Vì sao Taliban thắng thế quá nhanh ở Afghanistan?
Kể từ khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, lực lượng Taliban đã nhanh chóng đẩy mạnh tấn công, chiếm được 26 trong số 34 tỉnh lỵ của Afghanistan và tiến thẳng vào thủ đô Kabul.
Kể từ khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, lực lượng Taliban đã nhanh chóng đẩy mạnh tấn công, đánh chiếm nhiều khu vực của đất nước. Trong vòng chỉ 10 ngày (6-8 đến 15-8), lực lượng này đã chiếm được 26 trong số 34 tỉnh lỵ của Afghanistan và tiến thẳng vào Kabul, trong khi Tổng thống Ashraf Ghani vội vã rời Afghanistan.
Trong cuộc phỏng vấn giữa phóng viên tạp chí VOX Jen Kirby, ông Andrew Watkins - chuyên gia tại nhóm quản lý Khủng hoảng quốc tế tại Afghanistan - đã nêu một số ý kiến giải thích lý do tại sao Taliban thắng thế quá nhanh như vậy và cách mà những bước đi sai lầm của Mỹ và chính quyền Kabul mở đường cho đà tiến của Taliban.
Tiền đồn thất thủ, thủ phủ bị kiểm soát
Bắt đầu từ khoảng ba tháng trước, Taliban đã phát động một chiến dịch tấn công với quy mô toàn quốc “theo cách chưa từng có” kể từ khi Mỹ đưa quân vào Afghanisan hồi cuối năm 2001.
Lực lượng Taliban đã tràn qua các khu vực chính quyền Kabul kiểm soát và phát động các cuộc tấn công. Tuy nhiên, theo ông Andrew, sẽ không chính xác nếu nói Taliban hiện kiểm soát tất cả các nơi mà họ đã chiếm được, vì ở nhiều nơi họ không thành lập “chính phủ bóng tối”. Họ đã không xây dựng các căn cứ đồn trú để các chiến binh của họ có thể kiểm soát khu vực. Ở một số nơi, họ chỉ đơn giản là khiến quân đội hoặc cảnh sát Afghanistan tháo chạy, đầu hàng, hoặc là rút lui.
Các khu vực Taliban đã giành quyền kiểm soát (màu cam và vàng) tăng "chóng mặt" từ ngày 6-8 đến 15-8. Ảnh: AL JAZEERA
Theo ông, cuối cùng, điều chúng ta có thể nói không phải là Taliban kiểm soát được bao nhiêu khu vực mà là chính phủ Afghanistan đã mất bao nhiêu.
Ông cho biết thêm rằng việc hơn một nửa đất nước (hơn 200 trong tổng số 400 quận huyện ở Afghanistan) trượt khỏi sự kiểm soát của chính phủ đã khiến Taliban có thể thành công, chiếm tổng cộng 9 trong 34 thủ phủ của nước này chỉ trong vỏn vẹn một tuần. Bởi lẽ các khu vực trên là các tiền đồn đóng vai trò như một chướng ngại nhằm hạn chế bước đi của Taliban nhằm vào thủ phủ các tỉnh. Điều này có nghĩa là càng ít chướng ngại trên đường tiến công, Taliban càng nhanh chóng tiếp cận và giành quyền kiểm soát ở các thủ phủ.
Khi được hỏi về việc liệu khi Taliban tiếp cận các thành phố hoặc thủ phủ của tỉnh, họ có đang củng cố quyền lực và nắm quyền kiểm soát ở đó không, ông Andrew cho biết vẫn còn quá sớm để kết luận.
Theo ông, những gì có thể nói hiện nay là Taliban đang tập hợp một lượng lớn các chiến đấu cơ nhằm tạo thế bao vây đối với các thành phố. Họ hiện đã áp dụng chiến lược này ở các khu vực phía Bắc và phía tây nam Afghanistan. Tuy nhiên, ở một số nơi, chính quyền Kabul đang đẩy lùi Taliban khá hiệu quả.
Ngoài ra, Taliban đã sử dụng chiêu bài về thông tin sai lệch nhằm mục đích kêu gọi người dân nhanh chóng đầu hàng. Ở những khu vực chỉ xuất hiện khoảng 10 đến 20 chiến binh Taliban, lực lượng này đã nói với người dân địa phương rằng “có khoảng 2000 chiến binh Taliban đang đến”, và yêu cầu người dân nên rời đi hoặc chết.
Chia rẽ quan điểm chính trị tại Afghanistan
Theo ông Andrew, ở một số tiền đồn tại khu vực nông thôn, binh sĩ đã không được chính phủ Afghanistan cung cấp đạn dược, thực phẩm cũng như không được trả lương đều đặn mỗi tháng. Điều này đã khiến ý chí chiến đấu của binh lính khu vực này trở nên “tồi tệ”.
Bên cạnh đó, có nhiều quan điểm đối đập giữa những người chống lại Taliban. Theo đó, họ không ủng hộ chính phủ của Tổng thống Ghani. Đỉnh điểm vào năm 2014, Afghanistan đã chứng kiến cuộc đấu tranh nội bộ giữa những cá nhân dù đứng về phe chính phủ, nhưng không thể hòa hợp cũng như hợp tác với nhau.
Taliban đã lợi dụng điểm này để xúc tiến chiến dịch của họ. Có thể thấy, lịch trình di chuyển của Taliban đều nhắm đến các khu vực mà lãnh đạo nơi đó có một số bất đồng với chính quyền trung ương. Theo ông Andrew, nhiều người cảm thấy bị chính quyền trung ương “xa lánh”, nên họ “không có lý do gì thay mặt chính phủ ngăn chặn Taliban”.
"Mỹ đã có một số sai lầm cả về mặt quân sự lẫn chính trị"
Ông Andrew nhận định Mỹ đã có một số sai lầm cả về mặt quân sự lẫn chính trị. Theo ông, Mỹ đã không sớm đề ra các kế hoạch hỗ trợ Afghanistan, cũng như không đề cập việc họ sẽ đóng vai trò như thế nào đối với nước này trong giai đoạn hậu rút quân.
Cho đến giữa tháng 4, Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đưa ra quyết định về điều này, song đây là thời điểm gần như là sắp đến hạn thực hiện rút quân (ngày 1-5 theo thỏa thuận của Taliban và chính quyền Tổng thống Mỹ tiền nhiệm Donald Trump hồi năm ngoái).
Tuy nhiên, theo ông Andrew, Mỹ vẫn chưa trả lời các câu hỏi chính về việc liệu họ sẽ cung cấp hỗ trợ từ xa như thế nào để duy trì Lực lượng Không quân của Afghanistan và liệu họ có tiếp tục hỗ trợ năng lực trên không cho Afghanistan sau khi rút quân hay không.
Theo ông, dù hiện tại cả Nhà Trắng và Lầu Năm Góc đều cho biết họ sẽ không tiếp tục hỗ trợ năng lực trên không, nhưng dường như vấn đề này vẫn đang được tranh luận mạnh mẽ ở Washington.
Ngoài ra, theo ông, dường như Mỹ đã tạo nên “sự phụ thuộc” của Afghanistan vào Mỹ, khiến chính quyền Kabul gặp một số trở ngại trong việc triển khai các kế hoạch đối phó mối đe dọa sau khi Mỹ rút quân. Ông nhấn mạnh những động thái trên đã phát đi thông điệp đáng báo động cho người dân Afghanistan.
Sáu nhân vật quan trọng đã dẫn dắt phong trào của Taliban chống lại chính phủ do phương Tây hậu thuẫn suốt từ năm 2001,...
Nguồn: [Link nguồn]