Vì sao Nhật Bản chọn Bộ trưởng Quốc phòng "rắn" với TQ?
Tân Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản có quan điểm hết sức cứng rắn và có xu hướng ủng hộ chính sách quân phiệt của Tokyo thời Thế chiến II.
Bà Inada là một người có quan điểm cứng rắn, thậm chí nhiều báo gọi là "diều hâu".
Bà Tomomi Inada mới đây đã được Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe giới thiệu vào thành phần nội các mới với vai trò Bộ trưởng Quốc phòng. Trái với nhiều suy nghĩ cho rằng nữ giới làm chính trị sẽ mềm mỏng và uyển chuyển, bà Tomomi Inada được xem là người có quan điểm cực kỳ cứng rắn với Hàn Quốc và Trung Quốc.
Lí do bà Tomomi Inada được chọn cũng nằm trong tính toán rất thận trọng của ông Shinzo Abe trong thời điểm khu vực Đông Á rất bất ổn.
Trước đây, bà Tomomi Inada, 57 tuổi từng phụ trách đơn vị cải tổ chính sách của ông Abe. Bà làm luật sư rồi sau đó tham gia chính trường và nhanh chóng được ông Abe tin dùng. Cũng giống như ông Abe, bà Tomomi Inada chia sẻ quan điểm về chính sách hậu chiến, muốn khôi phục lại sức mạnh quân sự vốn có của nước Nhật như hồi Thế chiến II.
Thủ tướng Shinzo Abe muốn sửa đổi Hiến pháp để khôi phục vị thế trước đây của nước Nhật.
Hiện nay, Nhật Bản không có quân đội thường trực mà chỉ tồn tại lực lượng phòng vệ thường trực. Theo Hiến pháp, Nhật không được sử dụng vũ lực trong tranh chấp quốc tế và bị giới hạn rất nhiều về chức năng của bộ binh, không quân và hải quân. Tuy nhiên, ông Abe đang rất tham vọng thay đổi Hiến pháp nếu được quốc hội thông qua và cuộc trưng cầu dân ý chấp thuận.
Bà Tomomi Inada ủng hộ chính sách của Abe và từng nhiều lần ghé thăm đền Yasukuni dành cho các tử sĩ Nhật Bản trong Thế chiến II. Trung Quốc và Hàn Quốc liên tục phản đối khi lãnh đạo cấp cao của Nhật tới thăm đền thờ này vì nhiều tướng tá tử trận ở đây bị coi là tội phạm chiến tranh. Ngoài ra, hành động này còn khơi gợi quá khứ đau buồn với Bắc Kinh và Seoul.
Tân Bộ trưởng Quốc phòng cũng thể hiện thái độ đồng tình với chủ nghĩa quân phiệt trong quá khứ của Nhật, một thời từng reo rắc tai ương lên Trung Quốc và Hàn Quốc với con số ước tính 10 triệu người Hoa thiệt mạng.
Quan hệ Nhật Bản và các nước còn lại trong khu vực Đông Á thường bị ảnh hưởng bởi di sản thời chiến mà quân đội phát xít Nhật để lại sau Thế chiến II.
“Mục tiêu chủ đạo bây giờ là tăng cường hợp tác giữa các quốc gia”, Jefferey Kingston, giám đốc trung tâm nghiên cứu châu Á thuộc đại học Temple Nhật Bản, nói. Tuy nhiên, Jefferey khẳng định nếu Bộ trưởng Quốc phòng tới thăm đền Yasukuni thì tình thế sẽ thay đổi hoàn toàn.
Bà Inada được Thủ tướng Abe tin dùng và có nhiều quan điểm trùng với người đứng đầu Nội các Nhật Bản.
Hiện nay, quan hệ Trung Quốc và Nhật Bản không chỉ căng thẳng ở mặt ngoại giao mà về tranh chấp lãnh thổ cũng gay gắt không kém. Quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) là tâm điểm của hai quốc gia. Nhật Bản rất cứng rắn trong việc điều tàu chiến và lực lượng bảo vệ tới khu vực đảo này. Năm 2012, Nhật Bản tuyên bố quốc hữu hóa quần đảo Senkaku và Bắc Kinh lên tiếng phản đối gay gắt động thái này.
Tình hình trên bán đảo Triều Tiên hiện nay cũng khiến bà Inada hết sức lo ngại. Sau khi nhậm chức ít giờ đồng hồ, Triều Tiên đã bắn một quả tên lửa đạn đạo và rơi ngay xuống vùng biển đặc quyền kinh tế của Tokyo. Hiện nay, Nhật Bản cũng nằm trong tầm bắn của tên lửa đạn đạo Triều Tiên và nếu xung đột xảy ra, hậu quả sẽ là rất khó lường.
Bà Inada là người phụ nữ thứ hai trở thành Bộ trưởng Quốc phòng. Trước đó, bà Yuriko Koike giữ chức này trong một thời gian ngắn năm 2007. Bà Yuriko vừa được bầu là thống đốc thành phố Tokyo.