Vì sao quân Thành Cát Tư Hãn đi đánh trận khắp nơi mà không phải lo về hậu cần?
"Nghệ thuật" hậu cần làm nên nhiều trận thắng của Thành Cát Tư Hãn chính là "không hậu cần".
Một khía cạnh ít người để ý về Thành Cát Tư Hãn chính là khả năng tổ chức hậu cần. Ảnh minh họa: Amusing Planet
Khi quan sát hay tìm hiểu về các cuộc chiến, người ta thường quan tâm nhiều hơn đến các khía cạnh như sức mạnh vũ khí, quân số, chiến thuật hay những vị tướng thao lược, những chiến binh anh hùng. Ít người để ý đến khía cạnh hậu cần thầm lặng, mà nếu làm không tốt, một quân đội hùng mạnh cũng khó có thể gặt hái chiến thắng, thậm chí phải lãnh những hậu quả lớn. Loạt bài này sẽ tìm hiểu và phân tích về hậu cần trong chiến tranh ở một số giai đoạn và cuộc chiến khác nhau. Mời độc giả đón đọc! |
Ngoài là nhà quân sự tài ba, Thành Cát Tư Hãn còn được xem là một nhà hậu cần xuất sắc với những chiến lược hậu cần độc đáo, giúp quân đội Mông Cổ đánh đông dẹp bắc vào thế kỷ 13. Thành Cát Tư Hãn và đội quân Mông Cổ khét tiếng đã chinh phục gần 31 triệu km2 lãnh thổ, xẻ một đường táo bạo xuyên qua châu Á, Trung Đông và châu Âu khiến nhiều người phải khiếp sợ. Việc đem quân đi đánh xứ người ở những nơi xa xôi khiến nhiều người tò mò về hoạt động hậu cần của quân Mông Cổ.
Theo trang HistoryNet, "nghệ thuật" hậu cần lạ lẫm của Thành Cát Tư Hãn chính là "không hậu cần". Điều này một phần bắt nguồn từ văn hóa và lối sống của người Mông Cổ.
Trong cuốn "Kỵ binh Ác quỷ: Cuộc xâm lược của người Mông Cổ ở châu Âu" (2003), tác giả James Chambers có viết, người Mông Cổ sống ở thảo nguyên khắc nghiệt, có văn hóa du mục (nay đây mai đó), tiếp xúc và thích nghi với nhiều điều kiện môi trường. Thời tiết ở vùng thảo nguyên, nơi họ sinh sống, rất khắc nghiệt: Nắng nóng vào ban ngày và lạnh giá vào buổi đêm. Đất đai không thuận lợi để làm nông nghiệp.
Người Mông Cổ sống chủ yếu nhờ chăn nuôi gia súc (dê, ngựa) và săn bắn. Vì nước khan hiếm nên họ tận dụng sữa của các loài gia súc. Có thể nói, nếu không có gia súc, người Mông Cổ khó có thể tồn tại ở vùng khí hậu khắc nghiệt này. Chính những yếu tố trên khiến người Mông Cổ học được cách thích nghi với điều kiện sống khắc nghiệt và trui rèn ý chí.
Mỗi binh sĩ Mông Cổ thường mang theo nhiều ngựa cái. Ảnh minh họa: Mongolianz
Khi tham chiến, đội quân Mông Cổ của Thành Cát Tư Hãn thường không phải "oằn mình" vì gánh nặng hậu cần. Mỗi binh sĩ Mông Cổ thường mang theo 3-5 con ngựa cái.
Ngoài để cưỡi khi ra trận, một lợi ích của việc mang theo những con ngựa cái là đảm bảo nguồn cung cấp sữa dồi dào. Khi thiếu thức ăn, binh sĩ Mông Cổ có thể ăn thịt ngựa. Thậm chí, họ có thể uống máu ngựa và sống sót trong nhiều tuần không có lương thực. Ngoài ra, vì sở trường của binh sĩ Mông Cổ là cưỡi ngựa bắn tên nên lúc nào họ cũng có thể giương cung bắn chim, thỏ, sóc và các muông thú khác để có nguồn thức ăn. Vì tính tự cung tự cấp của quân đội Mông Cổ, gánh nặng hậu cần được giảm đi đáng kể.
Ngoài ra, việc cướp bóc ở những nơi đi qua cũng giúp quân Mông Cổ không phải lo lắng về thiếu hụt hậu cần. Quân Mông Cổ coi chiến lợi phẩm cũng giống như thú săn được trong một cuộc đi săn chung, và chia chúng cho tất cả mọi người theo thứ bậc. Lương thực được sử dụng để bù đắp lượng thiếu hụt cho binh sĩ, phụ nữ, trẻ em bị bắt làm người hầu, trong khi các đồ giá trị như vàng bạc, gấm góc... được quân Mông Cổ chuyển về nước.
Một minh chứng về hiệu quả hậu cần của quân Mông Cổ là trong cuộc xâm lược Hungary năm 1241.
Theo HistoryNet, hậu cần và kỹ thuật tác chiến của người Mông Cổ luôn đi đôi với nhau. Khi di chuyển trên những đồng cỏ tươi bên ngoài Hungary trong quá trình chuẩn bị xâm lược, quân Mông Cổ cho đám ngựa ăn no nê. Đây là cách để họ tự chuẩn bị hậu cần, lương thực, nước uống trong trận đánh sắp tới. Những con ngựa cái được vỗ béo sẽ là nguồn cung cấp thịt, sữa dồi dào cho binh sĩ.
Trong quá trình giao chiến, binh sĩ chỉ tập trung vào đối phương mà không phải bận tâm bảo vệ lương thực, vũ khí. Binh sĩ Mông Cổ cũng có thể di chuyển nhanh hơn do không vướng gánh nặng hậu cần. Tốc độ di chuyển nhanh của quân Mông Cổ khiến người Hungary bất ngờ, dễ rối loạn đội hình.
Giáo sĩ người Ý Torre Maggiore, người làm nhiệm vụ truyền giáo ở thành phố Várad, Hungary vào thời điểm quân Mông Cổ xâm lược, đã tường thuật lại cuộc tấn công.
Theo giáo sĩ người Ý, "làn sóng" quân Mông Cổ đầu tiên tấn công tộc người Carpathian, dồn ép tộc người Cuman vào những dãy núi ở Hungary. Sau đó, quân Mông Cổ rút quân, bỏ lại một vùng trù phú không động đến. Sau 4-5 ngày, quân Mông Cổ trở lại và cướp lương thực, đồng cỏ để phục vụ người và ngựa.
Đội quân chính của người Mông Cổ, dưới sự chỉ đạo của khả hãn Bạt Đô - cháu nội của Thành Cát Tư Hãn, đã tấn công tuyến phòng thủ chính của Hungary. Một cánh quân Mông Cổ khác có nhiệm vụ ngăn Ba Lan tiếp viện cho Hungary.
Sau khi đánh thắng quân Ba Lan, cánh quân này trở về và tiến vào Hungary từ hướng bắc. Hai cánh quân khác tiến về vùng đồng bằng của Hungary từ hướng nam trước khi hội quân với các cánh quân khác.
Những đợt tiến công này chỉ diễn ra cách nhau vài ngày. Quân Hungary thất bại, vua Hungary bị truy đuổi tới một hòn đảo ở biển Adriatic.
Mông Cổ sở hữu đội quân có tính kỷ luật cao. Ảnh minh họa
Theo một số chuyên gia, không phải đội quân nào cũng có thể áp dụng "nghệ thuật" hậu cần mà Thành Cát Tư Hãn áp dụng cho quân Mông Cổ. Để áp dụng được "nghệ thuật" hậu cần này, một đội quân phải có tính kỷ luật cao, có nghệ thuật chiến tranh, biết địch biết ta, và từ đó đánh nhanh thắng nhanh. Vì đánh nhanh thắng nhanh, đội quân đó mới mới có thể áp dụng “hậu cần tại chỗ” (cướp bóc), và ngược lại, nhờ giảm bớt gánh nặng hậu cần mà đội quân đó có thể tiến nhanh, đánh nhanh hơn.
Những yếu tố kể trên đều hội tụ ở quân Mông Cổ.
Nền tảng quan trọng nhất của quân đội Mông Cổ là kỷ luật dựa trên cấu trúc xã hội và sự tuân lệnh tuyệt đối. Theo một nhà thám hiểm, những người Mông Cổ được xem "là chủng người biết nghe lệnh nhất thế giới". Họ tôn trọng tuyệt đối mệnh lệnh của tướng lĩnh và không bao giờ dám nói dối.
Các chiến binh của Thành Cát Tư Hãn phải thực hiện các hoạt động như điều khiển ngựa, bắn cung, đội hình tác chiến với mức độ kỷ luật cao nhất. Các binh lính phải tuân thủ vô điều kiện mệnh lệnh của cấp trên và đặc biệt là Khả hãn. Nếu một binh sĩ bỏ trốn khi giao chiến, những người còn lại trong đội hình 10 người sẽ bị xử tử.
Dẫu vậy, "nghệ thuật" hậu cần này vẫn có điểm yếu khi đối phương kéo dài cuộc chiến để đánh chậm, ngăn cản các cơ hội để quân Mông Cổ làm “hậu cần tại chỗ”. Minh chứng rõ nhất có thể kể tới 3 lần bại trận của quân Nguyên Mông dưới thời nhà Trần - khi đó áp dụng kế sách "Thanh dã" (vườn không nhà trống).
Tác giả Aldo Matteucci của trang Dilomacy cũng đánh giá cao về "nghệ thuật" hậu cần của quân Mông Cổ, gọi đây là yếu tố tạo nên ưu thế của đội quân này.
Theo Matteucci, người Mông Cổ có một đội quân thợ thủ công chuyên biệt, có tay nghề cao trong việc chế tạo các cỗ máy bao vây phức tạp từ các vật liệu địa phương có sẵn, giảm bớt gánh nặng vận chuyển vật liệu suốt quãng đường dài. Một đội quân chăm sóc những người bị thương.
Việc đảm bảo công tác hậu cần, kết hợp với chiến thuật, con người đã giúp Thành Cát Tư Hãn và các khả hãn Mông Cổ hậu duệ tạo ra một đội quân khét tiếng, đánh đông dẹp bắc.
--------------------------------
Trong thời chiến, việc lo liệu công tác hậu cần cho một toán quân 100 binh sĩ đã rất vất vả. Vậy khi số binh sĩ tăng lên gấp 1.500 lần, khối lượng công việc hậu cần sẽ nặng nhọc và khó khăn ra sao. Mời độc giả cùng tìm hiểu về khía cạnh này trong một chiến dịch nổi tiếng của Thế chiến II ở bài kỳ tới, đăng trên mục Thế giới lúc 19h ngày 30/10/2022.
Với việc vận chuyển thành công hơn 150.000 binh sĩ, nhiều vũ khí, trang thiết bị quân sự của phe Đồng minh, “hậu cần D-Day” được xem là một trong những hoạt động hậu cần...
Nguồn: [Link nguồn]