Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ quyết cản Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO?
Khi con đường gia nhập liên minh quân sự NATO của Phần Lan và Thụy Điển trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết, Thổ Nhĩ Kỳ khiến các đồng minh bất ngờ khi có những động thái gây cản trở.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đang "mặc cả" với đồng minh về vấn đề Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói việc Phần Lan và Thụy Điển xin gia nhập NATO là điều “không mấy tích cực. Ông Erdogan cáo buộc hai quốc gia này giống như “nhà khách chứa chấp khủng bố”.
Phát biểu trước các nhà lập pháp vào ngày 18.5, ông Erodgan mong muốn các nước thành viên NATO “hiểu, tôn trọng và hỗ trợ vấn đề an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ”.
Phần Lan và Thụy Điển chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO vào ngày 19.5. Theo quy định, hai quốc gia Bắc Âu chỉ có thể là thành viên NATO nếu như toàn bộ 30 nước thành viên tán thành.
Vị thế và ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ là rất rõ rệt trong NATO. Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập NATO ngay từ sớm, vào năm 1949, 3 năm sau khi liên minh được thành lập. Thổ Nhĩ Kỳ sở hữu binh lực lớn thứ hai trong liên minh, kiểm soát tuyến đường hàng hải chiến lược kết nối Địa Trung Hải và Biển Đen.
Theo các chuyên gia, Thổ Nhĩ Kỳ đang dùng quyền phủ quyết như đòn bẩy để giành được sự nhượng bộ từ các nước thành viên.
Thổ Nhĩ Kỳ muốn thúc đẩy Thụy Điển đồng ý dẫn độ các thành viên bị buộc tội của đảng Công nhân người Kurd (PKK), tổ chức bị Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố.
Trong 5 năm qua, Thổ Nhĩ Kỳ muốn dẫn độ 11 thành viên PKK về nước xét xử nhưng chưa được Thụy Điển chấp nhận, theo hãng thông tấn Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu.
Ankara cũng yêu cầu Thụy Điển và Phần Lan dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí có hiệu lực từ năm 2019, khi Thổ Nhĩ Kỳ phát động chiến dịch quân sự ở đông bắc Syria.
“Chúng tôi không thể đồng ý cho các quốc gia áp đặt cấm vận với Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập NATO”, ông Erdogan nói.
“Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ nhắm tới Phần Lan và Thụy Điển, mà còn muốn gửi thông điệp tới các nước thành viên khác, đặc biệt là Mỹ”, Asli Aydintasbas, chuyên gia chính sách cấp cao tại Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu, nói.
Một vấn đề chính là quan hệ Nga – Thổ Nhĩ Kỳ không tiến triển dưới thời Tổng thống Mỹ Joe Biden, theo chuyên gia Aydintasbas.
Mỹ đã loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi danh sách các quốc gia có thể mua tiêm kích tàng hình F-35, dù Ankara đã đóng góp tiền của vào dự án. Lý do mà Mỹ đưa ra là Thổ Nhĩ Kỳ đã mua các hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga.
Ankara muốn Washington chấp thuận yêu cầu hỗ trợ hiện đại hóa lực lượng không quân, cho phép nước này mua thêm các máy bay chiến đấu F-16 mới.
“Đây không phải lần đầu tiên Thổ Nhĩ Kỳ dọa phủ quyết đối với các thành viên mới”, Aydintasbas nói. “Thổ Nhĩ Kỳ từng thành công trong việc đưa ra yêu sách với các đồng minh trong quá khứ”.
Tuy nhiên, với những động thái gây khó dễ, Thổ Nhĩ Kỳ đang làm xói mòn hình ảnh của nước này với Mỹ và các thành viên NATO, theo AP. Các nước thành viên có thể cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ ngăn cản việc liên minh mở rộng vì lợi ích riêng.
Thổ Nhĩ Kỳ đã “ghi điểm” khi cung cấp cho Ukraine các máy bay không người lái vũ trang Bayraktar TB2. Nhưng động thái cản trở Phần Lan và Thụy Điển sẽ đảo ngược những gì mà Thổ Nhĩ Kỳ đạt được.
Mặt khác, gây khó dễ cho NATO cũng là cách để Thổ Nhĩ Kỳ cân bằng mối quan hệ hợp tác với Nga. “Để tránh làm phức tạp thêm tình hình với cuộc xung đột ở Ukraine như hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ có thể cố ý để Phần Lan và Thụy Điển ở danh sách chờ”, lãnh đạo đảng Phong trào Dân tộc chủ nghĩa (MHP) của Thổ Nhĩ Kỳ, Devlet Bahceli, nói.
Với chiến lược trên, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan có thể thu hút thêm sự ủng hộ trong nước, trước cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra vào tháng 6.2023.
Thổ Nhĩ Kỳ chặn cuộc đàm phán về tiến trình gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển, sau khi hai nước này chính thức nộp đơn xin gia nhập.
Nguồn: [Link nguồn]