Vì sao ông Trump ký lệnh giải mật toàn bộ hồ sơ vụ ám sát Tổng thống Kennedy?

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

CNN hôm 23/1 (giờ địa phương) đưa tin, Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa ký sắc lệnh yêu cầu công bố hàng ngàn tài liệu mật còn lại của chính phủ về vụ ám sát Tổng thống John F. Kennedy năm 1963, từng làm dấy lên hàng loạt thuyết âm mưu trong nhiều thập kỷ.

Trong chiến dịch tái tranh cử, ông Donald Trump cam kết sẽ công khai các tài liệu mật cuối cùng liên quan đến vụ ám sát Tổng thống Kennedy - vụ việc đã khiến mọi người bàng hoàng trong nhiều thập kỷ. Và hôm 23/1 vừa qua, ông đã ký sắc lệnh nhằm hiện thực hóa cam kết này. 

CNN cho biết, sắc lệnh mà ông Trump ký không chỉ nhằm công bố hàng ngàn tài liệu mật của chính phủ về vụ ám sát Tổng thống John F. Kennedy năm 1963, mà còn dẫn đến việc giải mật các hồ sơ liên bang còn lại liên quan đến vụ ám sát Thượng nghị sĩ bang New York Robert F. Kennedy - em trai Tổng thống John F. Kennedy và mục sư Martin Luther King Jr - người đoạt giải Nobel hòa bình.

Ông Trump ký lệnh giải mật toàn bộ hồ sơ vụ ám sát Tổng thống Kennedy. Ảnh: Reuters

Ông Trump ký lệnh giải mật toàn bộ hồ sơ vụ ám sát Tổng thống Kennedy. Ảnh: Reuters

Cụ thể, Giám đốc tình báo quốc gia và Tổng chưởng lý phải lập kế hoạch trong vòng 15 ngày để công bố những hồ sơ còn lại của vụ ám sát Tổng thống Kennedy và trong vòng 45 ngày đối với 2 trường hợp còn lại. 

Sắc lệnh nêu rõ "vì lợi ích quốc gia", tất cả các tài liệu lưu trữ liên quan đến những vụ ám sát này sẽ được giải mật ngay lập tức. Đây là một trong những sắc lệnh mà ông Trump nhanh chóng ký ngay trong tuần đầu tiên của nhiệm kỳ thứ hai. Phát biểu với các phóng viên, ông Trump nhấn mạnh: "Gia đình họ và người dân Mỹ xứng đáng nhận được sự thật và sự minh bạch".

Theo CNN, Cục Lưu trữ và Hồ sơ quốc gia Mỹ (NARA) đang bảo quản tới 5 triệu tài liệu liên quan vụ việc. Hầu hết chúng đã được công bố, kể cả 13.000 tài liệu giải mật dưới thời cựu Tổng thống Joe Biden. Song, phần lớn những tài liệu này đã được biên tập trước khi tới tay công chúng.

Tổng thống John F. Kennedy và phu nhân Jacqueline Kennedy tại Dallas. Ảnh: Nhà Trắng

Tổng thống John F. Kennedy và phu nhân Jacqueline Kennedy tại Dallas. Ảnh: Nhà Trắng

Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump đưa ra cam kết tương tự, nhưng cuối cùng đã nhượng bộ vì thuyết phục của Cục tình báo trung ương (CIA) và Cục điều tra liên bang (FBI) để giữ lại một số tài liệu, nhằm đảm bảo an ninh quốc gia. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định, bước đi lần này của Tổng thống Mỹ dường như kỳ vọng dẹp bỏ hoàn toàn những thuyết âm mưu liên quan đến những vụ việc trên.

Cựu Tổng thống Mỹ John F. Kennedy bị ám sát tại Dallas ngày 22/11/1963, khi đoàn xe của ông đi qua tòa nhà Texas School Book Depository, nơi sát thủ 24 tuổi Lee Harvey Oswald - cựu lính thủy quân lục chiến, chờ sẵn ở vị trí trên tầng 6 để bắn tỉa. Hai ngày sau vụ ám sát, chủ hộp đêm Jack Ruby đã bắn chết Oswald trong một lần chuyển tù. Vào tháng 9/1964, Oswald được kết luận hành động một mình.

Tuy nhiên, vô số thuyết âm mưu đã được đưa ra, trong đó nhiều người cho rằng có thế lực đen tối đứng sau vụ việc. Hàng ngàn cuốn sách, bài báo, chương trình truyền hình và phim ảnh đã khai thác giả thiết vụ ám sát ông Kennedy là một âm mưu phức tạp. 

Em trai ông, Thượng nghị sĩ Robert F. Kennedy, bị ám sát hồi tháng 6/1968 khi đang vận động tranh cử tổng thống. Cũng trong năm 1968, luật sư đấu tranh bảo vệ quyền lợi cho những người Mỹ da đen Martin Luther King Jr bị ám sát tại một khách sạn ở thành phố Memphis, bang Tennessee.

Được biết, Tổng thống Trump sau khi ký sắc lệnh giải mật hồ sơ đã trao cây bút dùng để ký lệnh cho ông Robert F. Kennedy Jr, con trai của cố Thượng nghị sĩ Kennedy. Trước đó, ông Kennedy Jr được Tổng thống Trump chọn vào vị trí Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ nhân sinh.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra tuyên bố có phần khác biệt khi nói người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky là người "khơi mào xung đột” và muốn...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Kim Khánh ([Tên nguồn])
Tin tức Mỹ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN