Vì sao người cứu người đuối nước lại dễ gặp nguy hiểm?

Sự kiện: Hỏi - Đáp

Có nhiều trường hợp người cứu nạn nhân đuối nước lại là người tử vong và tình trạng này phổ biến đến mức nó được đặt tên là hội chứng AVIR. Vì sao như vậy và khi gặp tình huống này thì cần làm gì? Mời độc giả cùng trả lời câu hỏi bằng cách ấn vào phần màu xanh dưới ảnh. Câu trả lời tham khảo sẽ có vào lúc 15h.

CÂU TRẢ LỜI CHÍNH XÁC

Theo trang Gizmodo, khi bị đuối nước, một người sẽ hoảng loạn và theo bản năng, người đó sẽ bám vào bất cứ thứ gì để có thể nổi trên mặt nước. Vì vậy, khi không có kinh nghiệm xử lý, người cứu sẽ bơi tới chỗ nạn nhân và rất dễ bị nạn nhân ôm chặt hoặc dìm xuống theo bản năng sinh tồn. Khả năng người cứu tử vong là rất cao vì khi đó đã thấm mệt hoặc tay chân bị giữ chặt do nạn nhân bám víu.

Nếu phát hiện ai đó bị đuối nước, hầu hết người có kinh nghiệm đều khuyên rằng, nên tìm một thứ gì đó có thể nổi được và ném về phía nạn nhân.

Việc chủ động nhảy xuống nước, bơi về phía nạn nhân và cố túm lấy người này là rất nguy hiểm, ngay cả với người cứu hộ chuyên nghiệp. Đó là lí do vì sao các nhân viên cứu hộ thường mang theo một chiếc phao mà không cần thêm bất cứ phụ kiện nào khác. Cứu người đuối nước, điều tốt nhất nên làm là ném cho họ một vật có thể nổi để họ bám được vào đó.

Trong trường hợp nạn nhân ở xa, không thể ném vật thể nổi tới chỗ người đó, người cứu hộ nên mang theo vật thể nổi bên người, bơi gần tới chỗ nạn nhân rồi đưa cho họ. 

Trong trường hợp bị nạn nhân túm chặt và dìm xuống: Nếu có thể, người cứu cố gắng hít một hơi sâu (trước khi bị dìm xuống) và không nên cố vùng vẫy mà nên thả lỏng người cho cả hai cùng chìm xuống. Khi đó, người đuối nước thấy bị chìm, theo bản năng, sẽ không túm lấy người cứu. 

B. Chris Brewster, chuyên gia về cứu hộ người Mỹ, cho biết: "Những gì người cứu hộ cần làm là tránh tiếp xúc trực tiếp với nạn nhân vì tiếp xúc lúc đó gần như là tự tìm tới cái chết". 

Theo LiveScience, nếu không có phao cứu sinh để ném xuống cho người dưới nước, người cứu hộ có thể tận dụng bất cứ thứ gì có thể nổi.

Một số bước mà Hiệp hội Bơi lội học đường Mỹ khuyến cáo khi cứu người đang bị đuối nước:

1. "Hãy ném, đừng nhảy": Không nên vội vàng lao ngay xuống nước để cứu nạn nhân vì khi đó, người đuối nước có thể đang rất hoảng loạn và sẽ vô tình túm và ấn người cứu xuống nước để nạn nhân có thể nổi lên. Đây là hành động theo bản năng sinh tồn. Vì vậy, thay vì nhảy xuống cứu người, hãy ném một vật gì đó như áo phao, phao, dây thừng, khăn tắm, thau nhựa... để giúp nạn nhân có thể nổi được.

2. "Giúp từ phía sau": Như đã nói, khi người bị đuối nước nhìn thấy ai đó bơi về phía mình, người này có thể túm chặt và vô tình dìm người cứu hộ xuống nước. Vì vậy, hãy tiếp cận ra phía sau nạn nhân để đảm bảo an toàn cho bản thân.  

3. Sử dụng áo phao: Trong trường hợp bất khả kháng phải xuống nước cứu người, người cứu hộ nếu có thể hãy mặc áo phao, để tránh trường hợp bị nạn nhân dìm xuống nước. Áo phao rất cần thiết khi tham gia cứu hộ ở vùng nước có sóng lớn, nước chảy xiết. 

Mời độc giả bấm vào đây để trả lời câu hỏi

TRẢ LỜI CỦA BẠN ĐỌC 20
Ken

Năm mình học lớp 8 khi đó chưa biết bơi, lúc đi chăn trâu tắm suối bị tụi lớn hơn nó trêu nó kéo ra xa và cho nằm lên khúc gỗ nhưng không may khúc gỗ bị lật mình chới với thì có mấy thằng bơi ra cứu, lúc ấy trong đầu hoảng loạn và sợ vì không đứng được và không thở được nên thằng đầu tiên chạm vào người mình thì mình đã ôm chặt cổ nó và nó cũng không bơi được mặc dù nó lơn hơn mình 4 tuổi (nó cũng là thằng kéo mình ra chỗ sâu mặc dù mình ko muốn). May có mấy thằng khác bơi ra đẩy 2 thằng vào bờ. Sau này mình học bơi và biết bơi thì mình biết được 1 điều là khi có người cứu mình thì cứ thả lỏng người họ sẽ cứu được mình và cũng có 1 kinh nghiệm nữa là nếu thấy người đuối nước mà họ không biết bơi thì bạn không nên tiếp cận. 1 là bạn để họ vùng vẫy 1 lúc họ mệt lúc đó bạn mới tiếp cận thì vẫn cứu được, 2 là bạn nên lấy 1 cành cây hay cái gì đó cứng và đủ dài khoảng 1-2m và đưa cây đó cho người đuối nước bản năng họ sẽ tự nắm lấy cái cây và bạn kéo vào bờ, nếu không thì sẽ dễ "toang" cả 2.

Văn Biển

Nhớ lần đó là lớp 9-10 gì đó, đi bơi cùng mấy đứa em trong làng ở ao đình. Khi mình bơi ra xa, một cậu em hỏi chỗ đó có sâu không. Mình bảo không, thực tế là có sâu và mình chỉ định trêu cậu em. Nhưng đó suýt nữa là trải nghiệm chết người và mình là nạn nhân. Cậu em bơi ra và bị hụt chân vì nước sâu. Sặc nước càng khiến nó sợ và chới với giữa ao. Mình bơi ra túm nó vào thì bị nó ôm chặt, ấn mình xuống nước. Lúc đó mình chưa có kinh nghiệm gì. Nó ấn mình xuống thì vừa may chân mình chạm đáy. Thằng em đạp vào người mình và quẫy được vào chỗ nước nông. Mình thì theo bản năng sinh tồn, thả lỏng người sau đó người tự nổi lên trên mặt nước. Mình biết bơi nên có thể "đứng trong nước" và kịp ngửa mặt lên thở. Sau đó, bơi vào bờ. Mình chia sẻ hy vọng mọi người đọc được và có thể tự cứu mình.

Đạt Quốc

Không phải biết bơi là cứu người đuối nước được. Mình cứu rất nhiều người: thứ 1 bạn phải biết các kiểu bơi để cứu. Thứ 2 bạn phải biết là trong quá trình cứu lỡ bị người đuối ôm chặt bạn thì bạn phải làm thế nào để thoát ra.... ( Lặn là một kĩ năng giúp bạn cứu người đuối nước rất thành công, khi bạn bị người đuối ôm chặt thì bạn bạn phải dùng sức để lặn, lặn càn sâu người ta mới thả tay ra, chứ bạn cố gỡ tay người ta thì chết cùng là cái chắc).

Lê Văn Tín

Khi xuống sông, người cứu bơi ra phía sau nạn nhân, sau đó kẹp tay vào cổ nạn nhân mà bơi và kéo vào bờ

Nếu có câu hỏi cần giải đáp, mời độc giả gửi tại đây

Nguồn: [Link nguồn]

Vì sao ”bám càng” máy bay dễ dẫn đến bi kịch thương tâm?

Thế giới từng có một thiếu niên sống sót khi trốn trong buồng càng máy bay suốt hành trình dài hơn 6.400 km, nhưng đó chỉ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thái - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Hỏi - Đáp Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN