Vì sao nhiều người Mỹ cất tiếng hú vào đêm khuya giữa dịch Covid-19?
Những tiếng hú hoang dại xuất hiện vào đêm khuya trong dịch Covid-19 ban đầu chỉ xuất hiện lẻ tẻ tại một số địa phương. Dần dần, ngày càng có nhiều người tham gia vào “dàn hợp xướng” hú hét xuyên màn đêm để chấm dứt sự tẻ nhạt khi phải ở nhà trong mùa dịch tại nhiều bang của Mỹ.
Từ bang California, Colorado đến Georgia và cả New York, người Mỹ dành một khoảng thời gian bắt đầu từ 8 giờ tối để hú hét. Những tiếng hú lan truyền nhanh chóng giữa hàng xóm láng giềng và các khu phố như một âm thanh thể hiện sự buồn chán của người dân khi phải ở nhà giữa dịch Covid-19.
Nhiều người tham gia hú hét cho biết, họ muốn hú để gửi lời cảm ơn tới những nhân viên y tế trong cuộc chiến với Covid-19. Tiếng hú cũng giống như việc vỗ tay cổ vũ cho các nhân viên y tế tại Anh, Italia hay Tây Ban Nha.
Một số người khác nói họ hú hét để cho vơi bớt sự buồn chán vì phải ở lâu trong nhà. Cũng có người hú lên để bày tỏ sự cảm thông đối với những người vô gia cư – những người chịu tác động nặng nề vì kinh tế khó khăn trong dịch bệnh.
Nhiều người Mỹ muốn hú hét để giải tỏa sự buồn chán trong dịch Covid-19 (ảnh: AP)
Ở bang Colorado, Thống đốc Jared Polis đã khuyến khích người dân hãy tham gia vào phong trào hú hét. Trẻ em và những chú chó nuôi trong nhà cũng hòa theo tiếng hú vào giữa đêm. Những tiếng hú đôi khi cũng bị ngắt quãng bởi tiếng còi hay tiếng chuông reo.
“Có điều gì đó khá hoang dại và đậm chất Mỹ trong những tiếng hú ở bang Colorado. Người dân hú và đối đáp lẫn nhau. Nhiều người nói rằng họ thích hú và nghe tiếng hú đáp lại từ một người khác”, Brice Maiurro, một tình nguyện viên làm việc tại bệnh viện National Jewish Health, bang Colorado, nhận xét.
“Tiếng hú hàng đêm là cách người nguyên thủy muốn truyền tải thông tin rằng: Chúng ta đang thắng thế. Đây cũng là cách để người dân có thêm tinh thần khi phải ở nhà vì khuyến cáo hạn chế tiếp xúc xã hội. Thông qua tiếng hú, họ cũng muốn nói rằng: Tình trạng này thật tệ.
Người dân giải phóng sự bức bối của họ theo một cách thức khá ồn ào. Việc hú hét rất có tác dụng nhằm giải tỏa những đau buồn dồn nén ở người lớn, còn trẻ con thì thực sự thích thú với hành động này”, Tiến sĩ Scott Cypers làm việc tại Trung tâm nghiên cứu về trầm cảm thuộc Đại học Y Colorado Anschutz (Mỹ), cho biết.
Brice Maiurro và người bạn đời Shylv Ochoa trong bộ đồ sói để tham gia vào phong trào hú hét đêm khuya (ảnh: AP)
Brice Maiurro và bạn đời của anh - Shylv Ochoa, một nghệ sĩ đường phố đã lập nhóm Facebook có tên là “Hú vào lúc 8 giờ tối”. Nhóm này có gần nửa triệu thành viên từ tất cả 50 bang của Mỹ và 99 quốc gia trên toàn thế giới.
Jerrod Milton, phó giám đốc điều hành tại Bệnh viện Nhi đồng Colorado cho rằng, việc hú hét vào mỗi tối là rất cần thiết trong thời gian Covid-19 đang bùng phát.
“Điều đó không chỉ truyền cảm hứng cho chúng tôi với tinh thần đoàn hết mà còn khiến mọi người cười vui vẻ. Tôi nhiều lúc cũng không thể phân biệt tiếng hú từ đồng loại với tiếng hú từ những người bạn đồng hành (chó)”, ông Milton nói đùa.
Một số người hú để gửi sự cổ vũ đến những nhân viên y tế đang chiến đấu với dịch bệnh tại Mỹ (ảnh: AP)
Ở trung tâm thành phố Los Angeles, bang California, có hàng ngàn người Mỹ hú hét, reo hò và bật đèn flash từ ban công nhà họ. Phong trào này được khởi xướng từ bà Patti Berman, Chủ tịch Hội hàng xóm láng giềng trung tâm Los Angeles.
“Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng nó (phong trào hú hét) lại phát triển mạnh như vậy”, bà Patti Berman, 70 tuổi, chia sẻ.
Bà Berman nói rằng bà hú để bày tỏ sự thông cảm với những người vô gia cư tại Los Angeles, những hàng quán nhỏ đang gặp khó khăn trong dịch Covid-19 và những người bạn cùng hội với mình.
“Tiếng hú vang lên để những người khác biết rằng, chúng tôi còn ở đây và để giữ gìn sự giao tiếp giữa con người với nhau”, bà Berman cho biết.
Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19: - Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi. - Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác. - Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế. - Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 19003228 và 19009095. |
Singapore là một trong những quốc gia Đông Nam Á ghi nhận ca nhiễm Covid-19 sớm nhất khi một du khách Trung Quốc dương tính với...
Nguồn: [Link nguồn]