Vì sao số ca nhiễm COVID-19 ở Mỹ tăng kịch tính nhất toàn cầu?
Chuyên gia Mỹ: Mỹ vẫn có thể nỗ lực kiểm soát được đà lây nhiễm nếu làm như cách các nước Đông Á đã và đang làm.
Di chuyển một bệnh nhân vào xe cấp cứu ở quận Manhattan, TP New York, bang New York (Mỹ), ngày 26-3. Ảnh: REUTERS
Ngày 26-3, dự báo của Tổ chức Y tế Thế giới hai ngày trước thành sự thật: Mỹ trở thành tâm dịch mới của toàn cầu trong đại dịch COVID-19.
Theo trang web thống kê Worldometers, tính đến khuya 26-3 (giờ địa phương), với 85.594 ca nhiễm (hơn 15.000 ca nhiễm mới chỉ trong 24 giờ) Mỹ trở thành nước có số ca nhiễm cao nhất thế giới, vượt Trung Quốc – nơi bùng phát dịch đầu tiên (81.340) và Ý (80.589).
Số ca nhiễm ở Mỹ đang chiếm tới gần 15% tổng ca nhiễm toàn cầu. Bang New York vẫn chiếm gần một nửa số ca nhiễm cả nước, hiện ở mức 37.258 ca, với 385 người chết (tăng tới 100 người trong 24 giờ qua).
Số người chết ở Mỹ tính tới thời điểm khuya 26-3 là 1.300, tăng gần 300 người so với ngày trước đó. Dù số ca nhiễm cao nhất toàn cầu nhưng số người chết ở Mỹ vẫn mới đứng thứ sáu thế giới, sau Ý, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Iran, và Pháp.
Vì sao số ca nhiễm ở Mỹ tăng kịch tính đến thế?
Do mở rộng xét nghiệm
Họp báo về COVID-19 ngày 26-3, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói sở dĩ số ca nhiễm tăng cao vậy là kết quả của việc xét nghiệm ở Mỹ. Ngoài ra ông Trump cũng có vẻ nghi ngờ số liệu của Trung Quốc chưa phản ánh đúng thực chất số người nhiễm ở nước này.
“Đó là vì số lượng xét nghiệm mà chúng ta đang làm. Chúng ta thực hiện xét nghiệm quy mô rất lớn. Và tôi chắc các bạn cũng không thể nói Trung Quốc xét nghiệm hay không xét nghiệm. Tôi nghĩ chuyện này khó nói một chút” – ông Trump nói tại cuộc họp báo.
Lấy mẫu xét nghiệm COVIC-19 cho người dân ngay từ trên xe, tại TP Seattle, bang Washington (Mỹ) ngày 26-3. Ảnh: REUTERS
Đài Fox News cũng nói số ca nhiễm ở Mỹ tăng cao vì nhiều bang trong nước đẩy mạnh công tác xét nghiệm. Đã có 519.338 xét nghiệm COVID-19 được thực hiện ở Mỹ, theo Fox News.
Không quyết liệt ngăn lây lan ngay từ đầu
Trên đài CNN, Giáo sư Jeffrey Sachs – Giám đốc Trung tâm vì sự phát triển bền vững tại đại học Columbia cũng cho rằng có 2 lý do.
Đúng là lý do thứ nhất nằm ở việc Mỹ đẩy mạnh xét nghiệm sau nhiều tuần thiếu hụt các bộ kit xét nghiệm. Tuy nhiên, lý do thứ hai theo ông, là không thể phủ nhận đà lây lan của virus gây dịch COVID-19 ở Mỹ đã mạnh và rộng hơn trước.
Nhân viên y tế chuẩn bị sơ tán các thủy thủ bị bệnh trên một du thuyền đậu ở cảng Miami, bang Florida (Mỹ) ngày 26-3. Ảnh: REUTERS
Theo Giáo sư Sachs, số ca nhiễm cao nhất toàn cầu của Mỹ hiện tại là do chính phủ Trump đã không hành động nhanh chóng và quyết liệt để ngăn đà lây lan. Cụ thể, có sự khác biệt cơ bản trong hành động giữa Mỹ và Trung Quốc, theo ông.
Ngày 31-12-2019, chính quyền Vũ Hán công khai xác nhận mình đang điều trị cho hàng chục ca viêm phổi lạ. Ngày 7-1, các quan chức Trung Quốc xác định nguồn gây bệnh viêm phổi lạ là một loại virus Corona mới. Và Trung Quốc đã làm đứt quãng đà lây lan của virus với biện pháp phong tỏa Vũ Hán từ ngày 23-1.
Mỹ thì không làm đứt quãng được đà lây lan này, dù Mỹ cũng xác nhận có ca nhiễm trong tháng 1.
Sau khoảng 2 tháng, diễn biến dịch ở Trung Quốc bắt đầu hạ nhiệt dần. Trong khi đó hơn 2 tháng sau kể từ khi có ca nhiễm đầu tiên, Mỹ lại chứng kiến đà tăng khủng hoảng. Tới lúc này tỷ lệ nhiễm ở Mỹ tương đương 250 ca/1 triệu dân, cao hơn tỷ lệ này ở Trung Quốc nhiều (57 ca/1 triệu dân).
Vệ sinh thiết bị y tế trên tàu bệnh viện USNS Mercy ở bờ biển phía Nam bang California (Mỹ) ngày 24-3. Ảnh: REUTERS
Và theo Giáo sư Sachs, nếu Mỹ đi theo lời ông Trump nói với Fox News vài ngày trước rằng sẽ nới lỏng các hạn chế đi lại từ sau lễ Phục sinh (12-4) thì Mỹ sẽ thất bại trong việc kiềm chế dịch, và sẽ có hàng triệu người nữa nhiễm. Thậm chí dù có kiểm soát chặt thì Mỹ vẫn có thể sẽ phải đối mặt với khả năng có tới 81.000 người chết từ giờ đến tháng 7, theo một phân tích mới và chi tiết từ Viện Thống kê và Đánh giá Y tế đại học Washington ở TP Seattle – một điểm nóng COVID-19 ở Mỹ.
Bên cạnh đó, Giáo sư Sachs cũng cho rằng hệ thống y tế đặt nặng lợi nhuận của Mỹ cũng là một phần nguyên nhân dẫn tới việc Mỹ không kiểm soát được đà lây, vì không khuyến khích được người dân đi xét nghiệm.
Thêm nữa, Mỹ cũng không nghiêm túc truy tìm lịch sử tiếp xúc và cách ly kiểm dịch.
Vẫn còn cơ hội
Dù đà lây nhiễm đã rất cao nhưng theo Giáo sư Sachs Mỹ vẫn có thể nỗ lực kiểm soát được như cách các nước Đông Á đã và đang làm. Và với việc này Mỹ cũng vẫn sẽ cứu được nền kinh tế, chứ không phải như cách ông Trump nói phải nhanh chóng khôi phục hoạt động kinh doanh.
Và theo Giáo sư Sachs, để làm được điều này, Mỹ cần hành động quyết liệt, tập thể giữa các bang, các TP, các thống đốc, các thị trưởng, và lực lượng nhân viên y tế đang ở tuyến đầu chống dịch.
Giáo sư Sachs cho rằng tình hình dịch ở Mỹ diễn biến xấu có phần lỗi của Tổng thống Trump. Theo ông, khủng hoảng COVID-19 là một thất bại lớn của ông Trump. Bên cạnh không quyết liệt và nhanh chóng hành động ngăn lây lan, ông Trump trước đó đã có nhiều quyết sách làm suy yếu hơn hệ thống y tế, chống dịch của Mỹ.
Đội chống dịch ở Hội đồng An ninh Quốc gia bị giải tán năm 2018. Ông Trump cắt giảm đội ngũ kiểm soát dịch bệnh của Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC) ở 39 nước, trong đó có Trung Quốc. Những ngày dịch COVID-19 mới xuất hiện ở Mỹ ông Trump còn coi nhẹ, thậm chí không nghĩ nó nghiêm trọng bằng cúm mùa.
Nhà sáng lập Microsoft, Bill Gates, cho rằng Mỹ “chưa tới đỉnh dịch“ dù tổng số ca nhiễm Covid-19 của nước này đã vượt...
Nguồn: [Link nguồn]