Vì sao Nhật nhập khẩu virus từng giết hơn 10.000 người để chuẩn bị cho Thế vận hội?

Sự kiện: Tin tức Nhật Bản

Mùa hè năm sau, hàng chục nghìn người hâm mộ thể thao và du khách sẽ đổ xô tới Nhật Bản để theo dõi cũng như cổ vũ tại Thế vận hội 2020. Nhưng mới đây, thông tin giới chức Nhật Bản quyết định nhập khẩu một số chủng virus nguy hiểm để chuẩn bị cho Thế vận hội 2020, khiến nhiều người hoang mang.

Máy đo thân nhiệt giúp phát hiện các hành khách nước ngoài nhiễm virus Ebola

Máy đo thân nhiệt giúp phát hiện các hành khách nước ngoài nhiễm virus Ebola

Tờ Live Science mới đây đưa tin, chính phủ Nhật Bản vừa cho phép nhập khẩu virus Ebola hồi tháng 9 để chuẩn bị cho Thế vận hội 2020. Virus Ebola từng gây đại dịch ở Tây Phi khiến hơn 10.000 người  chết, theo số liệu công bố năm 2015 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Thế vận hội 2020 mang tầm cỡ thế giới nên sẽ thu hút hàng chục nghìn người hâm mộ và du khách nước ngoài tới cổ vũ. Điều đó khiến giới chức Nhật Bản lo ngại, lượng du khách lớn có thể mang theo những mầm bệnh chết người, trong đó có Ebola, vào xứ Phù tang. Đó là lí do vì sao Nhật Bản quyết định cho nhập khẩu virus Ebola cũng như 4 mầm bệnh khác để chuẩn bị cho các xét nghiệm chẩn đoán nếu có trường hợp nghi mắc bệnh.

Theo một báo cáo trên tạp chí Nature, những mầm bệnh được nhập khẩu đại diện cho các loại virus nguy hiểm nhất từng được phép đưa vào Nhật Bản. Tất cả đều được xếp hạng "an toàn sinh học cấp 4" (BSL-4), đồng nghĩa những virus này phải được giữ trong một cơ sở đặc biệt, nơi các nhà nghiên cứu tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình an toàn. Và cơ sở duy nhất đáp ứng được các yêu cầu chính là Viện các bệnh truyền nhiễm quốc gia (NIID) của Bộ Y tế Nhật Bản - đặt tại thành phố Musashimurayama, cách thủ đô Tokyo khoảng 30 km về phía tây.

Ngoài Ebola, cơ sở này còn chứa 4 loại virus gây chết người khác: Marburg, Lassa, virus gây bệnh sốt xuất huyết Nam Mỹ và virus sốt xuất huyết Crimean–Congo, theo tạp chí Nature.

Mẫu vật sống sẽ được sử dụng để xác thực các xét nghiệm chẩn đoán xác định xem một người đã nhiễm một trong các loại virus này còn có thể bị lây nhiễm loại virus khác hay không.

Xét nghiệm còn đánh giá xem cơ thể con người có thể tạo ra kháng thể chống virus hay không. Nếu có, điều này đồng nghĩa với việc bệnh nhân đang hồi phục, Nature dẫn lời Masayuki Saijo, giám đốc bộ phận của NIID chịu trách nhiệm về virus sốt xuất huyết, cho biết.

Trang phục bảo hộ toàn thân được cung cấp dưỡng khí của các nhà nghiên cứu làm việc tại một phòng thí nghiệm BSL-4

Trang phục bảo hộ toàn thân được cung cấp dưỡng khí của các nhà nghiên cứu làm việc tại một phòng thí nghiệm BSL-4

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh cho biết, khi làm việc tại phòng thí nghiệm BSL-4, các nhà nghiên cứu phải mặc trang phục bảo hộ kín toàn thân được cung cấp dưỡng khí; thay quần áo trước khi vào và tắm rửa sạch sẽ sau khi rời phòng thí nghiệm. Ngoài ra, họ phải khử trùng toàn bộ dụng cụ trước khi ra ngoài.

Phòng thí nghiệm phải được đặt trong một tòa nhà riêng biệt hoặc cách ly trong một cơ sở lớn hơn có hệ thống khí thải cung cấp chuyên dụng, hút chân không cũng như hệ thống khử trùng.

"Chúng tôi đã tìm hiểu kỹ về vấn đề này. Đây là một bước tiến lớn để chống lại các đe dọa tiềm ẩn của các chủng virus nguy hiểm khi đất nước đang chuẩn bị chào đón số lượng lớn khán giả tới từ khắp nơi trên thế giới", hãng Kyodo News dẫn lời ông Takumi Nemoto, bộ trưởng Lao động, Y tế và Phúc lợi Nhật Bản.

Tuy tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình an toàn, cư dân sống gần NIID vẫn tỏ ra lo lắng, thậm chí là phản đối.

Theo Japan Times, NIID thông báo kế hoạch nhập khẩu các chủng virus nguy hiểm từ tháng 11/2018 nhưng đã vấp phải sự phản đối gay gắt từ người dân địa phương.

"Thật phi lý khi chính phủ bảo chúng tôi phải chấp thuận kế hoạch này vì Thế vận hội. Chúng tôi rất lo lắng và không thể đồng ý với kế hoạch này", đại diện hiệp hội dân cư Raizuka, những người sống gần phòng thí nghiệm của NIID, chia sẻ với tờ Asahi Shimbun.

Dù được xây dựng để xử lý mầm bệnh BSL-4 từ năm 1981, nhưng trước sự phản đối quyết liệt của dân cư xung quanh, NIID không thể đưa virus đến cơ sở của mình.

Mãi tới năm 2015, Bộ Y tế và Thị trưởng Musashimurayama cuối cùng cũng giải quyết được vấn đề và cơ sở được đưa vào vận hành.

Các chuyên gia chia sẻ với Nature rằng nhập khẩu virus nguy hiểm sẽ giúp giới nghiên cứu chuẩn bị tốt cho những đợt bùng phát có thể xảy ra trong và sau Thế vận hội 2020. Ngoài ra, việc này còn phục vụ cho quá trình thử nghiệm trên động vật.

Tiêm thuốc cho 5 người có HIV, sau 7 tháng hết sạch virus

Sau 30 năm kể từ ngày phát hiện virus “thế kỷ”, loại thuốc mới hứa hẹn mở ra cánh cửa tiêu diệt hoàn toàn bệnh HIV/AIDS.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thái - Live Science ([Tên nguồn])
Tin tức Nhật Bản Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN