Vì sao người Mỹ không còn “mặn mà” với các lệnh trừng phạt Nga?
Người Mỹ có xu hướng giảm sự ủng hộ đối với các lệnh trừng phạt Nga liên quan chiến dịch quân sự của nước này tại Ukraine.
Đây là kết quả cuộc thăm dò mới nhất do Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề cộng đồng của hãng tin AP (AP-NORC) thực hiện. Cuộc thăm dò của AP-NORC được thực hiện đối với 1.172 người Mỹ trưởng thành trong khoảng thời gian từ ngày 12-16/5.
Trong đó, nếu như tháng 3 vừa qua - ngay sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự tại Ukraine, đa số người dân Mỹ (55%) được khảo sát ủng hộ trừng phạt Nga, thì ở thời điểm hiện tại, tỷ lệ này là 45%.
Ngoài ra, 51% số người được hỏi cho rằng chính phủ nên ưu tiên giảm thiểu các thiệt hại cho nền kinh tế trong khi cân nhắc những lệnh trừng phạt.
Giá nhiên liệu tăng, tắc nghẽn chuỗi cung ứng, lạm phát hậu đại dịch... đang ảnh hưởng nặng nề tới hầu bao của người Mỹ
Ngoài ra, số ý kiến ủng hộ Mỹ giữ vai trò vừa phải trong cuộc xung đột này là 49%, cao hơn đáng kể so với tỷ lệ 32% ủng hộ Washington đóng vai trò lớn hơn.
Kết quả cho thấy sự thay đổi trong quan điểm của người dân Mỹ về vấn đề trừng phạt Nga do chính các biện pháp này đang khiến giá cả tăng cao ảnh hưởng đến cuộc sống của các hộ gia đình.
Chưa kể, chi phí nhiên liệu, khí đốt và các nhu yếu phẩm khác leo thang ảnh hưởng tới tâm lý e dè khi đề cập vấn đề hỗ trợ tài chính cho Ukraine.
Giới quan sát cho rằng đây có thể là một dấu hiệu đáng lo ngại đối với Tổng thống Joe Biden khi ông vừa thông qua khoản tài trợ bổ sung 40 tỷ USD cho Ukraine, trong đó bao gồm cả khí tài và tài chính.
“Chúng ta đang tự hại mình” – bà Jeanette Ellis-Carter, một kế toán đã về hưu sống cùng chồng tại Cincinnati, bang Ohio nói.
Theo bà, chúng ta có thể giúp đỡ người khác nhưng trong lúc đó, chúng ta cũng phải biết làm cách nào để giúp chính bản thân mình. Nhưng nước Mỹ hiện tại không như vậy”, bà nói.
Bà Ellis-Carter đã 70 tuổi nhưng vẫn tiếp tục làm việc thêm cho các công ty nhỏ để kiếm thêm thu nhập. Song, nay bà mất dần việc vì những công ty nhỏ không còn đủ khả năng chi trả, chưa kể lạm phát hằng năm tăng 8% ảnh hưởng tới chi phí chăm sóc sức khoẻ và thực phẩm.
Cô Angelica Christensen, 33 tuổi đến từ New York cho biết: “Đôi khi chúng tôi tham gia vào những việc thực sự không nên và hành động như vậy chỉ càng làm mọi thứ tồi tệ”. “Việc cần làm lúc này là tập trung vào xây dựng kinh tế”, Christensen nhấn mạnh.
Bà Jackie Perry, 62 tuổi, sống tại Center (bang Alabama) cũng cho rằng Nhà Trắng cần tập trung nhiều hơn vào phát triển kinh tế. Bản thân bà hiện giờ phải hạn chế sử dụng xe cá nhân vì xăng quá đắt.
Hiện nay, Mỹ và các đồng minh châu Âu đã áp nhiều vòng trừng phạt với Nga, loại các ngân hàng Nga khỏi các giao dịch quốc tế và áp cấm vận trực tiếp với Tổng thống Nga Vladimir Putin, các lãnh đạo cấp cao và gia đình họ.
Mỹ cũng cấm nhập khẩu dầu thô từ Nga. Tuy dầu thô Nga chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng nhập khẩu năng lượng Mỹ nhưng lệnh cấm được công bố đúng lúc giá khí đốt tăng vọt trong nhiều tháng qua.
Chưa kể, những vấn đề về chuỗi cung ứng, nhu cầu kinh tế cao hậu đại dịch càng đẩy giá cả leo thang.
Theo chủ tịch Ủy ban châu Âu, việc các nước EU tiếp tục mua dầu và khí đốt của Nga là để ngăn Moscow thu được nhiều tiền hơn trong giai đoạn trước mắt.
Nguồn: [Link nguồn]