Vì sao người xưa tôn thờ loài rắn?
Tục thờ rắn đã có từ cách đây hàng nghìn năm. Trong các nền văn hóa cổ đại, rắn được cho là loài vật linh thiêng, nắm giữ kiến thức, sức mạnh và năng lực tái sinh.
Loài rắn xuất hiện trong nhiều nền văn hóa cổ đại (ảnh: Live Science)
Loài rắn “linh thiêng”
Theo Live Science, rắn là một trong những loài vật được thờ phụng đầu tiên trên thế giới. Từ châu Á, châu Phi đến châu Âu, châu Mỹ, rắn được thần thánh hóa và đi vào thời sống tâm linh của con người cổ đại. Trong các tín ngưỡng, văn hóa, hình tượng loài rắn mang nhiều tầng ý nghĩa khác nhau, đôi khi đối lập nhau.
Theo HowStuffWorks, người xưa quan niệm rắn là biểu tượng cho cả giới tính nam và nữ, thiện và ác, âm và dương, nước và lửa, bảo hộ và hủy diệt, cái chết và sự tái sinh. Điều này xuất phát từ chính cái nhìn phức tạp của con người về loài rắn.
Đối với nhiều người, rắn là loài vật bí ẩn, đáng sợ, có nọc độc chết người. Nhưng với số còn lại, rắn là loài vật có ích: Rắn bắt chuột để bảo vệ mùa màng. Thịt rắn, mật rắn, da rắn, xác rắn lột còn có thể làm thuốc chữa bệnh.
Người Lưỡng Hà (vùng Tây Á) và người Semit (vùng Trung Đông) cổ đại tin rằng, rắn bất tử vì chúng có thể lột da vô tận và không bao giờ già đi. Người Sumer (sống ở khu vực là Iraq ngày nay) từng thờ phụng một vị thần rắn tên Ningishzida. Ông là thần của mùa màng và cây cỏ, của cái chết và sự tái sinh. Ningishzida có 2 con rắn mọc ở 2 bên vai.
Cuộc chiến của thần Ra và rắn Apep (ảnh: SCMP)
Ở châu Phi, rắn được thờ phụng ở nhiều quốc gia cổ đại, nổi bật nhất là Ai Cập – một trong những nền văn minh đầu tiên của loài người.
Theo Daily Mail, người Ai Cập cổ đại tôn thờ loài rắn, đặc biệt là rắn hổ mang. Trong các bức phù điêu cổ, thần Ra (vị thần mạnh mẽ nhất của người Ai Cập cổ đại) được mô tả là có thân người, đầu chim. Trên đỉnh đầu của thần Ra là hình ảnh mặt trời với một con rắn hổ mang đâm xuyên qua, tượng trưng cho sức mạnh, sự thông thái và khả năng chinh phục vạn vật.
Kẻ thù lớn nhất của thần Ra là Apep – con rắn khổng lồ, tượng trưng cho đêm tối và sự hỗn mang. Cuộc chiến giữa thần Ra và Apep lặp đi lặp lại mỗi ngày. Khi Apep bị đánh bại là lúc mặt trời ló rạng. Rắn Apep chỉ có thể bị đánh bại chứ không bao giờ chết, vì nó sở hữu sức mạnh của sự tái sinh.
Người Ai Cập cổ cũng tôn thờ Wadjet, nữ thần rắn hổ mang. Hàng nghìn năm về trước, trên những chiếc mũ, vương miện của pharaoh Ai Cập đều gắn hình rắn hổ mang bằng vàng, đá quý hoặc ngọc. Bằng cách này, các pharaoh tin rằng họ sẽ được nữ thần Wadjet bảo hộ và ban cho sự bất tử.
Ở châu Mỹ, thần rắn Kukulkan là một những vị thần tối cao của người Maya (nền văn minh xuất hiện cách đây khoảng 4.000 năm, ở khu vực Trung Mỹ). Theo quan niệm của người Maya cổ, Kukulkan mang hình dáng của một con rắn khổng lồ, có lông vũ.
Kukulkan là một trong 3 vị thần tối cao đã tạo ra Trái đất. Thần Kukulkan bảo hộ người Maya và cho dạy họ các kiến thức về nông nghiệp, y học.
Theo Live Science, cách đây hàng trăm năm trước, ở châu Âu, người dân tại một số quốc gia như Ba Lan, Đan Mạch, Anh cũng có tín ngưỡng thờ rắn gắn liền với các nghi lễ cúng tế thức ăn cho rắn. Sau này, do ảnh hưởng của Thiên Chúa giáo, tục thờ này đã biến mất.
Trong Kinh Thánh, rắn là loài vật tượng trưng cho sự xấu xa, hiểm độc. Con rắn đã dụ dỗ Eva ăn “trái cấm” khiến Adam và Eva (thủy tổ của loài người) bị đuổi khỏi vườn địa đàng.
Trong thần thoại Hy Lạp, Python và Typhon là 2 quái vật rắn mạnh nhất. Chỉ có các vị thần trên đỉnh Olympus mới đánh bại được chúng.
Phù điêu rắn thần Naga (ảnh: Howstuffworks)
Ở Ấn Độ và một số nước Đông Nam Á, rắn Naga là vị thần được tôn kính bậc nhất. Rắn Naga 9 đầu là vị thần bảo hộ Phật giáo, tượng trưng cho sức mạnh, sự sống và cả cái chết, theo Times of India.
Ở Ấn Độ, lễ hội Nag Panchami được tổ chức vào tháng 7 hoặc tháng 8 hàng năm. Lễ hội này là dịp để những người theo đạo Hindu bày tỏ sự tôn kính đối với loài rắn. Họ dâng lên đồ ăn và tắm cho rắn hổ mang bằng sữa tươi.
Tại sao loài rắn được tôn thờ?
Theo Live Science, rắn được con người tôn thờ vì chúng là loài vật bí ẩn và nguy hiểm bậc nhất tự nhiên.
Một số loài rắn sở hữu nọc độc cực kỳ đáng sợ, như rắn mamba đen, rắn hổ mang chúa (lượng nọc độc tiết ra trong mỗi cú cắn có thể giết chết 1 con voi). Một số loài rắn khác tuy không có nọc độc nhưng thân hình lại đặc biệt to lớn (ở Việt Nam gọi là trăn) có thể tấn công người trưởng thành, như trăn Ấn Độ, trăn Miến Điện, trăn Anaconda.
Theo Live Science, trong các câu chuyện thần thoại, loài rắn thường được miêu tả là có hình thù kỳ lạ, như rắn Naga (9 đầu), rắn Orochi (8 đầu), rắn Jormungandr (thân hình quấn vòng quanh Trái đất) và có sức mạnh to lớn. Thế nhưng, cách lý giải thuyết phục nhất về lý do người cổ đại tôn thờ loài rắn lại xuất phát từ chính hình dáng và các tập tính đặc trưng của loài vật này.
Ví dụ, hình dáng và lối di chuyển theo hình chữ S của loài rắn giống như những con sông hay mạch nước (nhìn từ trên cao). Loài rắn cũng bơi rất giỏi. Vì vậy, thổ dân châu Mỹ cho rằng rắn là hiện thân của thần sông, thần suối.
Loài rắn hổ mang khi tức giận thường phát ra tiếng rít “phì phì” trong miệng, nghe như tiếng gió lốc. Hình ảnh những tia chớp (dấu hiệu trước khi trời mưa lớn) cũng có những nét tương đồng với lưỡi rắn. Vì vậy, rắn được cho là hiện thân của thần mưa, thần gió – những yếu tố rất quan trọng trong sản xuất nông nghiệp.
Người thổi kèn điều khiển rắn hổ mang (ảnh: India Today)
Loài rắn thường đẻ trứng và khá mắn đẻ. Mỗi năm, rắn đẻ trung bình 15 – 20 quả trứng. Cá biệt có những loài đẻ 50 – 100 trứng như rắn hổ mang chúa, trăn gấm. Khi giao phối, 2 con rắn quấn lấy nhau và trình diễn “vũ điệu của loài rắn”. Một số loài rắn có tập tính giao phối tập thể (những con rắn đực cuộn tròn xung quanh con rắn cái để tìm cách giao phối). Theo Live Science, đây là cơ sở để người xưa liên tưởng đến các nghi lễ cầu thai và những vị thần bảo hộ cho sinh sản.
Loài rắn còn có tập tính lột da (do lớp da bên ngoài không phù hợp với kích cỡ mới). Người Hy Lạp, Ai Cập cổ tin rằng rắn là biểu trưng cho khả năng tái sinh, bất tử và luân hồi.
Trên thực tế, tuổi thọ của loài rắn là 15 – 30 năm. Tuy nhiên, bề ngoài của loài rắn hầu như không có dấu vết lão hóa. Người Ai Cập cổ tin rằng, không ai có thể nhìn thấy một con rắn chết vì tuổi già.
Đoạn clip ghi lại cảnh hàng trai đang chơi với một con rắn trong tình trạng say rượu. Nam thanh niên sau đó còn quấn nó quanh cổ và tay, thậm chí còn...
Nguồn: [Link nguồn]
-25/01/2025 14:21 PM (GMT+7)