Vì sao tiêm kích Mỹ hết làm “hàng nhái” Su-57 của Nga lại đến J-20 Trung Quốc?

Sự kiện: Vũ khí quân sự

Việc tiêm kích Mỹ hết “làm nhái” Su-57 của Nga lại đến J-20 Trung Quốc cho thấy, Washington buộc phải tăng cường huấn luyện trong bối cảnh mối ngại về sức mạnh quân sự của Moscow và Bắc Kinh ngày càng lớn.

Vì sao tiêm kích Mỹ hết làm “hàng nhái” Su-57 của Nga lại đến J-20 Trung Quốc? - 1

Chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ 5 J-20 của Trung Quốc

Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) đưa tin, trong các bài huấn luyện tăng cường nhằm đối phó với sức mạnh quân sự ngày càng lớn mạnh của Bắc Kinh ở nhiều khu vực chiến lược nhạy cảm như Biển Đông và eo biển Đài Loan, không quân Mỹ sẽ sử dụng các chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 F-35A để “đóng giả” tiêm kích J-20 của Trung Quốc.

Theo đó, các bài tập trận tăng cường của không quân Mỹ sẽ mô phỏng chiến thuật và kỹ thuật của các lực lượng đối địch. Đây là một phần trong công tác huẩn luyện của Mỹ nhằm giúp các phi công làm quen với môi trường chiến đấu thực tế hơn.

Còn theo Military.com, một trang web của quân đội Mỹ, tổng số 11 chiến đấu cơ tàng hình F-35A Lightning II đã được điều động tới phi đội 65 thuộc không quân Mỹ hoạt động tại Căn cứ không quân Nellis ở Nevada. Tại căn cứ Nellis, tiêm kích F-35A của Mỹ sẽ “đóng giả” làm J-20 Trung Quốc.

“Các phi công điều khiển F-22 Raptor rất mong muốn nắm bắt được những đối thủ như J-20. Vấn đề là sẽ không thể hiểu được J-20 nếu như phi đội F-35 và F-22 không đóng giả làm mục tiêu đối đầu trên không”, một phi công điều khiển F-22 chia sẻ trên Military.com.

Phi đội 65 tại Căn cứ không quân Nellis ở Nevada mới được khôi phục hoạt động trở lại vào tháng trước, sau khi buộc phải đóng cửa do thiếu ngân sách.

Trong tuyên bố chính thức, phát ngôn viên Căn cứ không quân Nellis, ông Chris Sukach cho biết quyết định biến F-35A thành J-20 là một phần trong sáng kiến lớn nhằm “tăng cường năng lực huấn luyện cho các chiến đấu cơ thế hệ thứ 5” và 11 chiếc F-35A được chuyển tới căn cứ này sẽ đóng vai trò làm chiến đấu cơ đối địch.

Theo giới chuyên gia, việc Mỹ để F-35A đóng giả làm J-20 chứng minh Washington ngày càng tỏ ra lo lắng trước chương trình hiện đại hóa quân sự và mở rộng phạm vi hoạt động của quân đội Trung Quốc.

Ông Zhang Baohui, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á – Thái Bình Dương tại Đại học Lingnan ở Hong Kong nhận định, “F-35 và J-20 là những chiến đấu cơ có năng lực ngang nhau do đó, không lấy gì làm lạ khi Mỹ sử dụng F-35 để mô phỏng hoạt động của J-20 trong quá trình huấn luyện”.

Cũng theo ông Zhang, các chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 đang đóng vai trò “thay đổi cuộc chơi” trong chiến tranh hiện đại.

“F-22 và F-35 của Mỹ cùng J-20 Trung Quốc và Su-57 Nga là những chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 đang hoạt động trên thế giới. Việc Mỹ phải cẩn trọng với J-20 là đúng. Các cường quốc thường huấn luyện đội quân quốc gia đối phó với tình huống phải giao tranh với những lực lượng quân sự đối phương. Và Mỹ chỉ muốn chuẩn bị cho những kịch bản xấu nhất”, ông Zhang chia sẻ. 

Trong một bản báo cáo hồi đầu năm nay, Quốc hội Mỹ cũng đã cảnh báo J-20 có thể là mối đe dọa nghiêm trọng đối với quân đội Mỹ.

“J-20 được trang bị khả năng hoạt động linh hoạt cao, tính năng tàng hình, hệ thống vũ khí tối tân cùng hệ thống hàng không hiện đại và cảm ứng nhằm giúp chiến đấu cơ Trung Quốc nắm bắt nhanh tình hình, theo dõi các radar hiện đại, nhắm bắn mục tiêu chính xác và cả các hệ thống chiến tranh điện tử tích hợp”, bản báo cáo của Lầu Năm Góc nhấn mạnh.

Vì sao tiêm kích Mỹ hết làm “hàng nhái” Su-57 của Nga lại đến J-20 Trung Quốc? - 2

Mỹ dùng chiến đấu cơ F-35A để "giả dạng" tiêm kích J-20 Trung Quốc trong các bài tập trận

Hồi tháng 12/2018, một chiến đấu cơ Mỹ giả dạng làm tiêm kích J-20 Trung Quốc đã được phát hiện có mặt ở căn cứ quân sự tại sân bay Savannah-Hilton Head ở Georgia.

Sau đó, Bộ Chỉ huy Đào tạo và Huấn luyện của lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ chia sẻ với Marine Corps Times rằng, chiếc J-20 trên đã tham gia vào hàng loạt cuộc huấn luyện quân sự trong thời gian có mặt ở căn cứ Savannah.

Chuyên gia Adam Ni tại Đại học Macquarie ở Sydney nhận định, việc triển khai chiến lược mới Ấn Độ - Thái Bình Dương khiến Mỹ không còn lý do nào khác là buộc phải đối đầu với tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực.

“Quân đội Trung Quốc ngày càng tăng cường khả năng phòng vệ và bảo vệ lợi ích quốc gia ở nước ngoài như trên các tuyến đường biển chiến lược hay cộng đồng người Trung Quốc và các khoản đầu tư ở nước ngoài”, ông Ni nói.

“Có thêm một phi đội chiến đấu cơ và oanh tạc cơ hiện đại, Trung Quốc có thể tăng cường năng lực đối phó với Mỹ. Viễn cảnh này bao gồm ở khu vực eo biển Đài Loan và Biển Đông”, ông Ni nói thêm.

Hồi tuần trước, phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh An ninh châu Á hay còn gọi là Đối thoại Shangri-La diễn ra ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa nhấn mạnh, quân đội Trung Quốc sẽ cứng rắn và bảo vệ các lợi ích quốc gia ở những khu vực như Đài Loan và Biển Đông.

“Như quan điểm của Bắc Kinh, sự cạnh tranh chiến lược tăng cường giữa Mỹ - Trung cần có thêm nhiều nguồn lực để trực tiếp nâng cao năng lực quân sự và khả năng sẵn sàng chiến đấu để quân đội Trung Quốc có thể ngăn chặn xung đột. Những điểm nóng như Đài Loan, Biển Đông và biển Hoa Đông là mấu chốt trong kế hoạch quân sự của Trung Quốc”, ông Ni kết luận.

Trước đó, RT đưa tin phi đội 64 thuộc không quân Mỹ hoạt động tại căn cứ không quân Nellis ở Nevada đã cho sơn lại chiến đấu cơ F-16C Fighting Falcon để giống với tiêm kích hiện đại Su-57 của Nga phục vụ công tác huấn luyện. 

Song dù bề ngoài F-16 của Mỹ trông khá giống với Su-57 của Nga nhưng trên thực tế, hoạt động của hai loại chiến đấu cơ này hoàn toàn khác nhau. Cụ thể, tiêm kích thế hệ thứ 5 của Nga được thiết kế để tàng hình trước hệ thống radar, trong khi F-16C Fighting Falcon là tiêm kích thế hệ 4 nên không có khả năng này. Ngoài ra, F-16 là tiêm kích một động cơ còn Su-57 có hai động cơ.

Báo Anh: Tiêm kích tàng hình Su-57 hộ tống Putin “ăn đứt” F-35 của Mỹ

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã trình diễn 6 chiếc Su-57 tối tân nhất khi đến gặp Ngoại trưởng Nga Mike Pompeo và sức mạnh...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Thu (lược dịch) ([Tên nguồn])
Vũ khí quân sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN