Vì sao ông Tập quyết định chi 2 tỷ USD giúp thế giới chống Covid-19?
Cuộc họp 194 nước thành viên WHO được tổ chức hôm 18.5 với mục tiêu vạch ra một phản ứng chung cho thế giới nhằm đối phó đại dịch đã trở thành “nơi phô diễn” mối quan hệ căng thẳng đang leo thang giữa Trung Quốc và Mỹ, theo New York Times.
Trong cuộc họp, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết chi 2 tỷ USD nhằm hỗ trợ các nước bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Động thái của Trung Quốc khiến Mỹ không hài lòng và cho rằng, Bắc Kinh đang cố tình đánh lạc hướng thế giới về những sai lầm trong cách xử lý dịch bệnh.
2 tỷ USD mà Trung Quốc cam kết đóng góp sẽ được triển khai trong vòng 2 năm. Con số đó gấp đôi số tiền mà Mỹ tài trợ cho WHO trước khi Tổng thống Trump tạm dừng hỗ trợ cho tổ chức này.
Theo một số chuyên gia, 2 tỷ USD được chi ra sẽ đưa Trung Quốc trở thành nước dẫn đầu trong phản ứng quốc tế nhằm đối phó với dịch bệnh.
Tổng thống Trump đã từ chối tham gia cuộc họp do WHO tổ chức. Điều này gián tiếp tạo cơ hội cho Trung Quốc thể hiện vai trò lãnh đạo của mình trước 194 quốc gia thành viên WHO khi ông Tập Cận Bình đích thân tham dự.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc họp thành viên WHO hôm 18. (ảnh: NY Times)
“Tại Trung Quốc, sau những hy sinh và sự nỗ lực không ngừng nghỉ, chúng tôi đã đẩy lùi được Covid-19, bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho người dân”, ông Tập phát biểu.
Về phần mình, Tổng thống Trump cũng có lá thư gửi cho Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. Trong thư, ông Trump thể hiện thái độ gay gắt và dọa sẽ cắt vĩnh viễn tài trợ của Mỹ cho Tổ chức Y tế Thế giới nếu không có những cải thiện đáng kể về hoạt động trong 30 ngày nữa.
Từ góc nhìn của mình, một số quan chức chính quyền Mỹ cho rằng, số tiền “khủng” mà Trung Quốc cam kết hỗ trợ là một động thái nhằm gây ảnh hưởng đến WHO. Trung Quốc đang phải đối mặt với áp lực từ nhiều quốc gia thành viên nhằm kêu gọi cuộc điều tra về dịch bệnh.
“Cam kết hỗ trợ 2 tỷ USD như một biện pháp để đánh lạc hướng dư luận trong bối cảnh nhiều quốc gia thành viên WHO lên tiếng kêu gọi cuộc điều tra độc lập về Covid-19. Ngày càng có nhiều nước đòi hỏi trách nhiệm từ phía Trung Quốc liên quan đến vấn đề minh bạch thông tin và cảnh báo cho thế giới về những gì dịch bệnh có thể gây ra”, John Ullyot – phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, phát biểu.
Ông Trump đã không tham gia cuộc họp thành viên WHO hôm 18.5 (ảnh: NY Times)
Trong bài phát biểu của mình, ông Tập cũng tuyên bố Trung Quốc ủng hộ cuộc điều tra độc lập, khách quan nhằm đánh giá hoạt động của WHO sau khi dịch bệnh đã được kiểm soát.
“Chúng tôi ủng hộ đánh giá tổng thể về phản ứng toàn cầu sau khi đại dịch đã được kiểm soát nhằm tích lũy thêm kinh nghiệm và khắc phục những điểm yếu. Công việc này nên dựa trên cơ sở khoa học, sự chuyên nghiệp do WHO dẫn dắt và tiến hành một cách khách quan, vô tư”, ông Tập phát biểu.
Theo các chuyên gia, việc ông Tập đích thân tham gia cuộc họp cùng 2 tỷ USD cam kết hỗ trợ chống dịch là một nỗ lực lớn của Trung Quốc nhằm lấy lại vị thế và tranh thủ sự ủng hộ quốc tế.
Trong thời gian gần đây, Trung Quốc phải hứng nhiều cáo buộc và chỉ trích từ một số nước do Mỹ dẫn đầu khi cho rằng, Bắc Kinh đã tìm cách che đậy thông tin về dịch bệnh.
Một số lô hàng y tế gửi tới châu Âu bị cho là kém chất lượng cũng làm giảm uy tín của Trung Quốc.
Đài Loan đã không được mời tham gia cuộc họp do WHO tổ chức (ảnh: NY Times)
Căng thẳng tại khu vực Biển Đông, Đài Loan cũng khiến mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ ngày càng xấu đi. Trung - Mỹ cũng đã có nhiều màn trả đũa lẫn nhau trên các lĩnh vực ngoại giao, thương mại.
“Chắc chắn đây là một thời điểm khó khăn đối với Trung Quốc nói chung và ông Tập nói riêng. Ông Tập rất muốn giảm bớt áp lực đối với Trung Quốc và cuộc họp thành viên WHO sẽ là cơ hội tốt”, Dali L. Yang – chuyên gia phân tích chính trị tại Đại học Chicago (Mỹ), nhận xét.
“Diễn biến quen thuộc lại xuất hiện. Ngay khi ông Trump rút Mỹ khỏi vị thế lãnh đạo quốc tế trong phản ứng với dịch bệnh, ông Tập tuyên bố Trung Quốc sẽ tiến lên với 2 tỷ USD. Ông Tập đang khai thác triệt để khoảng trống khi Mỹ rút khỏi vị trí thường thấy và lấy lại hình ảnh của Trung Quốc”, Ryan Hass – chuyên gia tại Viện Brookings (Mỹ), nhận định.
Theo New York Times, vị thế của Mỹ đã suy giảm rõ ràng trong thời gian gần đây, khi những nỗ lực để thúc đẩy việc đưa Đài Loan tham gia cuộc họp thành viên WHO với tư cách quan sát viên đã thất bại trước sự phản đối mạnh mẽ từ Bắc Kinh.
Nguồn: [Link nguồn]
Hôm 18.5, Trung Quốc đã công bố một kế hoạch mới có tên gọi “Hướng Tây” với mục tiêu phá thế cô lập về kinh tế,...