Vì sao rùa xanh Malaysia nặng gần 100kg bơi sang Việt Nam đẻ trứng?
Tên gọi của loài rùa này không xuất phát từ màu da hay màu mai rùa mà xuất phát từ màu chất bên trong thân rùa. Ngoài ra, loài rùa này còn rất nhiều điều thú vị.
Cận cảnh một con rùa xanh bơi gần mặt nước. Ảnh: Shutterstock
Ngày 24/4, Vườn quốc gia Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, lần đầu tiên họ phát hiện một con rùa xanh (còn gọi là vích) - có gắn thẻ inox thể hiện nó đến từ Malaysia - tới làm tổ, đẻ trứng tại hòn Bảy Cạnh. Theo ghi nhận, con rùa nặng 90kg, chiều dài mai 97cm, chiều rộng mai 84cm, và đẻ 108 quả trứng.
Sự kiện thu hút sự chú ý lớn của truyền thông và các nhà nghiên cứu môi trường vì rùa xanh là loài có trong Sách đỏ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) và Sách đỏ Việt Nam. Ngoài ra, loài này sở hữu nhiều điều đặc biệt.
Con rùa xanh Malaysia tới đẻ trứng ở Côn Đảo, Việt Nam. Ảnh: Trang web vườn quốc gia Côn Đảo
Theo trang web của tổ chức phi lợi nhuận World Wide Fund for Nature (WWF), khác với các loài rùa biển khác, rùa xanh (tên khoa học là Chelonia mydas) là loài ăn cỏ. Thức ăn chủ yếu của chúng là cỏ và tảo biển.
Thực tế, chế độ ăn của rùa xanh giàu thực vật đến mức mỡ của chúng có màu xanh. Cái tên của loài này đặc biệt ở chỗ nó được đặt theo màu mỡ chứ không phải màu thân hay màu mai rùa.
Rùa xanh được ví von là loài "thích di chuyển". Chúng có thể được tìm thấy ở khắp các vùng biển thuộc khu vực xích đạo. Rùa xanh làm tổ ở hơn 80 quốc gia và sống ở vùng ven biển của hơn 140 quốc gia. Nơi chúng sống không hẳn là nơi chúng làm tổ và đẻ trứng. Điều này có thể giúp lý giải vì sao con rùa xanh Malaysia lại di chuyển hàng nghìn km để tới làm tổ và đẻ trứng ở Côn Đảo, Việt Nam.
Loài này "thích di chuyển" đến mức chúng có thể bơi xa tới 2.600km (gần bằng khoảng cách từ Hà Nội đến Singapore) để kiếm ăn.
Khi muốn ra khỏi vỏ, rùa xanh non dùng đến "răng trứng". Ảnh: WWF
Rùa xanh dành phần lớn cuộc đời ở dưới nước. Khi sinh nở, chỉ có con cái quay trở lại đất liền để làm tổ và đẻ trứng. Với dung tích phổi đáng kinh ngạc, rùa xanh có thể ở dưới nước liên tục 5 tiếng mà không cần ngoi lên mặt nước để lấy dưỡng khí. Kỷ lục của con người khi lặn lâu nhất mà không cần bình dưỡng khí là dưới 25 phút.
Khi rùa xanh cái trưởng thành (20-35 tuổi) và sắp đẻ, chúng thích trở lại bãi biển nơi chúng được sinh ra. Khi đến đây, chúng đào hố trên cát rồi sau đó đẻ trứng.
Theo trang web của WWF, rùa xanh sinh ra là đực hay cái phụ thuộc vào sức nóng của cát ấp trứng. Đây là kiểu xác định giới tính đặc trưng của các loài bò sát và lớp cá xương thật. Nếu nhiệt độ trên 29,1 độ C, rùa non sẽ là con cái và ngược lại.
Rùa xanh hình thành trong trứng với một chiếc răng, gọi là "răng trứng". Khi đến thời điểm muốn chui ra, chúng dùng chiếc răng này để phá vỏ rồi bò xuống biển.
Rùa xanh sống rất thọ so với tuổi đời của con người. Theo WWF, trung bình loài này sống ít nhất 70 năm. Nhiều con sống gấp đôi con số trung bình.
Nguồn: [Link nguồn]
Bò “cơ bắp” còn được gọi là những con “quái vật”, vì chúng có vẻ ngoài khá dữ tợn, thân hình khổng lồ, cùng cơ bắp cuồn cuộn khiến nhiều người sợ hãi.