
Bình luận về vụ căn cứ quân sự ở thành phố Lviv, Ukraine bị quân đội Nga không kích hôm 13.3, ông Austin cho rằng, lập vùng cấm bay là “không đủ để ngăn cản điều đó”.
Một vấn đề khác khi thực thi vùng cấm bay là các binh sĩ mặt đất của Ukraine khó có thể phân biệt được máy bay địch – ta và điều này có thể khiến máy bay NATO gặp nguy hiểm.
“Đừng quên rằng chúng ta đã viện trợ cho Ukraine rất nhiều vũ khí phòng không hạng nhẹ. Bạn có thể phân biệt được một chiếc MiG-29 hay F-15 đang lao về phía mình không? Hầu hết mọi người không thể”, Christopher Donnelly – người từng có nhiều kinh nghiệm làm cố vấn quân sự cho NATO – đặt vấn đề.
Chỉ vài thập kỷ sau khi được phát minh vào năm 1903 bởi anh em nhà Wright, máy bay đã trở thành một trong những loại vũ khí nguy hiểm nhất trong chiến tranh. Nhằm ngăn chặn những...
Nguồn: [Link nguồn]