Vì sao tiêm kích F-35 Nhật mới nguyên gặp sự cố rơi xuống biển?

Tiêm kích tàng hình F-35 Nhật rơi xuống biển là chiếc đầu tiên trong lô lắp ráp nội địa, theo hợp đồng ký với Mỹ.

Vì sao tiêm kích F-35 Nhật mới nguyên gặp sự cố rơi xuống biển? - 1

Tàu Nhật Bản và máy bay Mỹ tích cực tìm phi công mất tích.

Theo CNN, tiêm kích tàng hình F-35 biến mất khỏi màn hình radar trong một nhiệm vụ huấn luyện từ căn cứ Misawa ở phía bắc Nhật Bản.

Các quan chức quốc phòng Nhật nói phi công gửi thông điệp báo cần phải hủy nhiệm vụ huấn luyện, ngay sau khi máy bay biến mất khỏi màn hình radar.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Takeshi Iwaya nói đội cứu hộ tìm được một số mảnh vỡ máy bay, bao gồm hai mảnh ở phần đuôi.

Tàu chiến, máy bay của Mỹ và Nhật Bản, bao gồm cả tàu tên lửa dẫn đường Mỹ, tiếp tục tìm kiếm phi công mất tích, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết.

Phi công không xác định danh tính là nam giới, ở độ tuổi ngoài 40 với hơn 3.200 giờ bay. Phi công này được tin tưởng để điều khiển một trong những máy bay tàng hình tốt nhất thế giới hiện nay.

Với các trang thiết bị hiện đại, Lầu Năm Góc nói F-35 là mẫu chiến đấu cơ “đáng giá, mạnh mẽ, hữu dụng và có khả năng sống sót cao”.

Đến tháng 8.2018, hơn 310 tiêm kích F-35 đã được bàn giao cho các lực lượng quân đội trên thế giới, chủ yếu là Mỹ, theo nhà sản xuất Lockheed Martin.

Phi đội tiêm kích F-35 của Nhật chỉ mới được đưa vào sử dụng từ 11 ngày trước. 13 tiêm kích với giá gần 100 triệu USD mỗi chiếc này được đặt tại căn cứ không quân Misawa ở phía Bắc Nhật Bản.

Bộ Quốc phòng Nhật tuyên bố ngừng bay toàn bộ các tiêm kích F-35 còn lại để điều tra nguyên nhân vụ rơi máy bay.

Vì sao tiêm kích F-35 Nhật mới nguyên gặp sự cố rơi xuống biển? - 2

Nhật Bản chế tạo tiêm kích F-35 ngay trong nước theo thỏa thuận với Mỹ.

Báo cáo ban đầu cho thấy máy bay dường như gặp trục trặc hệ thống. Điều đó có nghĩa là có vấn đề trong dây chuyền sản xuất, Carl Schuster, cựu sỹ quan hải quân Mỹ và là giáo sư tại Đại học Thái Bình Dương Hawaii nói.

Theo ông Schuster, các chiến đấu cơ mới xuất xưởng cần phải đạt chứng chỉ và trải qua kiểm tra nghiêm ngặt.

Phần lớn tiêm kích F-35 được chế tạo ở Mỹ. Chiếc máy bay gặp nạn là chiếc đầu tiên xuất xưởng ở nhà máy lắp ráp tại Nagoya, Nhật Bản.

Peter Layton, cựu sỹ quan không quân Úc và là chuyên gia phân tích tại Viện Griffith châu Á, nói dây chuyền lắp ráp ở Nhật Bản có thể có vấn đề.

“Mỹ duy trì hoạt động hàng trăm tiêm kích F-35 mà không gặp vấn đề gì, cho thấy nguyên nhân có thể nằm ở dây chuyền sản xuất địa phương”, Layton nói.

Bên cạnh đó, việc phi công thông báo hủy nhiệm vụ chứ không phải gọi cấp cứu, cho thấy chiếc F-35 gặp vấn đề về thiết bị, Layton nói.

“Phi công nghĩ mình kiểm soát được tình hình, chưa có gì quá nguy hiểm”, Layton giải thích. Nhưng máy bay sau đó đã đâm đầu xuống biển.

Vụ tai nạn khiến Mỹ và Nhật Bản tích cực tìm kiếm xác máy bay, để tránh khả năng Nga hay Trung Quốc tìm thấy, Schuster nói. “Chỉ cần chụp các bức ảnh mảnh vỡ máy bay thôi cũng giúp Nga và Trung Quốc thu thập được các thông tin đáng giá”.

Schuster nhắc lại sự việc xảy ra những năm 1980, khi Mỹ phải gấp rút thu hồi xác chiếc F-14 Tomcat rơi ở biển Caribe. F-14 là một trong những mẫu chiến đấu cơ hiện đại nhất ở thời điểm đó.

Hiện chưa rõ vụ rơi máy bay có làm ảnh hưởng đến đơn hàng mua thêm 105 chiếc F-35A và 42 chiếc F-35B của Nhật hay không.

Siêu tiêm kích F-35 Nhật rơi: Điều gì xảy ra nếu lọt vào tay Nga, TQ?

Quân đội Nhật Bản ngày 10.4 xác nhận một tiêm kích F-35 đang bay huấn luyện đã rơi ở Thái Bình Dương, nơi Nga và Trung...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - CNN ([Tên nguồn])
Vũ khí quân sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN