Vì sao nội chiến Syria bùng phát mạnh lúc này?
Nội chiến Syria sau nhiều năm tạm lắng vừa bùng phát mạnh trở lại, một diễn biến thu hút sự chú ý đặc biệt về yếu tố thời điểm.
Nội chiến Syria, kéo dài hơn một thập niên, đang thu hút sự chú ý trở lại sau khi một liên minh phiến quân mới bất ngờ phát động một cuộc tấn công lớn, giành quyền kiểm soát nhiều khu vực ở TP Aleppo, thành phố lớn thứ hai của Syria.
Đây là bước ngoặt đáng chú ý khi quân chính phủ lần đầu giành lại quyền kiểm soát lãnh thổ này vào năm 2016.
Diễn biến này lần nữa chứng minh cuộc nội chiến Syria “chưa bao giờ chính thức kết thúc”, theo đài CNN.
Nguyên nhân nội chiến
Cuộc nội chiến Syria bắt đầu vào năm 2011, khi phong trào Mùa xuân Ả Rập lan tới nước này. Các nhóm dân quân nhỏ và một số cá nhân đào tẩu khỏi quân đội Syria sau đó thành lập lực lượng vũ trang nỗ lực lật đổ Tổng thống Syria - ông Bashar al-Assad.
Các lực lượng nổi dậy - bao gồm các hệ tư tưởng khác nhau, nhưng có mục tiêu chung là lật đổ ông Assad – nhận được sự hỗ trợ từ các cường quốc khu vực như Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), và các nước phương Tây, đặc biệt Mỹ.
Xe tăng quân sự hiện diện ở thành phố Maarat al-Numan, tỉnh Idlib (Syria). Nội chiến Syria bùng phát mạnh trở lại sau thời gian dài tạm lắng. Ảnh: REUTERS
Khi lực lượng chống chính phủ mở rộng quy mô, các đồng minh quan trọng của Syria, bao gồm Iran và Nga, đã tăng cường hỗ trợ cho chính quyền Damascus.
Dưới mặt đất, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) và lực lượng Hezbollah (Lebanon) đã trực tiếp tham gia chiến đấu, giúp đỡ chính phủ ông Assad đối phó với các nhóm phiến quân. Trên không, Không quân Syria được tăng cường sức mạnh nhờ sự hỗ trợ từ các máy bay chiến đấu của Nga.
Xung đột trở nên phức tạp hơn khi các nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan như al Qaeda và sau đó là Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (ISIS, hay IS) lợi dụng tình hình. Sự trỗi dậy của ISIS đã buộc liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu phải can thiệp, tập trung vào tiêu diệt tổ chức này.
Năm 2020, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn tại tỉnh Idlib, khu vực cuối cùng do phe nổi dậy kiểm soát. Quân chính phủ và phe nổi dậy đồng ý thiết lập một hành lang an ninh và tiến hành các cuộc tuần tra chung nhằm duy trì ổn định trong khu vực.
Dù không có các cuộc giao tranh lớn kể từ đó, chính quyền Syria vẫn chưa thể giành lại toàn bộ lãnh thổ. Những diễn biến mới ở Aleppo cho thấy sự kháng cự vũ trang từ phe nổi dậy vẫn tồn tại, và xung đột có thể bùng phát bất cứ lúc nào, thách thức nỗ lực kiểm soát toàn diện của chính phủ Syria.
Tại sao xung đột bùng phát trở lại vào lúc này?
Gần đây, một liên minh phiến quân mới có tên "Bộ chỉ huy tác chiến quân sự" đã thực hiện cuộc tấn công bất ngờ, nhanh chóng chiếm nhiều khu vực tại TP Aleppo. Đây từng là trung tâm kinh tế lớn nhất Syria và là thành trì quan trọng của phe nổi dậy cho đến khi bị lực lượng chính phủ tái kiểm soát vào năm 2016.
Theo thông tin từ chiến trường, liên minh này bao gồm các lực lượng từ nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS), một chi nhánh cũ của nhóm khủng bố al Qaeda, cùng với các nhóm phiến quân ôn hòa được Thổ Nhĩ Kỳ và các nước khác hậu thuẫn.
Theo CNN, liên minh này nhanh chóng tràn qua các ngôi làng bên ngoài Aleppo và người dân hiện cho biết họ kiểm soát được phần lớn thành phố, và gặp rất ít sự kháng cự trên đường càn quét.
Phe phiến quân cho biết cuộc tấn công nhằm giải phóng lãnh thổ bị chiếm đóng và đáp trả các cuộc tấn công gần đây của lực lượng chính phủ và các nhóm dân quân thân Iran.
Theo CNN, sự suy yếu của chính phủ Syria và đồng minh của Damascus được cho là lý do chính khiến phe nổi dậy tận dụng cơ hội khơi lại cuộc xung đột. Trong đó, Nga, đồng minh chính của ông Assad, đang tập trung nhân lực và tài nguyên cho cuộc chiến tại Ukraine. Iran, một đồng minh quan trọng khác, đang phải đối phó với các cuộc tấn công từ Israel nhằm vào lực lượng Hezbollah - một lực lượng ủy nhiệm của Iran trong khu vực.
Cuộc tấn công mới này không chỉ làm lung lay quyền kiểm soát của ông Assad tại Aleppo mà còn có nguy cơ tạo ra hiệu ứng domino ở các khu vực khác.
Khói bốc lên tại TP Aleppo, tỉnh Aleppo (miền bắc Syria) vào ngày 30-11 khi giao tranh giữa phiến quân Syria và quân đội chính phủ. Nội chiến Syria bùng phát mạnh trở lại sau thời gian dài tạm lắng. Ảnh: AFP
Phản ứng của chính phủ ông Assad
Chính quyền Syria đã triển khai các cuộc không kích tại Aleppo và Idlib với sự hỗ trợ của Nga. Tuy nhiên, khả năng tiến hành một cuộc phản công hiệu quả còn bỏ ngỏ, phụ thuộc vào mức độ hỗ trợ từ các đồng minh.
Theo CNN, việc mất Aleppo, nơi có các cơ sở quân sự chiến lược và sân bay quan trọng, sẽ là một bước lùi lớn của chính phủ ông Assad.
Để giành lại lãnh thổ, quân đội Syria sẽ phải đối mặt với thách thức lớn, đặc biệt trong bối cảnh các phe nổi dậy đang ngày càng phối hợp chặt chẽ và nhận được sự hỗ trợ từ các lực lượng quốc tế.
Cuộc tấn công tại Aleppo không chỉ là bước ngoặt trong cuộc chiến mà còn là lời nhắc nhở về tính phức tạp và kéo dài của cuộc nội chiến Syria. Tình hình hiện tại cho thấy, dù chiến tranh đã phần nào lắng xuống trong những năm gần đây, nội chiến Syria vẫn âm ỉ và có thể bùng phát bất cứ lúc nào với hậu quả khôn lường.
Ukraine được cho là có vai trò liên quan khi phiến quân mở chiến dịch tấn công quy mô lớn ở phía tây bắc Syria kể từ ngày 27/11.
Nguồn: [Link nguồn]