Vì sao ông Obama không xin lỗi khi đến thăm Hiroshima
Với cương vị Tổng thống Mỹ đầu tiên đến thăm Hiroshima, thành phố từng bị Mỹ ném bom hạt nhân khiến hàng chục ngàn người thiệt mạng, ông Obama gây ra nhiều tranh cãi khi cho biết sẽ không nói lời xin lỗi.
Tổng thống Mỹ Obama và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (Ảnh Reuters)
70 năm sau khi Mỹ thả một quả bom nguyên tử chết chóc ở Hiroshima, Nhật Bản, ông Obama trở thành tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên đến thăm thành phố này ngày 27.5.2016
Tại Hiroshima, Obama gửi gắm những thông điệp của mình đến với thế giới: "Đây là cơ hội để tôn vinh tất cả những người đã mất trong Chiến tranh thế giới lần thứ II. Đó là cơ hội để theo đuổi hòa bình và an ninh, một thế giới mà vũ khí hạt nhân không còn cần thiết. Và đó là một minh chứng cho thấy kể cả sự chia cách đau thương nhất cũng có thể được nối lại."
Tổng thống Obama không xin lỗi về hành động thả bom của Mỹ tại thành phố Hiroshima, cũng như tại thành phố Nagasaki vài ngày sau khiến hàng chục ngàn người thiệt mạng, mà ông nhấn mạnh về những “nguy cơ” của vũ khí hạt nhân.
Không lực Một đã đưa ông Obama đến Hiroshima ngày 27.5 (Ảnh: CNN)
Một lời xin lỗi như vậy sẽ gây nhiều tranh cãi tại Mỹ và các quốc gia khác như Trung Quốc và Hàn Quốc, những nước cũng phải chịu sự hung hăng và tàn bạo của Nhật Bản trong chiến tranh, CNN đánh giá.
"Việc thả bom nguyên tử, chế tạo vũ khí hạt nhân là một cột mốc trong lịch sử", ông Obama nói trong một cuộc họp báo tại Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Nhật Bản, mong muốn sự việc tại Hiroshima sẽ trở thành một khoảnh khắc thay đổi lịch sử. Mỹ là quốc gia duy nhất từng sử dụng bom hạt nhân, loại vũ khí mà toàn nhân loại nên tránh sử dụng, CNN viết.
Theo New York Times, mặc dù ông Obama không trực tiếp thể hiện sự hối lỗi khi đến Hiroshima, nhưng chuyến thăm được nhiều nhà phân tích gọi là “tour xin lỗi”.
Ông Obama được chào đón tại Iwakuni, Nhật Bản ngày 27.5 (Ảnh: CNN)
Trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình quốc gia Nhật Bản NHK, ông Obama cho biết thực tế là các nhà lãnh đạo thường phải lựa chọn khó khăn trong thời gian xung đột. "Điều quan trọng là nhận ra rằng trong chiến tranh, các nhà lãnh đạo phải đưa ra rất nhiều quyết định, việc kiểm chứng và đánh giá các quyết định đó là của các nhà sử học", ông Obama nói.
"Với cương vị Tổng thống trong 7,5 năm qua, tôi biết mỗi nhà lãnh đạo đều phải đưa ra những quyết định rất khó khăn, đặc biệt là trong thời kỳ chiến tranh."
Ông Obama đến thăm Hiroshima trong năm cuối của nhiệm kì với mong muốn giảm bớt sự cay đắng lâu đời của chiến tranh trong các thế hệ người dân. Những chuyến thăm tới Cuba, Việt Nam, và Argentina đều mang thông điệp hòa giải và tiếp cận với thế hệ trẻ không bị ảnh hưởng trực tiếp của chiến tranh.
Tổng thống Obama trong chuyến thăm Việt Nam từ 23-25/5 (Ảnh: AP)
Các nhà phê bình cho rằng bằng cách không xin lỗi, ông Obama đã cho phép Nhật Bản tiếp tục “đóng vai nạn nhân” trong Chiến tranh thế giới lần thứ II. Trung Quốc và Hàn Quốc, những nước bị Nhật Bản xâm lược trong chiến tranh, thường phàn nàn Tokyo chuộc lỗi chưa đủ.
"Với sự nhạy cảm của vụ việc Hiroshima, chính phủ Nhật Bản đang tận dụng chuyến thăm lịch sử của Obama để làm nổi bật hình ảnh của mình như một “nạn nhân chiến tranh”, hạ thấp vai trò xâm lược của Nhật trong Thế chiến thứ II" - hãng tin Trung Quốc Tân Hoa Xã bình luận. Theo hãng tin Trung Quốc, chuyến thăm Hiroshima của ông Obama "không nên là một cơ hội để minh oan cho những gì Nhật đã gây ra trong Thế chiến thứ II".
Người dân Hiroshima nói rằng họ muốn Tổng thống Obama hiểu sự đau khổ của các nạn nhân (Ảnh: BBC)
Những người sống sót sau quả bom nguyên tử ở Hiroshima cho rằng một lời xin lỗi từ Tổng thống Obama sẽ được hoan nghênh, nhưng ưu tiên của họ là được thoát khỏi thế giới của vũ khí hạt nhân, một mục tiêu dường như khó nắm bắt hơn bao giờ hết.
Kenji Ishida, một người dân 68 tuổi tại Hiroshima cho biết: "Nếu Mỹ phải xin lỗi vì Hiroshima thì Nhật Bản cũng phải xin lỗi vì vụ việc Trân Châu Cảng" ông nói.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã từng khẳng định thế hệ tương lai không cần phải xin lỗi về hành động của các bậc tiền bối, theo tờ The Huffington Post.
Thảm họa Hiroshima đã giết chết 140.000 người năm 1945 (Ảnh: Getty Images)
Quả bom nguyên tử ném xuống thành phố Hiroshima ngày 6.8.1945 đã giết chết hàng nghìn người ngay lập tức và tổng cộng có 140.000 người chết vào cuối năm. Thành phố Nagasaki cũng bị ném bom ngày 9.8 và Nhật Bản đã đầu hàng 6 ngày sau đó.
Đa số người Mỹ thấy các vụ đánh bom là cần thiết để chấm dứt chiến tranh và cứu sống rất nhiều người Mỹ và người Nhật. Tuy vậy, hầu hết người Nhật tin rằng các vụ đánh bom này là phi lý.