Taliban lấy sức mạnh ở đâu chống Mỹ 20 năm, càng bị đánh càng ngoi dậy?
Dưới bóng mát của một cây dâu tằm, gần các khu mộ rải rác cờ Taliban, một thủ lĩnh ở miền đông Afghanistan thừa nhận rằng tổ chức đã hứng chịu tổn thất nặng nề về sinh mạng trong 20 năm chống Mỹ và quân đội chính phủ.
Lãnh đạo cấp cao Taliban ngồi vào ghế Tổng thống tại dinh tổng thống ở Kabul ngày 15.8.
Nhưng những tổn thất về sinh mạng không làm thay đổi cục diện cuộc chiến. Mỗi chiến binh Taliban mất mạng, luôn có người khác sẵn sàng thay thế.
“Chúng tôi coi cuộc chiến này là nhiệm vụ tối thượng”, Mawlawi Mohammed Qais, một thủ lĩnh Taliban ở tỉnh Laghman, nói. “Khi một người ngã xuống, sẽ có người khác sẽ bước vào đúng vị trí đó”.
Sau 20 năm chống Mỹ ở Afghanistan, Taliban đã đơn phương tuyên bố giành chiến thắng, sau khi tiến vào kiểm soát thủ đô Kabul vào ngày 15.8.2021.
Tờ New York Times từng có bài phân tích, phỏng vấn các quan chức và tay súng Taliban để giải mã điều gì dẫn đến thành công của tổ chức này.
Mạng lưới nổi dậy đông đảo
Sau khi bị quân đội Mỹ đánh bật khỏi Kabul năm 2001, Taliban tái lập lực lượng gồm các chiến binh và chỉ huy cấp thấp. Các chỉ huy này phải tự xây dựng lực lượng và tìm cách tồn tại ở cấp địa phương, trong khi giới lãnh đạo Taliban sang ẩn náu tại quốc gia láng giềng Pakistan.
Để duy trì sức ép với chính phủ Afghanistan thân Mỹ, Taliban tổ chức một loạt các vụ tấn công và đánh bom, trong khi kiếm nguồn thu nhập từ các hoạt động phi chính thức như buôn bán ma túy.
Từ sau khi Liên Xô rút khỏi Afghanistan năm 1989, lực lượng Hồi giáo thánh chiến Mujahideen tan rã, quay sang tấn công lẫn nhau.
Taliban nổi lên là thế lực mạnh nhất, kiểm soát thủ đô Kabul năm 1996. “Cuộc chiến của chúng tôi bắt đầu từ trước khi người Mỹ đến”, một tư lệnh lực lượng tinh nhuệ của Taliban nói. “Chỉ khi nào một nhà nước Hồi giáo được thành lập, cuộc thánh chiến của chúng tôi vẫn còn tiếp tục”.
Taliban ước tính có khoảng 75.000 tay súng và các lực lượng bán quân sự. Tổ chức này thực chất là một tập hợp các lực lượng quân sự địa phương tự lực và tự cung. Giới lãnh đạo Taliban chỉ can thiệp khi cần giải quyết bất đồng ở các khu vực cụ thể.
Taliban nhận được sự ủng hộ của người dân Afghanistan ở khu vực nông thôn.
“Đây là một mạng lưới nổi dậy phi tập trung. Các chỉ huy từ cấp thấp nhất cũng có quyền tập hợp lực lượng và tập trung nguồn lực”, Timor Sharan, nhà nghiên cứu, cựu quan chức chính phủ Afghanistan, nói. “Đến cấp cao hơn, các chỉ huy này chỉ được công nhận bởi một thủ lĩnh duy nhất, đại diện cho phong trào Hồi giáo Taliban”.
Trong nhiều năm chống Mỹ, giới lãnh đạo Taliban ẩn náu ở Pakistan, nhận được sự hỗ trợ từ Cơ quan tình báo quân đội Pakistan (ISI). Điều này giúp Taliban tiếp tục phong trào chống Mỹ, dù hứng chịu tổn thất nặng nề ở Afghanistan.
Trong giai đoạn năm 2013 – 2020, Mỹ đã thả 27.000 quả bom nhằm vào các lực lượng Taliban, gây ra tổn thất nặng nề, có lúc lên tới hàng trăm tay súng mỗi tuần hoặc 1.000 mỗi tháng.
Tuy vậy, Taliban lại nhận được sự ủng hộ từ người dân Afghanistan ở vùng nông thôn. Taliban dần dần trở thành phong trào đại diện cho mục tiêu chấm dứt sự chiếm đóng của thế lực nước ngoài ở Afghanistan.
Các gia đình sẵn sàng gửi con em gia nhập Taliban, nhờ vậy mà tổ chức có đủ nhân lực để tiếp tục chiến đấu.
Mawlawi Qais giải thích, chính các tay súng Taliban giới thiệu bạn bè, họ hàng gia nhập tổ chức.
Có những trận đánh mà mỗi nhóm tay súng Taliban từ 100 – 150 người, có tới 80 người chết. Tuy nhiên, những người mới đến khỏa lấp vị trí nhanh chóng.
Mỗi khi một tay súng Taliban thiệt mạng, luôn có người khác sẵn sàng thay thế.
Một phần do người dân Afghanistan, vốn hầu hết là theo đạo Hồi, căm ghét những ảnh hưởng từ phương Tây mà chính phủ thân Mỹ đem tới. Đó là những điều mà khi tham chiến, người Mỹ có lẽ đã không lường tới.
Ở những nơi Taliban không giành được ảnh hưởng để chiêu mộ các chiến binh địa phương, tổ chức này vẫn có nguồn nhân lực dồi dào từ 2 triệu người Afghanistan sống lưu vong ở Pakistan, không ngừng đưa các tân binh ra tiền tuyến.
Khác với quân đội chính phủ, các tay súng Taliban và các cấp chỉ huy không hề được trả lương. Ngược lại, tất cả cùng san sẻ chi phí và chia sẻ lợi ích.
Ở những nơi Taliban kiểm soát rộng rãi, các tay súng và chỉ huy Taliban vẫn đi làm công việc khác một cách bình thường.
Taliban còn có mạng lưới tuyên truyền rộng rãi, về mục tiêu đánh bật chính phủ thân Mỹ ở Kabul, về “sự hi sinh cho mục đích lớn lao”. Bản thân thủ lĩnh tối cao Mawlawi Haibatullah Akhundzada còn sẵn sàng đưa con trai tham gia đánh bom tự sát.
Tất cả vì mục tiêu chống Mỹ
Địa hình đồi núi trùng điệp từng khiến Liên Xô "sảy chân" ở Afghanistan, nay được Taliban sử dụng triệt để trong cuộc chiến tranh tiêu hao với Mỹ và NATO.
“Đa số các thủ lĩnh Taliban đều từng tham gia chống Liên Xô. Nhờ đó mà mọi người dễ dàng tìm được điểm tương đồng”, Amir Khan Mutaqi, một lãnh đạo cấp cao của Taliban, nói. “Người Anh từng đến đây, rồi Liên Xô, rồi Mỹ. Chúng tôi luôn có niềm tin rằng sẽ đánh bại được người Mỹ”.
Một chiến binh Taliban cầm trên tay khẩu súng trường do Mỹ sản xuất.
Trong 8 năm đầu chống Mỹ, phong trào Taliban đã lan rộng trên khắp Afghanistan, khiến Tổng thống Mỹ Barack Obama năm 2009 phải nâng số quân Mỹ đồn trú lên tới 100.000. Cuộc chiến rơi vào vòng luẩn quẩn của giết chóc và chết chóc, trong đó Taliban luôn tổn thất lớn hơn.
Ở giai đoạn hai của cuộc chiến chống Mỹ, Taliban càng gia tăng mức độ và cường độ bạo lực, thậm chí có khả năng đánh bom cả những khu vực an ninh cao nhất tại Kabul.
Các tay súng Taliban được đào tạo bài bản ở 16 trại lính, mỗi trại có sức chứa tới 2.000 người. Cứ mỗi 4 tháng, các chiến binh Taliban lại được gửi tới đào tạo lại, mỗi lần kéo dài 15-20 ngày.
Các tay súng Taliban sử dụng vũ khí thuần thục hơn, biết nhắm mắt chính xác, biết sử dụng súng cối, thuốc nổ để tập kích bất ngờ.
Sau khi Mỹ sa lầy, bắt đầu đàm phán với Taliban vào năm 2018, thành phần phái đoàn Taliban tới Doha, Qatar đều là những người đã vào sinh ra tử, hơn một nửa từng ngồi tù tới 10 năm ở nhà tù khét tiếng của Mỹ tại Vịnh Guantanamo.
Trong cuộc đàm phán hòa bình năm 2020, người Mỹ muốn tìm hiểu ảnh hưởng thực sự của giới lãnh đạo Taliban, cũng như việc Taliban có tham gia chiến đấu chống khủng bố sau khi Mỹ rời đi hay không.
Một khi phong trào Hồi giáo Taliban ăn sâu vào tiềm thức của người dân Afghanistan, Mỹ không có cách nào có thể đánh bại.
Kết quả là ngay sau khi Mỹ và Taliban ký thỏa thuận hòa bình ở Qatar vào ngày 29.2.2020, giao tranh trên toàn quốc ở Afghanistan giảm 80%. Taliban đã chứng minh rằng không chỉ có bạo lực mới có thể giúp tổ chức này đạt được mục đích.
Giới lãnh đạo Taliban nói điều khiến tổ chức này khác với các phe phái từng chống Liên Xô, đó là quyền lực được chia đều cho nhiều lãnh đạo khác nhau.
Taliban bắt đầu nổi dậy dưới sự chỉ huy của thủ lĩnh tối cao Mullah Omar, nhưng đến nay, cấu trúc lãnh đạo của Taliban đã phức tạp hơn nhiều, cần sự đồng thuận của đa số các thủ lĩnh.
Nhà nghiên cứu Timor Sharan nói rằng, Taliban đã thành công trong việc thống nhất tổ chức dưới một mục tiêu là chống Mỹ. Nhưng phương hướng lãnh đạo này sẽ bộc lộ lỗ hổng một khi Mỹ rút hoàn toàn khỏi Afghanistan.
Đó là khi các cấp chỉ huy địa phương nắm trong tay hàng ngàn tay súng, không còn tuân lệnh từ các thủ lĩnh cấp cao ở trung ương, giống như những gì xảy ra sau khi Liên Xô thất bại ở Afghanistan.
_________________
Vì sao các lực lượng vũ trang Afghanistan được Mỹ chi tiền và huấn luyện, với khoảng 350.000 binh sĩ và cảnh sát, lại thất bại một cách quá nhanh chóng trước lực lượng có quân số ít hơn gấp khoảng 5 lần, và không hiện đại bằng? Mời bạn đọc cùng chúng tôi tìm hiểu nguyên nhân trong bài kỳ tới, xuất bản sáng sớm 20.8.2021 trên mục Thế giới
Khởi đầu chỉ với 50 thành viên, Taliban dần dần thâu tóm quyền lực và niềm tin của người dân Afghanistan, để rồi nắm...
Nguồn: [Link nguồn]