Vì sao Trung Quốc ngần ngại "lội" vào biển Đỏ?

Có nhiều lý do khiến Trung Quốc ngần ngại can thiệp các vụ tập kích của Houthi nhắm vào tàu hàng trên biển Đỏ.

Với tuyên bố đáp trả cuộc tấn công của Israel nhắm vào Hamas tại Gaza, khoảng 2 tháng qua lực lượng Houthi ở Yemen đã liên tục tấn công các tàu hàng đi qua biển Đỏ bằng máy bay không người lái (UAV) và tên lửa.

Mỹ sau đó đã dẫn đầu một liên minh hơn 20 quốc gia từ Anh đến Bahrain, tiến hành nhiều biện pháp đáp trả, bao gồm không kích các cơ sở của Houthi ở Yemen.

Các hành động của Houthi trên biển Đỏ cũng khiến Trung Quốc bị ảnh hưởng lớn. Chẳng hạn, các tàu của Trung Quốc phải đi đường vòng khiến đội chi phí. Tuy nhiên, cho tới nay cách tiếp cận của Bắc Kinh chỉ là "kêu gọi chấm dứt các cuộc tấn công vào tàu qua biển Đỏ và bày tỏ lo ngại về tình hình leo thang".

Houthi bắt giữ tàu chở hàng Galaxy Leader ở biển Đỏ vào cuối tháng 11-2023. Ảnh: Reuters

Houthi bắt giữ tàu chở hàng Galaxy Leader ở biển Đỏ vào cuối tháng 11-2023. Ảnh: Reuters

"Bắc Kinh thà chấp nhận những khoản chi phí đội lên hơn là liên minh với Mỹ … hoặc thực hiện các cam kết an ninh tốn kém ở khu vực đầy biến động" – ông David Arase, giáo sư chính trị quốc tế tại Trung tâm Nghiên cứu Hopkins - Nam Kinh, nhận định.

Houthi được cho là do Tehran hậu thuẫn trong khi Trung Quốc từng đứng ra làm trung gian để nối lại quan hệ ngoại giao giữa Iran – Ả Rập Saudi vào năm ngoái. Do đó, nhiều nhà phân tích nhận định Trung Quốc muốn giữ "vai trò trung lập" để không mất lòng cả Iran lẫn các nước Trung Đông.

Hơn nữa, Houthi cũng đã cố "né" các tàu Trung Quốc và Nga. "Đây là một lý do nữa khiến Bắc Kinh không quyết liệt với Houthi" – một chuyên gia khác nhận định.

Ông Jeremy Chan, nhà phân tích cấp cao tại Eurasia Group, nhận định "phản ứng im lặng của Trung Quốc" xuất phát từ quan điểm các cuộc tấn công ở biển Đỏ là "kết quả trực tiếp" của việc không đạt được lệnh ngừng bắn lâu dài ở Gaza.

Bắc Kinh đổ lỗi cho Washington về việc xung đột ở Gaza không có dấu hiệu giảm leo thang suốt những tháng qua.

Còn ông Wang Yiwei, giáo sư quan hệ quốc tế tại Trường ĐH Nhân dân Trung Quốc, cho biết "quan điểm của Bắc Kinh không chỉ là đứng về một bên mà còn phải ủng hộ quyền và lợi ích của tất cả các bên, đặc biệt là các nước đang phát triển".

"Các quốc gia đang phát triển muốn Trung Quốc áp dụng lập trường công bằng và lên tiếng cho thế giới Ả Rập" – giáo sư Wang nói thêm.

Tàu chiến Trung Quốc tập trận ngoài khơi Oman vào năm 2023. Ảnh: PLA

Tàu chiến Trung Quốc tập trận ngoài khơi Oman vào năm 2023. Ảnh: PLA

Theo nhận định của chuyên gia William Figueroa tại Trường ĐH Groningen (Hà Lan), "Bắc Kinh không muốn bị coi là ủng hộ nhóm đe dọa sự ổn định của hệ thống vận tải quốc tế và họ cũng không muốn các dự án khu vực của mình bị cản trở bởi xung đột lan rộng".

Ông Figueroa nói thêm: "Nguồn lực quân sự của Trung Quốc tại vùng Vịnh khá hạn hẹp và họ chắc hẳn không muốn bị kéo vào xung đột quy mô lớn. Nếu Trung Quốc lên tiếng quyết liệt hơn, họ có thể làm mất lòng Iran và chịu những tổn hại không đáng có".

Trung Quốc có lẽ sẽ tiếp tục lập trường hiện tại chừng nào các quốc gia Ả Rập ở vùng Vịnh còn chưa đổi ý. Nguyên do bởi nơi đây có lợi ích thương mại lớn của Bắc Kinh.

Các nhà phân tích nhìn chung không kỳ vọng nhiều vào việc Trung Quốc sẽ thay đổi lập trường hiện tại nhưng "mong đợi Bắc Kinh sẽ tham gia nhiều hơn một chút về ngoại giao, đặc biệt với Iran".

Nguồn: [Link nguồn]

Một quan chức cấp cao của Houthi cam kết phong trào này sẽ không tấn công các tàu Nga, Trung Quốc và Đức trên Biển Đỏ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bằng Hưng (SCMP) ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN