Vì sao Triều Tiên bị “ám ảnh” phát triển tên lửa?

Không phải ngẫu nhiên mà hơn 30 năm qua, Triều Tiên âm thầm phát triển tên lửa và hạt nhân, bất chấp bị lệnh cấm vận bủa vây tứ phía.

Vì sao Triều Tiên bị “ám ảnh” phát triển tên lửa? - 1

Tên lửa đang được xem là mối quan tâm hàng đầu hiện nay của nền quốc phòng Triều Tiên.

Tuần trước, Triều Tiên thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa, một loại mà Mỹ khẳng định “chưa từng được ghi nhận trong lịch sử”. Cũng trong năm 2017, Triều Tiên đã phóng 12 lần tên lửa các loại vào biển Nhật Bản, nhiều nhất trong lịch sử kể từ khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền.

Hành động thử tên lửa và liên tục bắn về biển Nhật Bản khiến thế giới đặt ra câu hỏi lớn: Vì sao Triều Tiên quyết tâm thử tên lửa, đặc biệt là tên lửa đạn đạo tới vậy? Tại sao Bình Nhưỡng lại “ám ảnh” trong việc phát triển tên lửa tới mức không thể dừng lại, bất chấp lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế?

Hành trình dài của tên lửa Triều Tiên

Vì sao Triều Tiên bị “ám ảnh” phát triển tên lửa? - 2

Lịch sử vũ khí hạt nhân Triều Tiên bắt đầu từ năm 1985 khi nước này kí Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân. Năm 2003, một năm sau khi cựu Tổng thống Mỹ George Bush gọi Bình Nhưỡng là “trục ma quỷ” cùng với Iran và Iraq, Triều Tiên rút lui khỏi hiệp ước. Nhiều nguồn tin thời điểm đó nói rằng Triều Tiên đang âm thầm phát triển vũ khí hạt nhân.

Năm 2005, Triều Tiên tuyên bố sẽ dừng chương trình hạt nhân nhưng bất ngờ thay đổi quyết định sau đó một năm khi bắn thử vài quả tên lửa tầm xa. Tháng 10.2006, Bình Nhưỡng tuyên bố thử hạt nhân lần đầu tiên, buộc Liên Hiệp Quốc lên án và có biện pháp trừng phạt.

Chuyện này xảy ra một lần nữa năm 2007 khi Triều Tiên tuyên bố ngừng phát triển vũ khí hạt nhân để đổi lấy cứu trợ nhân đạo. Tới tháng 5.2009, Triều Tiên thử hạt nhân lần hai và nhận thêm nhiều lệnh trừng phạt nữa từ Liên Hiệp Quốc.

Và kịch bản này vẫn chưa chấm dứt khi tháng 2.2012, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố Bình Nhưỡng chấp thuận dừng chương trình hạt nhân gây tranh cãi để đổi lấy lương thực. Tuy nhiên tháng 1.2013, Triều Tiên thử hạt nhân lần 3.

Mọi thứ tồi tệ hơn rất nhiều khi tháng 1.2016, Triều Tiên thử nghiệm bom nhiệt hạch, sức công phá mạnh gấp hàng ngàn lần bom hạt nhân. Dù Mỹ nói Triều Tiên không thành công nhưng Bình Nhưỡng tuyên bố đã phát triển thành công đầu đạn hạt nhân đủ nhỏ để gắn lên tên lửa đạn đạo.

Tới năm 2017, quốc gia Đông Á này khiến cộng đồng quốc tế lo ngại khi đầu năm, ông Kim Jong-un tuyên bố sẽ thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa đầu tiên trong lịch sử. Sau đó 5 tháng, Bình Nhưỡng chứng minh tuyên bố của nhà lãnh đạo Triều Tiên là có cơ sở.

Tiền đâu làm tên lửa?

Vì sao Triều Tiên bị “ám ảnh” phát triển tên lửa? - 3

Nỗ lực trở thành cường quốc hạt nhân là điều không đơn giản. Hồi tháng 3, Liên Hiệp Quốc nói rằng lệnh cấm vận đã khiến tình hình tại Triều Tiên thêm khó khăn khi các nguồn viện trợ bị cắt đứt. Liên Hiệp Quốc nói rằng ít nhất 4 triệu người Triều Tiên đang bị suy dinh dưỡng nặng.

Dù rất khó khăn về mặt tài chính nhưng kì lạ thay, Triều Tiên vẫn tìm được nguồn tiền để hỗ trợ chương trình tên lửa của mình. “Triều Tiên rất giỏi né lệnh cấm vận, dù mức độ khắt khe tới thế nào”, Cristina Varriale, nhà phân tích ở Viện Quân sự Hoàng gia Anh, nói.

Nhiều quốc gia không đồng ý làm ăn với Triều Tiên nhưng Bình Nhưỡng vẫn có cách xuất khẩu quặng sắt, nicken, đất hiếm sang Trung Quốc. Ngoài ra, lượng lao động Triều Tiên làm việc ở nước ngoài cũng đều đặn gửi tiền về đất nước. Số tiền này ước tính là 1,2 tới 2,3 tỉ USD/năm.

Cân bằng quyền lực

Vì sao Triều Tiên bị “ám ảnh” phát triển tên lửa? - 4

Cán cân xuất khẩu của Triều Tiên có thể không giúp nước này giàu có nhưng đủ để ông Kim theo đuổi tham vọng tên lửa đạn đạo của mình. Ngoài ước muốn quyền lực mạnh mẽ, chuyên gia Varriale nói có nhiều lí do vì sao Triều Tiên tự biến mình thành “mối đe dọa tên lửa và hạt nhân”.

“Đó là cách để củng cố năng lực quân sự và có được vị thế ngăn chặn chiến lược trước Mỹ”, Varriale nói. “Sở hữu tên lửa đạn đạo liên lục địa sẽ thay đổi bàn cờ chiến lược không chỉ trong khu vực mà cả Mỹ”.

Với tên lửa tầm ngắn Triều Tiên bắn thử, Varriale nhận định rằng đây sẽ là vũ khí Bình Nhưỡng dùng nếu xung đột với Seoul diễn ra. “Nếu bạn bắn được tên lửa tầm ngắn thì bạn không cần điều quân qua biên giới nữa”, Varriale nói.

“Trung Quốc không hài lòng với tiến bộ tên lửa của Triều Tiên và các hành động được cho là khiêu khích của quốc gia này. Do đó, họ kéo Mỹ vào khu vực”, Varriale nói. “Dù vậy, mọi chuyện không phải một sớm một chiều là có thể thức dậy và nói “Bình Nhưỡng này, anh nên chấm dứt chuyện này ngay””.

Chuyên gia sốc khi khám phá bí mật tên lửa Triều Tiên

Triều Tiên dường như đã nắm trong tay các bí mật công nghệ tên lửa Liên Xô và tự mình hoàn thiện, tạo ra hướng đi riêng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Minh – Newsweek ([Tên nguồn])
Tin tức Triều Tiên Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN