Vì sao người Trung Quốc cần nghỉ Tết tới 7 ngày?
Kì nghỉ Tết Nguyên đán ở Trung Quốc hay còn gọi là Tuần lễ Vàng, thời điểm hàng triệu người dân về quê, đi du lịch trong và ngoài nước.
Người dân Trung Quốc thường được nghỉ 7 ngày dịp Tết Nguyên đán
Tết Nguyên đán của Trung Quốc, hay còn gọi là Lễ hội Mùa xuân, là dịp lễ quan trọng và phổ biến nhất ở Trung Quốc.
Các hoạt động ăn mừng Tết ở Trung Quốc thường kéo dài từ ngày 1.1 âm lịch đến ngày 15.1 âm lịch hàng năm. Đây là khoảng thời gian để đoàn tụ gia đình, thăm họ hàng, người thân và bạn bè cũng như chúc tụng năm mới.
Trong khi các quốc gia Hàn Quốc, Singapore chỉ nghỉ Tết khoảng 3-4 ngày, hầu hết người lao động Trung Quốc sẽ được nghỉ 7 ngày trong dịp Tết. Năm nay, lịch nghỉ chính thức của Trung Quốc là từ ngày 27.1 (tức 30 Tết) đến ngày 2.2 (mùng 6 Tết).
Kì nghỉ Tết Nguyên đán còn được gọi là kì nghỉ Tuần lễ vàng (Golden Week). Tuần lễ Vàng là tên được đặt cho một kỳ nghỉ lễ quốc gia kéo dài 7 ngày, bắt đầu được thực hiện từ năm 2000, theo trang Chinese Town.
Tuần lễ Vàng được khởi xướng nhằm mở rộng thị trường du lịch và kích thích tiêu dùng trong nước, cải thiện mức sống của người dân
Trung Quốc có hai Tuần lễ Vàng một năm: Tuần lễ Vàng Tết Nguyên đán và Tuần lễ vàng vào ngày Quốc khánh 1.10.
Kì nghỉ Tuần lễ Vàng luôn được sắp xếp để giúp lao động Trung Quốc được nghỉ liên tục 7 ngày.
Chính phủ Trung Quốc lần đầu khởi xướng Tuần lễ Vàng vào năm 1999, chủ yếu để giúp mở rộng thị trường du lịch và kích thích tiêu dùng trong nước, cải thiện mức sống của người dân. Trước năm 1999, vào ngày Quốc khánh Trung Quốc, người dân chỉ được nghỉ 1 ngày như nhiều quốc gia khác.
Ngoài ra, thời gian nghỉ lễ kéo dài cũng cho phép người dân Trung Quốc có thể về quê thăm gia đình kể cả khi ở xa. Ngày nay, có rất nhiều người dân Trung Quốc đi làm xa quê.
Ngoài ra, thời gian nghỉ lễ kéo dài cũng cho phép người dân Trung Quốc có thể về quê thăm gia đình kể cả khi ở xa
Du lịch là hoạt động phổ biến nhất trong dịp Tuần lễ Vàng ở Trung Quốc. Kỳ nghỉ kéo dài một tuần là thời gian hoàn hảo cho các chuyến du lịch gia đình, và số lượng khách du lịch tăng đáng kể mỗi năm.
Các thành phố lớn như Thượng Hải và Bắc Kinh là điểm đến du lịch đến phổ biến nhất, theo B2B International. Những điểm đến khác bao gồm Hàng Châu, Tây An, Hồng Kông và Hạ Môn.
Vào Tuần lễ vàng Quốc khánh đầu tiên năm 1999, khoảng 28 triệu người Trung Quốc đã đi du lịch. Năm 2007, con số này đã tăng lên đến hơn 120 triệu người.
Năm nay, chính quyền Trung Quốc ước tính sẽ có khoảng 2,5 tỷ chuyến đi đường bộ, 356 triệu chuyến đi đường sắt, 58 triệu chuyến đi đường không và 42 triệu chuyến đi đường biển trong khoảng thời gian từ ngày 13.1 đến 21.1, thời gian đón Tết âm lịch, theo CNN.
Tuần lễ Vàng dịp Tết Nguyên đán Trung Quốc được nhiều báo gọi là cuộc "đại di cư" lớn nhất thế giới
Trong khi hàng triệu người đều đi du lịch, cảnh tượng đông đúc thậm chí chen chúc được nhìn thấy gần như ở khắp mọi nơi. Do đó, Tuần lễ Vàng đã trở thành một sự hỗn loạn của “núi người, biển người”, đặt một gánh nặng lớn lên giao thông đường bộ và đường sắt của Trung Quốc. Kết quả là, ngày càng nhiều người Trung Quốc ra nước ngoài vào dịp Tuần lễ Vàng Quốc khánh hoặc năm mới để tránh ách tắc và trì hoãn trong nước.
Ban đầu, người Trung Quốc hầu hết chỉ chọn các nước lân cận như Thái Lan, Hàn Quốc và Nhật Bản. Ngày nay, khách du lịch Trung Quốc giàu có quan tâm nhiều hơn đến các điểm đến ngoài châu Á. Mỹ, Úc và châu Âu đều đón rất nhiều khách Trung Quốc trong mỗi dịp Tuần lễ vàng.
Do sự phát triển rộng khắp của giới giàu Trung Quốc với niềm đam mê “hàng hiệu”, khách du lịch nước này thường tiêu khá nhiều tiền trong các chuyến đi nước ngoài của họ. Vì thế, Tuần lễ Vàng không chỉ là một kỳ nghỉ Trung Quốc, mà còn là cơ hội vàng cho ngành du lịch và công nghiệp bán lẻ toàn cầu, theo trang Attract China.