Vì sao Trung Quốc 3 lần thay đổi cách tính ca bệnh Covid-19?

Ngày 20/2, Trung Quốc công bố ghi nhận thêm 394 ca nhiễm Covid-19 mới, con số thấp nhất trong vài tuần trở lại đây. Trước đó hơn một tuần, số ca nhiễm mới bất ngờ tăng vọt tới hơn 15.000 ca chỉ trong một ngày 12/2.

Ảnh: Getty

Ảnh: Getty

Trung Quốc thay đổi cách tính như thế nào?

Sự biến động bất thường này được xác định có liên quan đến cách tính các “ca bệnh được xác nhận” tại tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc), nơi vốn được coi là tâm dịch Covid-19.

Tuần trước, Hồ Bắc tuyên bố sẽ thống kê cả những ca bệnh “được chẩn đoán lâm sàng” vào tổng số ca mắc Covid-19. Đây là những bệnh nhân có tất cả các triệu chứng của Covid-19, nhưng chưa thể làm xét nghiệm, hoặc có kết quả âm tính giả.

Số ca bệnh Covid-19 theo đó bất ngờ tăng vọt, với 15.152 ca nhiễm mới chỉ tính riêng trong ngày 12/2 ở Trung Quốc đại lục.

Các quan chức y tế cho biết động thái này được thực hiện nhằm không bỏ lọt các ca nghi nhiễm ở Hồ Bắc.

Nhưng vào thứ Năm (20/2), hướng dẫn cách tính số ca nhiễm của chính phủ lại thay đổi, và các ca “được chẩn đoán lâm sàng” bị loại khỏi danh sách. Các bệnh nhân buộc phải có kết quả dương tính với virus corona thì mới được xác nhận là ca bệnh. Các trường hợp còn lại đều được coi là nghi nhiễm.

Đến thứ Sáu, 21/2, ông Tu Yuanchao – Phó Giám đốc Ủy ban Y tế Hồ Bắc bất ngờ tuyên bố trong một cuộc họp báo rằng chính quyền nghiêm cấm việc giảm số lượng ca mắc Covid-19 đã được xác nhận.

Ông Tu tuyên bố tất cả các ca bệnh từng bị loại bỏ sẽ được đưa trở lại danh sách.

“Sự điều chỉnh này thu hút sự chú ý đặc biệt của công chúng, khiến nhiều người nghi ngờ về tính xác thực của dữ liệu. Do đó, Bí thư tỉnh ủy Ying Yong – vốn rất quan tâm đến vấn đề này – đã tuyên bố không được phép loại bỏ các ca bệnh đã được xác nhận, và những ca bệnh đã bị loại bỏ sẽ được đưa trở lại danh sách”, ông Tu nói.

Điều gì khiến Trung Quốc thay đổi cách tính liên tục?

Theo các quan chức tỉnh Hồ Bắc, cách thống kê số ca mắc Covid-19 thay đổi là do khả năng xét nghiệm virus corona của các cơ sở y tế nước này được cải thiện.

Wang Guiqiang, Giám đốc Hiệp hội Các bệnh truyền nhiễm thuộc Hiệp hội Y khoa Trung Quốc, cho biết: "Để giải quyết mâu thuẫn giữa chẩn đoán và điều trị, ở Hồ Bắc, các chẩn đoán lâm sàng đã được đưa ra để cho phép điều trị kịp thời cho bệnh nhân nghi mắc, từ đó giảm tỷ lệ tử vong.

Nhưng giờ đây, tình hình ở Hồ Bắc đã thay đổi. Khả năng xét nghiệm axit nucleic đã được cải thiện rất nhiều. Và tất cả các trường hợp nghi ngờ hoặc trường hợp chưa được xác nhận có thể được xét nghiệm axit nucleic một cách nhanh chóng. Xét nghiệm axit nucleic không còn là vấn đề nữa."

Axit nucleaic – giống như DNA - là các phân tử mang thông tin chính của tế bào. Các xét nghiệm axit nucleic được tiến hành trên nước bọt hoặc chất nhầy của bệnh nhân, nhằm tìm kiếm các vật liệu di truyền của virus.

Tuy nhiên, xét nghiệm axit nucleaic có thể cho kết quả âm tính giả, có nghĩa là bệnh nhân bị nhiễm bệnh có thể không bị phát hiện.

Cũng có thông tin cho rằng ở nhiều nơi tại Trung Quốc, việc thiếu bộ dụng cụ xét nghiệm và kết quả không chính xác đang dẫn đến sự chậm trễ trong chẩn đoán và điều trị bệnh nhân mắc virus corona.

Chuyên gia nói gì?

WHO trước đây từng lên tiếng ủng hộ cách Trung Quốc thống kê các trường hợp mắc Covid-19, và cho biết hôm 20/2 rằng tổ chức này cảm thấy vui mừng trước sự sụt giảm của số ca nhiễm mới.

Trong khi đó, một số chuyên gia, bao gồm cựu thành viên Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), lại bày tỏ sự hoài nghi về việc thu thập dữ liệu của Trung Quốc.

Eric Feigl-Ding, nhà dịch tễ học, cho rằng việc thay đổi cách tính ca bệnh trong hai lần trong một tuần là “rất bất thường”.

“Rất khó nắm bắt diễn biến thực sự của dịch bệnh, và mọi việc đang trở nên phức tạp”, Feigl-Ding nói. “Có thực sự là các ca bệnh mới đã giảm? Hay vài ngày gần đây họ đã ngừng thống kê?”

Trên thực tế, theo David Fisman – Giáo sư dịch tễ Đại học Toronto (Canada), cách xác định ca nhiễm virus của các cơ quan y tế thường sẽ thay đổi khi họ hiểu hơn về căn bệnh này.

“Người ta có thể thay đổi cách xác định ca nhiễm vì những lí do bất chính, nhằm tạo ra ảo tưởng rặng dịch bệnh đang có dấu hiệu giảm nhẹ. Trong trường hợp này, Trung Quốc lại làm điều ngược lại.

Họ mở rộng cách xác định ca nhiễm khi cần thiết, để không bỏ lọt bệnh nhân, và giờ khi mọi thứ bắt đầu được kiểm soát, thì họ sẽ thu hẹp lại cách tính để có thể theo dõi dễ dàng diễn biến thực tế của dịch bệnh.”

Các ca bệnh không có triệu chứng

Việc Trung Quốc quyết định không thống kê các bệnh nhân dương tính với Covid-19, nhưng không có biểu hiện bệnh, khiến cộng đồng quốc tế không khỏi thắc mắc.

Điều này khác với các tính của các quốc gia khác trên thế giới, theo Feigl-Ding.

Ví dụ, 11 người Mỹ về nước từ Nhật Bản hồi tuần trước có kết quả dương tính với virus corona, nhưng họ lại không có bất cứ triệu chứng gì.

Những trường hợp này được coi là ca bệnh đã xác nhận ở Mỹ, nhưng ở Trung Quốc, họ lại không được tính.

Feigl-Ding kêu gọi Trung Quốc báo cáo cả những ca bệnh không có triệu chứng, nhưng dương tính với Covid-19, “để đồng bộ hóa với cách tính của quốc tế”.

Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ từng cho biết các bệnh nhân không có triệu chứng bất thường “vẫn có thể truyền nhiễm và lây lan virus”.

Tình hình dịch bệnh được kiểm soát?

Trong một cuộc họp báo hôm thứ Năm, Tổng giám đốc của WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesus, nói rằng mặc dù dữ liệu từ Trung Quốc cho thấy sự suy giảm của các ca nhiễm mới, nhưng đây không phải là lúc để tự mãn.

Các chuyên gia đã cảnh báo dịch bệnh có thể sẽ tiếp tục lan rộng khi người dân Trung Quốc trở lại làm việc.

Trên thế giới, một số ổ dịch khác đã xuất hiện. Bao gồm tàu du lịch Diamond Princess ở Nhật Bản với hơn 630 ca bệnh và 2 ca tử vong. Và một số tỉnh thành gần thành phố Daegu của Hàn Quốc – nơi một bệnh nhân “siêu lây nhiễm” đã lây bệnh cho hàng chục người khác, nâng tổng số ca bệnh tại nước này lên tới 346 ca vào sáng nay, 22/2.

Tại Singapore, tình trạng lây nhiễm tiếp tục tăng, với 85 ca bệnh được xác nhận. Tương tự, tại Hồng Kông (Trung Quốc), có 68 trường hợp đã được xác nhận và 2 trường hợp tử vong.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Hạnh ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN