Vì sao Nhật Bản từ bỏ chiến lược chủ nghĩa hòa bình?
Ngày 27/11/2021, Thủ tướng Fumio Kishida đã ghé thăm Trại Asaka (trực thuộc lực lượng phòng vệ mặt đất của quân đội Nhật Bản, nằm ở phía Bắc thủ đô Tokyo), nơi đây ông đã phát biểu với binh sĩ rằng “Tôi sẽ xem xét mọi lựa chọn để tăng cường những khả năng phòng thủ của Nhật Bản, bao gồm khả năng tấn công căn cứ địch...”.
Môi trường an ninh quanh đảo quốc Nhật Bản đang thay đổi theo một tốc độ chưa từng có. Tháng 12/2022, ông Fumio Kishida đã thông báo kế hoạch tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng của Nhật Bản lên 315 tỷ USD trong thời khóa 5 năm (tương đương 2% GDP), đưa nước này trở thành quốc gia chi ngân sách quốc phòng lớn thứ 3 thế giới sau Mỹ và Trung Quốc, phù hợp với mục tiêu của NATO. Những thông báo này nằm trong khuôn khổ của Chiến lược an ninh quốc gia mới được công bố hồi tháng 8/2022, thay đổi hoàn toàn nhiệm vụ của các lực lượng vũ trang Nhật: Họ không bị giới hạn trong việc bảo vệ lãnh thổ Nhật Bản mà sẽ trực tiếp phản công, đồng thời vô hiệu hóa các căn cứ quân sự ở những nước không thân thiện.
Binh lính lắng nghe phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Taro Kono tại Naha, miền Nam Nhật Bản. Ảnh nguồn: Kyodo News – Getty
Sách Trắng công bố gần đây của Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã mô tả Trung Quốc là “một thách thức chiến lược chưa từng có” và là đối thủ cạnh tranh, phá vỡ thế cân bằng địa chính trị - quân sự trong khu vực, trực tiếp đe dọa tới quần đảo Senkaku mà Nhật khẳng định sẽ bảo vệ (sau khi chiếm đóng Senkaku từ năm 1895 đến năm 1945). Triều Tiên cũng được đặt trong tầm ngắm khi nước này liên tục thử nghiệm các vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBMs) gần Nhật Bản suốt năm 2022; và kể từ khi chiến tranh Nga - Ukraine, tranh chấp của Nhật với Nga về quần đảo Kuril (Liên Xô đã sát nhập vào cuối Thế chiến II) vẫn chưa được giải quyết rốt ráo.
Tuy vậy, dư luận Nhật không hoàn toàn ủng hộ việc tăng ngân sách đằng sau chiến lược mới. Phóng viên Moriyasu Ken nói rằng Trung Quốc đã tăng ngân sách quốc phòng (đạt 7,1% tức 229 tỷ USD trong năm 2022, so với ngân sách 768 tỷ USD của Mỹ) nhưng tin rằng ông Tập Cận Bình không củng cố quyền lực của mình để gây chiến.
Nhật Bản vẫn gắn bó với Hiến pháp hòa bình mà Mỹ đã áp đặt sau khi nước này đầu hàng vào năm 1945, Điều 9 của hiến pháp này tuyên bố: “Người dân Nhật mãi mãi từ bỏ chiến tranh như một quyền chủ quyền quốc gia và đe dọa hay sử dụng vũ lực như một phương tiện để giải quyết các tranh chấp quốc tế... Để hoàn thành mục tiêu này, các lực lượng trên bộ, trên biển và trên không cũng như những tiềm năng chiến tranh khác sẽ không bao giờ được duy trì”.
Căn cứ không quân Kadena của Mỹ trên quần đảo Okinawa (Nhật Bản). Ảnh nguồn: The Mainichi
Những người theo chủ nghĩa hòa bình đã bảo vệ nguyên tắc này bằng cách thường xuyên tổ chức các cuộc biểu tình bên ngoài tòa nhà Quốc hội ở thủ đô Tokyo. Một thanh niên Nhật đang lên kế hoạch học ngành luật nói rằng mặc dù anh hiểu lập trường của chính phủ là giúp Mỹ nhưng “Lớp trẻ tụi tôi không muốn đánh nhau. Giúp người Mỹ đánh bại Trung Quốc không phải là việc của bọn tôi”. Dầu vậy, thanh niên này cũng khẳng khái: “Chúng tôi phải tự bảo vệ mình”. Người Nhật và chính phủ của họ xem Mỹ là trụ cột của an ninh quốc gia. Một thành công lâu dài của LDP (đảng Dân chủ Tự do) là khiến một nửa dân Nhật đổ lỗi hiến pháp là “do Mỹ áp đặt”, do Mỹ soạn thảo nhằm tước bỏ quyền Nhật Bản có quân đội.
Những người theo chủ nghĩa dân tộc cho rằng Nhật Bản không thể thể hiện sức mạnh của mình bằng cách phái binh ra nước ngoài như những nước thịnh vượng khác. Báo chí Nhật nói về tái tập hợp chính nghĩa của Mỹ như một việc cần phải làm. Ông Itsunori Onodera nói rằng chiến tranh Nga - Ukraine bởi Nga tin rằng đó là một quốc gia yếu nhược và không thể kháng cự lại Nga, “Nhật Bản sẽ không bị tấn công nếu họ mạnh và có các đồng minh chung tay bảo vệ”. Đó là một quan điểm cũ đã được truyền ra nước ngoài bởi chính giáo sư Tomohiko Taniguchi (Đại học Keio), người từng viết diễn văn kiêm cố vấn chính sách đối ngoại cho chính quyền cựu Thủ tướng Shinzo Abe. Từng có lần phát biểu ở Đại học Keio, ông Taniguchi khẳng định rằng: “Nga, Bắc Triều Tiên, Trung Quốc. Chưa khi nào mà Nhật Bản lại đối mặt cùng lúc với cả 3 cường quốc hạt nhân thù địch như thế. Sự trùng hợp này có một thực tế là đất nước chúng ta ngày một già đi, dân số thu hẹp, kinh tế lại không tăng trưởng đủ nhanh. Một mình Nhật không thể phát triển nhanh như Trung Quốc”.
Các mỏ khí và dầu của công ty Sakhalin-2 tại biển Okhotsk là đặc biệt quan trọng cho an ninh năng lượng của Nhật Bản. Ảnh nguồn: Istock
Ông Taniguchi khẳng định: “Lựa chọn duy nhất là Nhật Bản sẽ làm việc chặt chẽ với những đồng minh cùng chí hướng đó là Mỹ và cũng có thể là với Australia, Ấn Độ. Ở châu Âu, Nhật Bản có thể hợp tác với Pháp”. Mặt khác, ông Taniguchi có đề cập đến liên minh Ấn Độ - Thái Bình Dương mà ông Shinzo Abe từng mô tả trong một bài phát biểu vào năm 2007 trước Quốc hội Ấn Độ rằng cần phải chống lại sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc. Ông Abe đã nói về một “châu Á rộng lớn hơn bao trùm toàn bộ Thái Bình Dương, gồm cả Australia và Mỹ”. Khi Nhật Bản có các loại tên lửa tầm xa mạnh mẽ, nó sẽ được tích hợp vào chiến lược phòng thủ Ấn Độ - Thái Bình Dương (của Mỹ) như một biện pháp “răn đe” Trung Quốc. Washington không bao giờ cho phép Nhật Bản hành động độc lập. Có một thực tế rằng Nhật Bản là một quốc gia khách hàng của Mỹ về cả quân sự, kinh tế, ngoại giao. Để giảm bớt sự lệ thuộc này, Chính phủ Nhật đã tham gia phát triển chung chiến cơ với Italy và Anh vào thời điểm năm 2035.
Bang giao Trung - Nhật xấu đi rõ rệt vào năm 2012 sau khi Chính phủ Nhật mua 3 hòn đảo trong quần đảo Senkaku từ tay sở hữu tư nhân (người Nhật) và hải quân Trung Quốc hiện diện ở vùng lãnh hải này trở nên thường xuyên hơn. Các chuyến dâng hương thường xuyên của ông Shinzo Abe tại đền Tĩnh Quốc Thần Xã (Yasukuni - nơi thờ cúng 2,5 triệu người Nhật đã chết trong Thế chiến II, bao gồm cả một số tội phạm chiến tranh) đã không giúp được gì.
Song, kể từ khi Nhật Bản ra tuyên bố về chính sách quốc phòng mới, Hoàn cầu Thời báo viết: “Chính sách thay đổi hiện tại sẽ tác động đến toàn bộ khu vực, khi nhiều nước sẽ tăng chi tiêu quân sự dẫn đến cuộc chạy đua vũ trang mới ở Đông Bắc Á”. Trung Quốc không đơn độc lo ngại về chính sách mới. Hàn Quốc từng nếm trải đắng cay trong thời quân phiệt Nhật chiếm đóng nước này từ năm 1910 đến năm 1945. Những tranh cãi cũ đang nổi lên bao gồm “nô lệ tình dục”. Gần đây Chính phủ Nhật đã chuyển ngân sách nhằm “phổ biến thông tin chiến lược ra nước ngoài”, để truyền tải “sự thật về lịch sử Nhật Bản”. Mối quan tâm của Hàn Quốc liên quan đến thực tế là Nhật Bản đang hình dung rõ ràng về khả năng dùng “các khả năng phản công” tấn công các căn cứ địch bao gồm cả Bắc Triều Tiên.
Tờ báo trung dung của Hàn Quốc - Hankyoreh - đặt câu hỏi: “Làm thế nào chúng ta có thể chấp nhận thực tế là người Nhật chỉ định Bán đảo Triều Tiên là mục tiêu để tấn công phủ đầu?”. Không có gì cho thấy Triều Tiên lo sợ mối đe dọa từ phía Nhật Bản. Chủ tịch Kim Jong-un thường xuyên hạ lệnh thử tên lửa ICBMs mà đích đến là EEZ của Nhật Bản (ngoài khơi Hokkaido, tức cách nơi phóng tên lửa hơn 1.000 km). Giới chức cũng thường xuyên thông báo cho các công ty tiền điện tử Nhật Bản về những mối đe dọa đến từ Lazarus Group (tổ chức tin tặc lớn nhất của Bắc Triều Tiên). Các cuộc đàm phán của Nhật Bản với Bắc Triều Tiên (cũng như Mỹ với Triều Tiên) hiện đang bế tắc. Mặt khác, mặc dù Nga bị coi là một kẻ thù nhưng không phải lúc nào cũng đúng. Trong nhiệm kỳ của mình, ông Abe đã đánh golf với ông Trump 5 lần, nhưng gặp mặt ông Putin tới 27 lần mà không có thỏa thuận nào xử lý ổn thỏa tranh chấp đảo Kuril.
Tàu ngầm hạt nhân Nga liên tục tuần tra quần đảo này. Với người Nga, việc giao đảo Kurill cho một đồng minh thân cận với Mỹ sẽ làm giảm an ninh của chính họ. Dù Thủ tướng Fumio Kishida trừng phạt Nga khi chiến tranh Nga - Ukraine nổ ra nhưng ông vẫn giữ nguyên quan hệ đối tác chiến lược với Nga trong vấn đề năng lượng. Các nhà đầu tư Nhật vẫn giữ cổ phần của họ trong công ty sản xuất và khai thác khí đốt ngoài khơi Sakhalin-2 của Nga. Nhật mua 60% trong số khí hóa lỏng mà công ty này sản xuất, đáp ứng 10% nhu cầu năng lượng của họ. Ông Kishida nhấn mạnh rằng các mỏ khí và dầu mỏ của Sakhalin-2 trên biển Okhotsk là đặc biệt quan trọng cho an ninh năng lượng của Nhật Bản.
Nguồn: [Link nguồn]
Từ ngày 1/8/1894 cho đến ngày 17/4/1895, nhà Thanh ở Trung Hoa đối đầu với đế quốc Nhật dưới thời Nhật Hoàng Minh Trị một lần nữa để tranh giành quyền kiểm soát bán đảo...