Lỗ hổng chí mạng khiến quân đội “kiểu Mỹ” của Afghanistan sụp đổ tan tác trước Taliban
Trong 20 năm ở Afghanistan, Mỹ đã đào tạo một quân đội Afghanistan chiến đấu “theo kiểu Mỹ”, với các chiến dịch có sự yểm trợ mạnh mẽ của không quân. Nhưng khi Mỹ rút lui, đội quân đông tới 350.000 người đó cũng sụp đổ nhanh chóng trước một lực lượng có quân số ít hơn gần 5 lần và được trang bị kém hơn rất nhiều.
Binh sĩ quân đội chính phủ Afghanistan không có ý chí chiến đấu.
Tại một tiền đồn của quân đội chính phủ Afghanistan ở khu vực Imam Sahib, tỉnh Kunduz, các binh sĩ đã cố thủ trong 2 tháng, sau khi bị quân Taliban bao vây.
Ban đầu, các biệt kích tinh nhuệ hàng tuần sẽ mở đường tiến vào tiếp nhu yếu phẩm và đạn dược cho các binh sĩ. Rồi cũng đến lúc tần suất các cuộc hỗ trợ như vậy càng thưa dần.
Quân đội Afghanistan tê liệt khi Mỹ rút lui
“Trong những ngày cuối cùng, chúng tôi không có lương thực, không có nước uống, vũ khí cũng không có”, binh sĩ Taj Mohammad, 38 tuổi, nói trên tờ Wall Street Journal (WSJ). Các binh sĩ cuối cùng quyết định rút chạy trên những chiếc xe bọc thép quân sự, tới được thủ phủ Kunduz ở tỉnh cùng tên. Một tuần sau, Kunduz cũng rơi vào tay Taliban. Các binh sĩ Afghanistan phải bỏ lại 11 xe bọc thép quân sự.
Trong giai đoạn Taliban tổng tiến công mùa hè năm 2021, từng thủ phủ, từng địa bàn chiến lược lần lượt rơi vào tay phong trào Hồi giáo này.
Không nhận được sự hỗ trợ từ sở chỉ huy, các binh sĩ Afghanistan ở tiền tuyến nhận ra rằng họ không còn mục đích chiến đấu. Trong khi đó, Taliban sẵn sàng tha mạng cho các binh sĩ quân đội chính phủ, miễn là họ hạ vũ khí đầu hàng.
“Mọi người cứ thế hạ vũ khí đầu hàng và bỏ đi”, Rahimullah, 25 tuổi, một binh sĩ 25 tuổi, gia nhập quân đội Afghanistan năm ngoái, nói. “Chúng tôi không nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền trung ương. Từng thành phố một rơi vào tay Taliban mà không có chút kháng cự nào”.
Tính đến năm 2021, quân đội và lực lượng cảnh sát Afghanistan vẫn có từ 350.000 – 370.000 người, được Mỹ huấn luyện kỹ lưỡng, trang bị khí tài đắt tiền của Mỹ. Lực lượng này lẽ ra phải có khả năng răn đe hiệu quả Taliban.
Quân đội Afghanistan không thể chiến đấu hiệu quả nếu không có sự hỗ trợ của Mỹ.
Đó cũng là cơ sở để Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố rút hoàn toàn quân đội Mỹ khỏi Afghanistan vào ngày 31.8, với sự tự tin cao rằng quân đội Afghanistan sẽ trụ vững.
“Họ sẽ tiếp tục chiến đấu anh dũng, thay mặt cho người dân Afghanistan, sẵn sàng trả giá đắt” ông Biden nói vào tháng 4.2021.
Trên thực tế, ông Biden và các tướng quân đội Mỹ đã đánh giá quá cao năng lực của quân đội chính phủ Afghanistan. Đó là lực lượng được đào tạo “theo kiểu Mỹ”, chiến đấu cùng lính Mỹ, đã quen với việc được yểm trợ hỏa lực mạnh từ trên không, phụ thuộc rất lớn vào các chiến dịch quân sự kết hợp nhiều binh chủng.
Khi còn chiến đấu cùng quân đội Mỹ, các binh sĩ Afghanistan cũng không lo về vấn đề sơ cứu người bị thương, được cung cấp thông tin tình báo nhanh nhất.
Sau khi ông Biden thông báo Mỹ rút quân, Washington gần như không còn yểm trợ trên không, ngừng cung cấp thông tin tình báo, rút cố vấn quân sự. Kết quả là quân đội Afhganistan như “rắn mất đầu”, không thể chiến đấu hiệu quả.
Trung tướng về hưu Daniel Bolger, người từng huấn luyện quân đội Afghanistan giai đoạn 2011 – 2013, nói: “Binh sĩ Afghanistan đã quen với cách chiến đấu kiểu Mỹ. Không thể đột nhiên ngừng mọi hoạt động yểm trợ trên không, cung cấp thông tin tình báo, vì quân đội Afghanistan không có thời gian để thích nghi”.
Bên cạnh đó, khi Mỹ còn hiện diện quân sự ở Afghanistan, quân đội chính phủ đã cho xây dựng hơn 200 căn cứ và tiền đồn, với mục tiêu tăng cường hiện diện nhất có thể trên khắp đất nước.
Chiến lược này khiến quân đội Afghanistan phải dàn trải trên địa bàn rộng lớn, có những nơi chỉ nhận được nhu yếu phẩm và đạn dược bằng trực thăng.
Sai lầm của chính phủ Afghanistan
Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đã cảnh báo Mỹ sau khi Washington ký thỏa thuận hòa bình với Taliban năm 2020, trong đó có điều khoản ngừng hỗ trợ quân sự và rút các cố vấn.
Đến cuối cùng, chính phủ Afghanistan đã không có phương án thay thế hiệu quả để khỏa lấp khoảng trống quân sự mà Mỹ để lại. Nhiều quan chức Afghanistan còn không tin rằng người Mỹ sẽ thực sự rời đi.
“Các chiến lược sai lầm khiến quân đội Afghanistan bị quá tải, phụ thuộc hoàn toàn vào sự hỗ trợ không quân, trong các hoạt động hậu cần, y tế và chiến đấu”, Bộ trưởng Ngoại giao Afghanistan, Haneef Atmar, người từng là cố vấn an ninh quốc gia, nói.
Taliban chiếm thủ đô Kabul mà không gặp bất cứ sự kháng cự nào.
“Chúng tôi không có đủ thời gian để thích nghi, rút các binh sĩ ở nơi khó phòng thủ và tập trung cho các địa bàn chiến lược”, ông Atmar nói thêm.
Tháng 5.2021, khi Taliban phát động cuộc tổng tiến công, các tiền đồn xa xôi, cửa khẩu biên giới là mục tiêu tấn công đầu tiên.
Taliban cũng thay đổi chiến lược, sẵn sàng bảo đảm an toàn cho các binh sĩ quân đội chính phủ nếu hạ vũ khí đầu hàng, thậm chí còn cấp tiền cho họ để bắt đầu cuộc sống mới.
Trong suốt 3 tháng, Mỹ đôi khi vẫn huy động oanh tạc cơ chiến lược B-52, máy bay không người lái không kích cản bước Taliban. Nhưng chính quyền Mỹ cũng nhấn mạnh rằng, chính phủ Afghanistan sẽ phải tự quyết định số phận và các cuộc không kích sẽ không kéo dài mãi.
Taliban nắm chắc điều này, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi bắt đầu tấn công các thành phố lớn vào đầu tháng này. Quân đội Afghanistan đã suy yếu đến mức gần như không phản kháng.
Lực lượng duy nhất chiến đấu hiệu quả là các biệt kích tinh nhuệ. Nhưng quân số có hạn và nếu gặp tổn thất thì không thể thay thế.
Các tay súng Taliban tuần tra trên đường phố Herat, Afghanistan ngày 14.8.
Sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden lên nắm quyền, ông Ghani cũng sai lầm khi nghĩ rằng, Mỹ sẽ thay đổi chính sách.
Ông Ghani còn trọng dụng cố vấn an ninh quốc gia Hamdullah Mohib, cựu Đại sứ Afghanistan tại Anh, người chưa từng có kinh nghiệm quân sự. Mohib được toàn quyền chỉ huy trên chiến trường, đưa ra mệnh lệnh vượt cấp và rõ ràng là không hiệu quả.
Trong nhiều năm qua, quân đội Afghanistan phụ thuộc vào kinh nghiệm của tướng Bismillah Khan Mohammadi. Nhưng đến cuối cùng, ông Mohammadi đã rời đất nước sang UAE chữa bệnh.
Ông Ghani cũng thường xuyên cách chức các tư lệnh quân đội. Tổng tham mưu trưởng quân đội Afghanistan gần nhất chỉ nắm quyền chưa đầy 2 tháng.
Trong những tháng cuối cùng, ông Ghani cũng chịu sức ép rất lớn từ phe đối lập, bao gồm cựu Tổng thống Hamid Karzai, người rất muốn nắm quyền để tìm kiếm một thỏa thuận hòa bình với Taliban, với hi vọng cứu vãn tình hình.
“Chính phủ Afghanistan đã cô lập quá nhiều người”, Hekmat Karzai, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Afghanistan, em họ của ông Hamid Karzai, nói. “Nhiều người không có kinh nghiệm được giao trọng trách mà họ không hiểu họ đang làm gì”.
“Các binh sĩ của chúng ta còn lý do để chiến đấu hay không?”, Hekmat nói. “Tôi nghĩ rằng Taliban không quá mạnh. Nhưng chính phủ Afghanistan đã tự sụp đổ”.
Andrew Watkins, một chuyên gia phân tích tình hình Afghanistan, cho rằng, Taliban chỉ thắng thế khi Tổng thống Joe Biden để lộ chiến lược rằng Mỹ sẽ ngừng không kích.
“Taliban hiểu rằng họ có thể tự do tập trung lực lượng, củng cố tuyến đường hậu cần mà không lo bị Mỹ ném bom”, Watkins nói.
Hôm 15.8, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ trích dữ dội ông Biden. Ông Trump cho rằng, nếu mình còn nắm quyền, Taliban sẽ không thể nào dễ dàng tiến vào Kabul như vậy.
“Những gì ông Biden đã làm ở Afghanistan là huyền thoại. Đây sẽ là một trong những thất bại lớn nhất lịch sử Mỹ”, ông Trump nhấn mạnh trong tuyên bố ngày 15.8.
“Khi tỉnh Kunduz rơi vào tay Taliban vào ngày 10.8, rất nhiều binh sĩ đã bỏ mạng. Chúng tôi bị bao vây”, Abdul Qudus, binh sĩ 29 tuổi, người may mắn tới được Kabul, nói.
“Không hề có yểm trợ trên không. Các chỉ huy nói rằng không còn làm gì được nữa. Tốt nhất nên bỏ chạy. Mọi người rời đi bằng nhiều ngả khác nhau, chạy sang các nước láng giềng”, Qudus kể lại. Đó có thể là bước đánh dấu sự sụp đổ liên hoàn của chính phủ Afghanistan.
___________________
Taliban từng cầm quyền ở Afghanistan từ năm 1996-2001. Đó là giai đoạn mà nhiều thông tin từ nước này khiến thế giới phải bàng hoàng, rúng động. Mời độc giả đón đọc bài kỳ tới, xuất bản sáng sớm ngày 21.8 để biết tại sao Tabilan từng trở thành tâm điểm chỉ trích của cộng đồng quốc tế.
Dưới bóng mát của một cây dâu tằm, gần các khu mộ rải rác cờ Taliban, một thủ lĩnh ở miền đông Afghanistan thừa nhận...
Nguồn: [Link nguồn]