Vì sao tiêm tăng cường hiệu quả với Omicron hơn tiêm 2 mũi?
Một số nghiên cứu cho thấy, biến thể siêu đột biến Omicron đã phần nào khiến khả năng bảo vệ của một số loại vắc xin hiện tại bị suy giảm.
Một số nước đang thúc đẩy tiêm mũi tăng cường (mũi 3) trong bối cảnh biến thể Omicron lây lan tới hơn 70 quốc gia. Ảnh minh họa
Hãng BBC hôm 14/12 đưa tin, 2 mũi của một số loại vắc xin gần như không có tác dụng bảo vệ với biến thể Omicron. Tuy nhiên, các vắc xin này vẫn làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh nặng nếu bị nhiễm.
Các loại vắc xin hiện có đều được phát triển để chống lại dạng virus đầu tiên của SARS-CoV-2, xuất hiện cách đây 2 năm. Và mũi tăng cường (mũi 3) không giống với các mũi tiêm trước đó. Mức độ bảo vệ của mũi 3 sẽ rộng lớn hơn.
"Trường học Covid"
Chống lại virus SARS-CoV-2 là điều mà hệ thống miễn dịch phải "học". Một lựa chọn để học được là lây nhiễm tự nhiên, nhưng "học phí" là cái giá quá đắt, có thể là cả tính mạng.
Theo BBC, vắc xin giống như một trường học - môi trường an toàn để hệ thống miễn dịch "được dạy" cách đối phó virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào cơ thể.
Mũi 1 của vắc xin Covid-19 được xem là giáo dục tiểu học, giữ vai trò nền tảng. Việc tiêm mũi 2 và mũi 3 được xem là bạn đang cho hệ miễn dịch học trung học và đại học để hiểu sâu hơn về virus. Các mũi tiếp theo tương ứng là các cấp học cao hơn, không phải quay lại tiểu học.
Các kháng thể là lợi ích chính của loại hình giáo dục này. Chúng là những protein dính, có thể tự bám vào bên ngoài virus SARS-CoV-2. Các kháng thể trung hòa có thể kìm hãm, ngăn virus xâm nhập vào các tế bào cơ thể. Các kháng thể khác mang theo tín hiệu như tấm biển chỉ dẫn cho hệ miễn dịch, với nội dung: "tiêu diệt virus này".
Một loạt các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và dữ liệu thực tế cho thấy, các kháng thể trung hòa mà cơ thể có sau 2 mũi vắc xin Covid-19 kém hiệu quả hơn với biến thể Omicron.
Giáo sư Danny Altmann, một nhà nghiên cứu miễn dịch tại Đại học hoàng gia London (Anh), cho rằng, lúc này bạn vẫn có nguy cơ bị nhiễm biến thể Omicron. Vì vậy, hãy đưa hệ miễn dịch trở lại "trường học".
Mỗi mũi vắc xin kích hoạt một đợt tiến hóa các kháng thể trong hệ miễn dịch. Các kháng thể tốt hơn được hệ miễn dịch giữ lại vì chúng có thể bám chắc vào virus.
Nếu các kháng thể có thể bám chắc hơn vào virus SARS-CoV-2, đột biến Omicron sẽ khó có thể tự do xâm nhập vào cơ thể. Dù là biến thể siêu đột biến, Omicron vẫn có những phần giống virus ban đầu.
Các lần tiêm tăng cường cũng giúp hệ miễn dịch có thêm lượng lớn kháng thể, trong bối cảnh nó đang tìm cách mới để tấn công virus. Ngoài chất lượng, số lượng kháng thể cũng rất quan trọng.
Giáo sư Charles Bangham, tới từ Đại học Hoàng gia London (Anh), cho biết: "Khi tiêm tăng cường, bạn có nhiều kháng thể hơn. Chúng tôi không biết các kháng thể tồn tại bao lâu, nhưng càng tiêm nhiều mũi thì 'trí nhớ' của hệ miễn dịch càng lâu".
Theo BBC, các mũi tăng cường giúp cơ thể chiếm ưu thế trước các biến thể Covid-19 trong tương lai.
Nguồn: [Link nguồn]
Dữ liệu ban đầu ở một số quốc gia cho thấy, biến thể Omicron "nhắm" tới một nhóm đối tượng cụ thể.