Vì sao tỉ lệ tử vong vì Covid-19 ở Indonesia cao bất thường?

Số người tử vong ở Indonesia chiếm tỉ lệ lớn so với ca nhiễm được ghi nhận, dấy lên những lo ngại rằng tình hình lây nhiễm Covid-19 ở Indonesia nghiêm trọng hơn nhiều so với thực tế.

Tính đến ngày 22.3, Indonesia ghi nhận 48 ca tử vong và 514 ca nhiễm Covid-19, tương đương tỉ lệ tử vong tới 9,3%. Tỉ lệ này cao hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu là 3-4% và tương đương với Italia – quốc gia đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh.

Các chuyên gia cảnh báo số ca nhiễm hiện tại chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, thậm chí số ca tử vong cũng chưa chắc đã phản ánh chính xác tình hình ở Indonesia.

“Có thể có những ca tử vong không được ghi nhận là do Covid-19 vì chưa bị phát hiện. Nguyên nhân tử vong có thể đơn giản chỉ là viêm phổi”, Berry Juliandi, một nhà sinh học tại Đại học Nông nghiệp Bogor, thành viên của Diễn đàn Nhà khoa học trẻ Indonesia, nói với Arab News.

“Chúng tôi cũng không tiến hành sàng lọc rộng rãi. Những con số thống kê hiện tại cho thấy không thể đánh giá thấp tình hình”, Juliandi nói.

Juliandi cho rằng nhà chức trách phải sẵn sàng từ tháng Giêng. “Nhưng chính phủ chỉ mới vào cuộc được vài tuần. Muộn nhưng hi vọng mọi người không còn chủ quan”, Juliandi nói.

Ông Widodo đứng trước nhiều chỉ trich vì phản ứng chậm với dịch bệnh Covid-19.

Ông Widodo đứng trước nhiều chỉ trich vì phản ứng chậm với dịch bệnh Covid-19.

Chính phủ Indonesia hiện đang hứng chịu chỉ trích lớn vì phản ứng chậm với dịch Covid-19. Không coi các dấu hiệu cảnh báo sớm là vấn đề nghiêm trọng.

Indonesia đang có xu hướng tập trung vào kiểm soát kinh tế hơn là phòng dịch từ sớm.

Indonesia là quốc gia có nguồn thu lớn từ du lịch nên tập trung phần lớn ngân sách cho du lịch hơn là lĩnh vực y tế. Quốc gia Đông Nam Á này hiện vẫn chưa có động thái hạn chế du khách nước ngoài nhập cảnh, dù ở nhiều quốc gia, tình trạng lây nhiễm virus do người ngoài nhập cảnh là rất lớn.

Chính phủ Indonesia cũng hứng chịu chỉ trích vì chỉ cho phép trung tâm nghiên cứu của Bộ Y tế xét nghiệm virus Corona. Đó là lý do số ca nhiễm được xác nhận ở Indonesia hiện ở mức khá khiêm tốn. Nhưng cũng có dấu hiệu cho thấy chính phủ Indonesia sẽ sớm cho phép mở rộng xét nghiệm tại các phòng nghiên cứu cấp địa phương.

Phát ngôn viên chính phủ, Achmad Yurianto nói máy bay quân sự đã đem về 150.000 kit thử virus Corona từ Trung Quốc, sẽ phân phối theo tỉ lệ ưu tiên cho các địa phương có số ca lây nhiễm lớn nhất.

“Chúng tôi sẽ có 1 triệu kit thử trong thời gian ngắn”, ông Yurianto nói. Tuy nhiên, Indonesia hiện chưa cho phép xét nghiệm đại trà mà chỉ giới hạn với những người có triệu chứng bệnh nặng.

Ông Yurianto cũng thông báo rằng chính phủ sẽ trưng dụng nơi từng tổ chức Thế Vận hội châu Á năm 2018 và một khách sạn 5 sao ở Jakarta làm nơi tạm thời điều trị người nhiễm Covid-19 ở dạng nhẹ.

Nhân viên phun thuốc khử trùng ở Jakarta, Indonesia ngày 22.3.

Nhân viên phun thuốc khử trùng ở Jakarta, Indonesia ngày 22.3.

Jakarta được coi là vùng tâm dịch ở Indonesia vì có tới 307 người nhiễm, chiếm đa số ca nhiễm trên cả nước. Thị trưởng Jakarta, Anies Baswedan đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở thủ đô trong vòng 2 tuần.

Ông hối thúc các doanh nghiệp cho nhân viên làm việc ở nhà, chỉ duy trì số ít các nhân viên đến văn phòng. Mạng lưới vận tải công cộng cũng sẽ giảm cả quy mô và tần suất vận chuyển.

Tuy nhiên, Tổng thống Joko Widodo đã bác bỏ khả năng phong tỏa thành phố để kiểm soát dịch bệnh. Ông Widodo nhấn mạnh mọi quyết định phong tỏa phải do ông ra lệnh, không phải do giới chức địa phương.

Doni Monardo, người đứng đầu Cơ quan Kiểm soát Thảm họa Quốc gia Indonesia, chịu trách nhiệm chống dịch Covid-19, nói: “Người dân cần tuân thủ quy định cách ly xã hội, nếu không muốn có thêm hàng loạt ca nhiễm mới”.

Virus Corona đã lây lan tới 20 trong 34 tỉnh ở Indonesia, bao gồm 6 tỉnh có số dân đông nhất trên đảo Java.

Chuyên gia xử lý khủng hoảng, Haryoko Wirjosoetomo nói phong tỏa Jakarta giờ đã là quá muộn vì virus đã lây lan mạnh. “Tôi nghĩ giải pháp bây giờ là phong tỏa cả hòn đảo mới kiểm soát được virus lây lan”, ông nói với Arab News.

Những hòn đảo chưa có ca nhiễm cần đóng cửa, không tiếp nhận thêm những người đến từ tỉnh khác, ông Wirjosoetomo nói.

Ông Wirjosoetomo cũng cảnh báo nếu chính phủ không hành động quyết liệt, Indonesia rất dễ “vỡ trận” vì hệ thống y tế còn hạn chế, trong khi số dân lên tới gần 270 triệu người.

Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19:

- Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi.

- Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác.

- Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế.

- Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 1900322819009095.

Nguồn: [Link nguồn]

Số người nhiễm Covid-19 tại Thái Lan tăng kỷ lục lên mức nhiều thứ hai ĐNA

Thái Lan bất ngờ ghi nhận thêm gần 200 ca nhiễm mới Covid-19 trong 24 giờ. Hầu hết những ca nhiễm mới đều có liên quan đến...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - Arab News ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN