Vì sao phương Tây "không ưa" vắc xin Covid-19 của Nga?
Hôm 11.8, Nga chính thức trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới phê duyệt vắc xin ngừa Covid-19. Trong khi truyền thông Nga bày tỏ vui mừng và ca ngợi thành tựu này, một số nước phương Tây tỏ ra nghi ngờ về chất lượng và hiệu quả vắc xin ngừa Covid-19 mang tên Sputnik V của Nga.
Đại dịch Covid-19 một lần nữa cho thấy các quốc gia trên thế giới hiện nay đang khó có thể đoàn kết và tương trợ lẫn nhau như thế nào, Sputnik dẫn nhận xét của ông Andrey Bystritsky – chuyên gia cao cấp tại Hiệp hội nghiên cứu Quốc tế Valda.
“Thế giới hiện tại có quá nhiều rắc rối, mâu thuẫn và tiêu cực. Cạnh tranh toàn cầu đang là xu thế trong thời gian gần đây chứ không phải sự hợp tác, đa phương hóa. Ngay cả một tổ chức gắn kết như Liên minh châu Âu (EU) cũng phải nỗ lực rất nhiều mới đạt được các thỏa thuận sẽ hỗ trợ tài chính trong dịch bệnh. Vì vậy, tôi không mấy ngạc nhiên khi chứng kiến những lời chỉ trích nhằm vào vắc xin Covid-19 của Nga”, ông Andrey Bystritsky nhận xét.
Ông Andrey cho rằng, các nước phương Tây, điển hình là Mỹ đã chi “tiền tấn” để đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu vắc xin Covid-19. Vì vậy, những nghi ngờ, chỉ trích về vắc xin Covid-19 của Nga là điều dễ hiểu trong môi trường cạnh tranh cả về chính trị và kinh tế.
Cận cảnh điều chế vắc xin Covid-19 của Nga (ảnh: Sputnik)
Theo ông Andrey, thay vì không ngừng công kích lẫn nhau trong đại dịch, thế giới nên cùng hành động và thảo luận xem, những khu vực nào nên được tiêm vắc xin trước.
“Rõ ràng là còn nhiều vấn đề quan trọng khác liên quan đến vắc xin. Có những quốc gia giàu và nghèo. Nhiều nước có thể dễ dàng tiếp cận vắc xin, trong khi một số nước thì ngược lại. Chúng ta cần bàn bạc xem làm thế nào để giải quyết vấn đề này. Nếu các nhà lãnh đạo quốc tế thôi chỉ trích và chịu lắng nghe lẫn nhau, chúng ta có thể đã không phải chứng kiến dịch bệnh bùng phát lâu như thế”, ông Andrey đặt vấn đề.
Giám đốc Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) – ông Kirill Dmitriev – cho rằng, những chỉ trích, nghi ngờ về vắc xin Covid-19 của Nga chủ yếu đến từ phương Tây.
“Chúng tôi tự tin rằng mình có vắc xin Covid-19 hiệu quả và đáng tin cậy nhất thế giới. Chúng tôi bị công kích bởi các đối thủ. Họ lo ngại về vị thế của Nga trên thị trường vắc xin toàn cầu”, ông Kirill Dmitriev nói.
Ông Kirill Dmitriev cho biết, Nga có nền tảng vững chắc khi nghiên cứu và phát triển vắc xin Covid-19.
“Chúng tôi gặp may vì Covid-19 khá tương đồng với virus MERS. Trước đó, chúng tôi đã có vắc xin ngừa MERS sau 2 năm nghiên cứu. Chúng tôi không tốn quá nhiều thời gian để điều chế vắc xin ngừa Covid-19. Đó là sự thật. Nga luôn đi đầu thế giới trong nghiên cứu vắc xin”, ông Kirill Dmitriev khẳng định.
Giá bán thị trường dự kiến của vắc xin ngừa Covid-19 do Nga sản xuất là 10 USD cho 2 liều.
Nga có thể chiếm 25% thị phần vắc xin Covid-19 toàn cầu (ảnh: CNN)
Giới chức Nga đặt nhiều kỳ vọng vào vắc xin sẽ giúp vực dậy nền kinh tế đang trì trệ do dịch bệnh. Việc phê duyệt vắc xin Covid-19 sau chưa đầy 2 tháng thử nghiệm của Nga được cho là tốc độ nhanh kỷ lục thế giới.
Ước tính, nhu cầu về Covid-19 toàn cầu là khoảng từ 3 - 5 tỷ liều, tổng giá trị lên tới hơn 75 tỷ USD. Với vắc xin Sputnik V, Nga được cho là có thể chiếm 25% thị phần vắc xin thế giới.
“Nga có công nghệ vắc xin và có thể cung cấp cho thế giới vào tháng 11 hoặc 12 tới. Những ai hoài nghi chúng tôi thì sẽ không có vắc xin Covid-19 và tôi chúc họ may mắn khi tự phát triển vắc xin của chính mình”, ông Dmitriev nói.
Nguồn: [Link nguồn]
Hôm 11.8, Nga trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới phê duyệt vắc xin Covid-19, gây bất ngờ cho cộng đồng quốc tế....