Vì sao tranh chấp chủ quyền Trung-Nhật có thể gây bùng nổ xung đột quân sự ở châu Á?
Trong khi mọi sự chú ý đổ dồn vào căng thẳng biên giới Trung-Ấn ở dãy Himalaya, một chuỗi đảo nằm cách xa hàng ngàn km tiềm ẩn nguy cơ bùng nổ xung đột ở châu Á.
Nhật Bản gọi quần đảo tranh chấp là Senkaku còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.
Cả Tokyo và Bắc Kinh đều tuyên bố chủ quyền với quần đảo không có người sinh sống này. Nhật Bản gọi là Senkaku còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Nhật Bản đã nắm quyền kiểm soát quần đảo từ năm 1972.
Căng thẳng ở chuỗi đảo cách Tokyo khoảng 1.900km ở phía tây nam đã âm ỉ từ nhiều năm, với tuyên bố chủ quyền có lịch sử từ hàng trăm năm.
CNN đánh giá nguy cơ xung đột quân sự đang ngày càng gia tăng ở quần đảo, có thể mở rộng ra xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc. Đó là bởi Mỹ có hiệp ước quốc phòng, cam kết bảo vệ lãnh thổ Nhật Bản nếu bị nước ngoài tấn công.
Tuần trước, lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản thông báo các tàu Trung Quốc hoạt động gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đã liên tục duy trì sự hiện diện từ giữa tháng 4, đạt mức kỷ lục mới.
Tính đến ngày 19.6, Nhật Bản thống kê được 67 ngày liên tiếp tàu Trung Quốc hiện diện ở khu vực.
Hôm 17.6, Nhật Bản đã thể hiện lập trường rõ ràng. “Quần đảo Senkaku là thuộc quyền kiểm soát của chúng tôi và là thuộc chủ quyền chắc chắn của chúng tôi trong lịch sử và theo đúng luật pháp quốc tế. Chúng tôi coi hành động của phía Trung Quốc là rất nghiêm trọng. Chúng tôi sẽ phản ứng một cách bình tĩnh và chắc chắn”, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản, Yoshihide Suga nói.
Người biểu tình Trung Quốc đập phá một chiếc xe Nhật sau khi căng thẳng leo thang năm 2012.
Đáp trả Nhật Bản, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 19.6 tuyên bố khá tương đồng, nhưng là theo góc nhìn từ phía Trung Quốc. “Quần đảo Điếu Ngư và các đảo lân cận thuộc chủ quyền lãnh thổ Trung Quốc. Chúng tôi có quyền đưa tàu đến khu vực với mục đích tuần tra và thực thi pháp luật”.
Tờ Thời báo Hoàn Cầu có dấu hiệu “đổ thêm dầu vào lửa”, khi chỉ trích việc Nhật Bản muốn thay đổi đơn vị hành chính kiểm soát quần đảo. Hoàn Cầu coi đây là hành động đe dọa nghiêm trọng quan hệ Trung-Nhật.
Theo báo Nhật Asahi Shimbun, hội đồng thành phố Ishigaki muốn tách quần đảo Senkaku/Điếu Ngư khỏi các khu vực đông dân cư để hợp lý hóa các hoạt động hành chính.
Trước căng thẳng gần đây, lần gần nhất Trung-Nhật leo thang căng thẳng về vấn đề chủ quyền biển đảo là từ năm 2012.
Theo các chuyên gia, quần đảo Senkaku/Điếu Ngư có ý nghĩa kinh tế quan trọng mà cả Nhật Bản và Trung Quốc đều không muốn từ bỏ.
Quần đảo và khu vực xung quanh có lượng dầu mỏ và khí tự nhiên dồi dào, nằm gần tuyến đường giao thương chính và cũng rất gần các khu vực đánh cá truyền thống, theo CNN.
Xe tấn công đổ bộ Nhật Bản tràn lên bãi biển trong một cuộc tập trận với Philippines.
William Choong, nhà nghiên cứu tại viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, đồng tình rằng căng thẳng Trung-Nhật đang leo thang. “So với các điểm nóng khác ở châu Á, tranh chấp chủ quyền ở biển Hoa Đông nghiêm trọng hơn nhiều vì có sự pha trộn giữa yếu tố lịch sử, quyền lợi và vị thế của hai nước”.
Các chuyên gia tại tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) nêu kịch bản Trung Quốc tìm cách đưa tàu lên quần đảo tranh chấp và vô hiệu hóa con tàu để biến thành mục tiêu cố định.
Nhật Bản sẽ tìm cách loại bỏ con tàu theo luật pháp quy định. Nhưng vì Trung Quốc không công nhận tuyên bố chủ quyền Nhật Bản đối với các hòn đảo, Bắc Kinh có thể coi đây là hành động leo thang căng thẳng, dẫn đến xung đột quân sự.
Chuyên Choong đánh giá, ở các điểm nóng tranh chấp khác, Trung Quốc đều đã có hành động quyết liệt. Vậy nên việc Trung Quốc khuấy động tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là điều sớm muộn sẽ xảy ra.
“Vấn đề không phải là Trung Quốc có leo thang căng thẳng hay không, mà là liệu Mỹ có đứng về phía Nhật Bản trong tranh chấp ở biển Hoa Đông hay không. Đây là điều mà giới chức Nhật Bản luôn thao thức hằng đêm”, ông Choong viết.
Nguồn: [Link nguồn]
Trong khi Nhật Bản và Hàn Quốc còn mâu thuẫn về vấn đề chủ quyền quần đảo Doko-Takeshima, cả hai nước đều đồng ý...