Vì sao tướng Trung Quốc có ý định đánh chìm tàu sân bay Mỹ?

Một chuẩn đô đốc Trung Quốc tuyên bố có thể giải quyết vấn đề ở biển Đông và Hoa Đông bằng cách đánh chìm 2 siêu tàu sân bay của Mỹ

Nặng đến 100.000 tấn và dài 333 m, tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân là niềm tự hào của Hải quân Mỹ nhưng lại bị Bắc Kinh xem là gót chân Achilles của Washington. Với hệ thống radar, vật nghi trang và chống tên lửa, nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ được cho là có khả năng đối phó các loại tên lửa thế hệ mới. Trong khi đó, Nga và Trung Quốc đều tuyên bố sẽ nhanh chóng đưa vào sử dụng loại vũ khí siêu thanh thế hệ mới không thể chống đỡ.

Phát biểu tại một hội nghị quân sự ở TP Thâm Quyến - Trung Quốc gần đây, Chuẩn Đô đốc La Viện tuyên bố có thể giải quyết các tranh cãi liên quan đến chủ quyền ở biển Hoa Đông và biển Đông bằng cách đánh chìm 2 siêu tàu sân bay của Mỹ, giết chết ít nhất 10.000 thủy thủ. Nhân vật bị xem là thuộc phe "diều hâu" trong quân đội Trung Quốc còn mạnh miệng khẳng định các tên lửa đạn đạo và hành trình mới của nước này có thể đánh trúng tàu sân bay Mỹ bất kể nó được hộ tống chặt chẽ.

"Điều nước Mỹ sợ hãi nhất là bị thương vong. Chúng ta sẽ thấy nước Mỹ hoảng sợ như thế nào" - tướng họ La nhận định, đồng thời cho rằng cứ một tàu sân bay bị tiêu diệt, Mỹ sẽ mất đi 5.000 quân nhân.

Cũng trong bài phát biểu của mình, ông La Viện, hiện là Viện phó Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc, nhận xét Mỹ có 5 "hòn đá tảng" dễ bị khai thác: quân đội, hệ thống tài chính, lực lượng lao động, hệ thống bầu cử và nỗi sợ kẻ địch. Từ đó, tướng này lớn tiếng cho rằng Trung Quốc nên "sử dụng sức mạnh để tấn công vào các điểm yếu của kẻ thù, tấn công bất cứ nơi nào kẻ thù sợ bị đánh trúng, bất cứ điểm yếu nào của kẻ thù…".

Vì sao tướng Trung Quốc có ý định đánh chìm tàu sân bay Mỹ? - 1

Một chiến đấu cơ chuẩn bị cất cánh từ tàu sân bay Mỹ Theodore Roosevelt ở vùng biển quốc tế ngoài khơi biển Đông năm 2018. Ảnh: AP

Theo trang News.com.au, phát biểu của ông La là một phần cuộc khẩu chiến đang leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc. Trước đó, hồi tháng 12-2018, tờ Global Times đăng tải quan điểm của một nhóm "nhà bình luận quân sự" đối với Đài Loan, biển Hoa Đông và biển Đông. Thời điểm đó, ông La cho rằng Trung Quốc nên tấn công Đài Loan nếu tàu Hải quân Mỹ ghé hòn đảo này. "Nếu hạm đội Hải quân Mỹ dám lưu lại Đài Loan, đó là thời điểm Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) triển khai binh sĩ để thúc đẩy thống nhất đất nước…" - ông thúc giục.

Đây không phải lần đầu tiên một tướng Trung Quốc có phát biểu hiếu chiến về tình hình biển Đông. Trong một hội thảo về biển Đông hồi tháng 12-2018, đại tá không quân Đới Húc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu An toàn và Hợp tác biển, kêu gọi quân đội Trung Quốc sẵn sàng tấn công và đánh chìm tàu chiến Mỹ nếu tàu này xâm phạm "lãnh hải Trung Quốc" ở biển Đông.

Hai nhân vật trên không phải là những người hiếm hoi có quan điểm "diều hâu" trong quân đội Trung Quốc. Tướng về hưu Vương Hồng Quang của Trung Quốc gần đây tuyên bố PLA có thể chiếm Đài Loan trong vòng 100 giờ mà chỉ bị thương vong vài chục người. Theo ông, chừng nào Mỹ không tấn công các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở biển Đông, sẽ không có chiến tranh tại khu vực này.

Ông Brad Glosserman, một chuyên gia về Trung Quốc tại Trường ĐH Tama (Nhật Bản), nhận định bình luận của ông La phản ánh niềm tin phổ biến ở Trung Quốc rằng Mỹ thiếu quyết tâm giành chiến thắng trên chiến trường. "Nhiều người ở Trung Quốc tin rằng người Mỹ không còn muốn gánh chịu thương vong và khi thấy dấu hiệu đầu tiên của rắc rối thật sự, họ sẽ nhanh chóng rời đi thay vì đối mặt" - ông Glosserman nhận định với trang Military.com. Chuyên gia này còn cho rằng Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận thương vong chiến tranh cao hơn Mỹ. 

Bắc Kinh sẽ nhượng bộ?

Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 4-1 xác nhận sẽ tổ chức các cuộc đàm phán cấp thứ trưởng với Mỹ trong ngày 7 và 8-1. Phó đại diện thương mại Mỹ Jeffrey Gerrish sẽ dẫn đầu đoàn Mỹ tới Bắc Kinh.

Đây sẽ là cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đạt được thỏa thuận "đình chiến thương mại" bên lề Hội nghị nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Argentina hôm 1-12-2018. Theo trang Bloomberg, đợt đàm phán này được chia thành các nhóm để giải quyết các vấn đề, như biện pháp phi thuế quan, sở hữu trí tuệ, nông nghiệp và mua bán công nghiệp.

Chuyên gia kinh tế cấp cao về Trung Quốc Xu Jianwei thuộc Ngân hàng Natixis ở Hồng Kông nhận định gần như chắc chắn Bắc Kinh và Washington sẽ tìm thấy tiếng nói chung lần này để tránh leo thang chiến tranh thương mại. "Phía Trung Quốc sẽ nhượng bộ đáng kể và phía Mỹ cũng đang cần một số kết quả tốt. Kinh tế Mỹ không đạt kết quả tốt vào tháng rồi và người dân có thể bắt đầu đổ lỗi cho các chính sách kinh tế của ông Trump. Vậy nên, nhà lãnh đạo Mỹ cần kết quả nào đó để xoa dịu người dân" - ông Xu phân tích.

Dù 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới đang tiến tới cuộc đàm phán được Trung Quốc ca ngợi là "tích cực và xây dựng", Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 3-1 vẫn tiếp tục cảnh báo công dân về việc tới Trung Quốc, trong đó nhấn mạnh về những lệnh cấm xuất cảnh bất ngờ và sự nhũng nhiễu đối với công dân Mỹ gốc Hoa.

Cũng trong ngày 3-1, Bộ Tư pháp Mỹ đưa ra cáo trạng hình sự chống lại 2 công dân Trung Quốc Zhu Hua và Zhang Shilong, với cáo buộc làm việc cho Bắc Kinh, âm mưu tấn công mạng hàng chục công ty và cơ quan chính phủ Mỹ. Theo báo South China Morning Post (Hồng Kông), việc bắt giữ các cá nhân dựa trên cáo buộc gián điệp đang trở thành mặt trận mới nhất trong quan hệ Mỹ - Trung.

Thu Hằng

Đô đốc TQ đề xuất đánh chìm 2 tàu sân bay Mỹ khiến 10.000 người thiệt mạng

Bắc Kinh có kế hoạch tàn khốc để “đuổi“ Mỹ ra khỏi Biển Đông và Biển Nhật Bản, và kế hoạch này có thể khiến 10.000...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lục San ([Tên nguồn])
Quan hệ Mỹ - Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN