Vì sao Trung Quốc xoá sổ dữ liệu hàng loạt ngôi sao nổi tiếng bậc nhất?

Sự kiện: Tin tức Trung Quốc

Với Trung Quốc, văn hoá đại chúng, hâm mộ người nổi tiếng quá mức là vấn đề vô cùng lớn ảnh hưởng tới ý thức hệ, tồn tại lỗ hổng về kinh tế.

Cuộc thanh lọc quy mô lớn

Cuối tuần qua, trang fanpage trên mạng xã hội Weibo (tương tự Twitter) của nữ diễn viên - ca sĩ Triệu Vy, nhân vật nổi tiếng bậc nhất Trung Quốc,… đã bị xóa bỏ. Những bộ phim, chương trình truyền hình có cô góp mặt, kể cả từ 2 thập kỷ trước, cũng bị cấm sóng.

Nữ diễn viên từng lừng danh khắp khu vực Châu Á với những bộ phim như "Hoàn châu cách cách”, “Tân dòng sông li biệt”, biến mất hoàn toàn khỏi danh sách diễn viên, gây sốc với rất nhiều người hâm mộ (fan).

Sherry Fan, 26 tuổi, nhà sản xuất phim tại Bắc Kinh sốc nặng khi đột ngột biết tin về như diễn viên. “Cô ấy từng là hình tượng rất đẹp. Thật không thể tin một diễn viên, một giám đốc tài năng như vậy lại rơi vào tình cảnh này”, Sherry Fan nói.

Triệu Vy từng gây sốt tại châu Á với vai Tiểu Yến Tử trong bộ phim truyền hình "Hoàn Châu cách cách"

Triệu Vy từng gây sốt tại châu Á với vai Tiểu Yến Tử trong bộ phim truyền hình "Hoàn Châu cách cách"

Trịnh Sảng, một ngôi sao hạng A khác, cũng gần như "vô hình" trên các trang web chuyên chia sẻ video và đài phát thanh/truyền hình Trung Quốc. Nữ diễn viên trẻ này bị phạt 46 triệu USD vì trốn thuế, từng dính nhiều bê bối, tin đồn như việc bỏ rơi hai con tại Mỹ.

Bên cạnh đó, ngày 26/8, các cơ quan phát thanh/truyền hình Trung Quốc công bố danh sách đen có tên một loạt người nổi tiếng lên mạng xã hội.

Ngoài Triệu Vy và Trịnh Sảng, danh sách còn nối dài với những cái tên đình đám như ngôi sao người Canada gốc Trung Quốc Ngô Diệc Phàm - người vừa bị bắt vì tội tấn công tình dục.

Mặc dù chuyện thanh lọc người nổi tiếng không phải mới tại Trung Quốc nhưng chưa bao giờ quy mô lại lớn và khắc nghiệt đến mức toàn bộ dấu vết, tên tuổi của ngôi sao đều bị xoá sạch trên các nền tảng mạng như vậy.

Không chỉ chấn chỉnh người nổi tiếng, Cơ quan An ninh mạng Trung Quốc (CAC) cũng thông báo 10 biện pháp chỉnh đốn tình trạng người hâm mộ điên cuồng, hỗn loạn, bắt nguồn từ việc một số fan của Ngô Diệc Phàm có ý định quyên góp tiền, lo chi phí pháp lý cho thần tượng thoát tội.

Quy định mới của CAC có một số điểm đáng chú ý như Trung Quốc sẽ cấm xếp hạng người nổi tiếng, siết quy định đối với các công ty quản lý nhân tài và các tài khoản câu lạc bộ (CLB) người hâm mộ…

Ngăn suy đồi đạo đức, ý thức hệ

Trung Quốc mong muốn người nổi tiếng phải là hình mẫu thúc đẩy giá trị về tình yêu đất nước Ảnh: New York Times

Trung Quốc mong muốn người nổi tiếng phải là hình mẫu thúc đẩy giá trị về tình yêu đất nước Ảnh: New York Times

Theo hãng tin CNN, Trung Quốc nhìn nhận văn hoá đại chúng là một mặt trận quan trọng về hệ tư tưởng.

Tuy Bắc Kinh rà soát, kiểm duyệt chặt chẽ ngành giải trí nhưng vẫn khuyến khích phát triển, ủng hộ điện ảnh, chương trình giải trí nội địa, giảm bớt sức ảnh hưởng từ những sản phẩm của Hollywood hay ngành giải trí nước ngoài.

Do đó, với Trung Quốc, xu hướng người hâm mộ thần tượng hoá, tôn thờ vô lối người nổi tiếng sẽ gây ra những tác động nguy hiểm, độc hại với thế hệ trẻ.

Bắc Kinh cũng coi lối sống xa hoa của một bộ phận ngôi sao, cách thể hiện ẻo lả, yếu ớt của một số nam thần tượng là dấu hiệu suy đồi đạo đức.

Thực trạng người hâm mộ bảo vệ thần tượng không quan tâm đúng sai, sẵn sàng miệt thị, triệt hạ những người có quan điểm đối lập bằng cách bắt nạt qua trực tuyến, tung tin đồn thất thiệt,… là vô cùng đáng ngại.

CAC kêu gọi các cơ quan ban ngành Trung Quốc cùng thực hiện cuộc thanh trừng với tinh thần trách nhiệm, khẩn trương và xuất phát từ mong muốn bảo vệ an ninh chính trị, ý thức hệ trên trực tuyến.

Cùng lúc, cơ quan chống tham nhũng hàng đầu Trung Quốc ra thông báo, chỉ trích văn hoá tôn thờ người nổi tiếng là độc hại, tuyên truyền những giá trị sai lệch trong giới trẻ và khẳng định "nếu không có sự định hướng và thay đổi, văn hoá này sẽ huỷ hoại tương lai của thế hệ trẻ, đạo đức xã hội”.

Chặn lỗ hổng kinh tế

Trịnh Sảng (đứng giữa) từng được trả tới 24 triệu USD trong 2,5 tháng quay phim

Trịnh Sảng (đứng giữa) từng được trả tới 24 triệu USD trong 2,5 tháng quay phim

Không chỉ là vấn đề văn hoá, Trung Quốc còn muốn chặn đứng những lỗ hổng về kinh tế trong ngành giải trí béo bở. Tâm lý yêu thích đến điên cuồng của không ít fan đã trở thành lỗ hổng để một số đơn vị lợi dụng.

Nhiều câu lạc bộ và một số nền tảng đã tính phí thành viên nếu họ muốn tiếp cận hình ảnh thần tượng với chất lượng cao; khuyến khích người hâm mộ chi tiền cho các hoạt động quảng bá.

Ngoài ra, tờ New York Times dẫn lời ông Mark Tanner, Giám đốc quản lý China Skinny, công ty nghiên cứu và marketing tại Thượng Hải cho biết: “Đa số các công ty, doanh nghiệp đều tận dụng tâm lý này để tăng cường thương hiệu. Một số doanh nghiệp chi tới hơn nửa ngân sách marketing vào thuê người nổi tiếng”.

“Từ góc độ thương hiệu, chúng ta không thể đánh giá thấp sức mạnh của người hâm mộ. Họ sẵn sàng mua mọi sản phẩm mà thần tượng mình yêu thích”, ông Tanner nói thêm.

Một vấn đề khác là người nổi tiếng hạng A tại Trung Quốc có thu nhập siêu cao. Đây là điển hình cho khoảng cách giàu nghèo vô cùng lớn mà chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình đang tìm cách thu hẹp, tái phân phối của cải của giới siêu giàu.

Điển hình, diễn viên Trịnh Sảng được trả tới 24 triệu USD trong 2,5 tháng quay một bộ phim. Trong khi đó, theo Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, có khoảng 600 triệu người dân nước này chỉ thu nhập 140 USD/tháng, hãng tin CNN trích dẫn.

Ông Tập kêu gọi nhà giàu Trung Quốc ‘trả lại của cải cho xã hội’

Trung Quốc phải theo đuổi “sự thịnh vượng chung”, tài sản được chia sẻ công bằng cho người dân, và đó sẽ là mục...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trang Trần ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN