Vì sao tổng thống Ukraine bất ngờ "xuống nước"?

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gần đây lần đầu tuyên bố có thể chấm dứt xung đột mà không cần giành lại toàn bộ lãnh thổ hiện do Nga kiểm soát.

Trong cuộc phỏng vấn với Sky News hôm 29-11, Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết có thể chấm dứt “giai đoạn nóng” của xung đột nếu NATO đảm bảo an ninh cho phần lãnh thổ Ukraine hiện vẫn do nước này kiểm soát. Ông nói thêm những khu vực do Nga giữ hiện tại có thể đàm phán thông qua ngoại giao sau đó.

Nhà lãnh đạo Ukraine nhắc lập trường này trong lần phỏng vấn với Kyodo News hôm 2-12. Song theo ông Zelensky, lệnh ngừng bắn cần đảm bảo Nga chấp thuận dừng hoàn toàn xung đột và không quay lại kiểm soát thêm lãnh thổ của Ukraine.

Theo Al Jazeera, đến nay Nga kiểm soát khoảng 20% lãnh thổ Ukraine, trong đó có Crimea - nơi Moscow đơn phương sáp nhập vào năm 2014. Tính từ khi xung đột nổ ra vào tháng 2-2022, Nga nắm phần lớn Donetsk, Kherson, Luhansk và Zaporizhia, đồng thời tuyên bố đơn phương sáp nhập các khu vực này hồi tháng 9-2022.

Lập trường của Ukraine đã thay đổi?

Hai cuộc phỏng vấn gần đây là lần đầu tiên ông Zelensky vạch ra kế hoạch chấm dứt xung đột mà không lấy điều kiện tiên quyết Nga trả lại lãnh thổ cho Ukraine. Trước đó, tổng thống Ukraine nhấn mạnh không thể thực hiện thỏa thuận hòa bình trừ khi vô hiệu hóa việc Nga sáp nhập các lãnh thổ của Ukraine.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: Global Images Ukraine

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: Global Images Ukraine

Tại sao Ukraine thay đổi kế hoạch?

Ông Zelensky, trong lần công khai hiếm hoi với Kyodo News, cho biết quân đội Ukraine rất khó giành lại lãnh thổ từ Nga thông qua các biện pháp quân sự. Tuyên bố này được đưa ra sau khi chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ báo hiệu khả năng  Washington thay đổi cách tiếp cận với Ukraine.

Dưới thời ông Joe Biden, Mỹ là nước cung cấp viện trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine. Trong khi đó, có những lo ngại người kế nhiệm sẽ cắt giảm, thậm chí dừng hoàn toàn viện trợ cho Kiev. 

Theo giới phân tích, nếu không có Mỹ, Ukraine sẽ phải vật lộn tìm hướng đi giữa lúc xung đột ngày càng leo thang.

Ukraine muốn gì?

Ông Zelensky nói với Sky News rằng muốn làm việc và trao đổi trực tiếp với ông Trump, mô tả cuộc gặp hồi tháng 9 giữa hai bên là “ấm áp, tốt đẹp, mang tính xây dựng”.

Dư luận Ukraine cũng đang thay đổi. Ngày càng nhiều người mong muốn chấm dứt xung đột nhanh chóng, thay vì giành chiến thắng toàn diện.

Theo thăm dò do Gallup công bố vào ngày 19-11, 52% người Ukraine muốn xung đột kết thúc càng sớm càng tốt. 

Chỉ 38% chọn Ukraine "chiến đấu cho tới khi chiến thắng", giảm mạnh so với con số 73% vào năm 2022.

Tiến trình gia nhập NATO của Ukraine ra sao?

Trong những tháng gần đây, Ukraine ngày càng thúc đẩy mục tiêu gia nhập NATO, khi tham gia liên minh quân sự là một phần quan trọng trong kế hoạch hòa bình của ông Zelensky.

Các thành viên NATO đã đảm bảo với Ukraine rằng “không thể đảo ngược” con đường đưa Kiev trở thành thành viên. Song liên minh này cũng e ngại kết nạp Ukraine giữa lúc xung đột đang tiếp diễn, bởi việc Kiev trở thành một phần của NATO đồng nghĩa toàn bộ liên minh sẽ đối đầu với Nga.

Hồi tháng 4, ông Keith Kellogg - đặc phái viên về xung đột Nga - Ukraine mới được ông Trump đề cử - từng cho rằng NATO nên đề nghị hoãn xem xét tư cách thành viên của Ukraine để thuyết phục Nga đàm phán hòa bình.

Trong những ngày cuối nhiệm kỳ, Tổng thống Joe Biden nỗ lực củng cố lập trường ủng hộ Ukraine trước khi ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Linh ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN