Vì sao Nga thường mất máy bay ném bom Su-34 tại chiến trường Ukraine?
Máy bay ném bom Su-34 đã trở thành một phần quan trọng của Không quân Nga trong các hoạt động quân sự đang diễn ra tại Ukraine, vì thế sự tổn thất loại máy bay này tác động đặc biệt lớn đối với lực lượng Nga.
Theo trang Bulgarian Military, khi xung đột Nga-Ukraine diễn biến khó lường, vai trò của máy bay ném bom Su-34 của Nga trong việc tiến hành các cuộc không kích phức tạp và hỗ trợ các cuộc tấn công đã được chứng minh là rất quan trọng, do đó sự tổn thất của máy bay này có tác động đặc biệt lớn đối với Không quân Nga.
Su-34 – vũ khí quan trọng của Không quân Nga
Theo các nguồn tin quân sự Ukraine và các nhà phân tích quốc phòng, kể từ khi xung đột nổ ra vào tháng 2- 2022, Không quân Nga được cho đã mất khoảng 35 máy bay ném bom Su-34 tính đến tháng 10-2024. Con số này phản ánh sự tổn thất đáng kể về năng lực trên không của Nga, vì Su-34 ban đầu là một trong những máy bay chiến đấu hiện đại có số lượng nhiều nhất trong kho vũ khí của Nga.
Máy bay ném bom Su-34 của Nga. Ảnh: The National Interest
Sự tiêu hao liên tục những chiếc oanh tạc cơ này nhấn mạnh những thách thức mà Không quân Nga phải đối mặt trong việc duy trì ưu thế trên không, trong bối cảnh hệ thống phòng không của Ukraine được tăng cường và các phản ứng chiến thuật được cải thiện.
Su-34 là máy bay tiêm kích bom hai chỗ ngồi, hai động cơ, đã trở thành một phần quan trọng của Không quân Nga trong các hoạt động quân sự đang diễn ra tại Ukraine. Su-34 được thiết kế cho nhiều nhiệm vụ khác nhau, bao gồm các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu trên mặt đất và yểm trợ hỏa lực tầm gần cho các lực lượng mặt đất.
Nhờ vào hệ thống điện tử hàng không và vũ khí tiên tiến, máy bay ném bom Su-34 có thể thực hiện các hoạt động này một cách hiệu quả, đem lại lợi thế chiến thuật đáng kể trên chiến trường.
Các thông số kỹ thuật của máy bay ném bom Su-34 nêu bật cả điểm mạnh và điểm yếu của máy bay này. Với chiều dài khoảng 22 m và sải cánh 14,7 m, Su-34 được trang bị hai động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt AL-31F, và mỗi động cơ tạo ra lực đẩy khoảng 12.500 kgf.
Su-34 sở hữu hệ thống điều khiển bay tiên tiến, bao gồm công nghệ điều khiển điện tử (fly-by-wire), giúp tăng cường khả năng cơ động.
Bộ cảm biến của máy bay ném bom Su-34 gồm radar Phazotron N035 Irbis-E, có khả năng phát hiện mục tiêu ở tầm xa và theo dõi nhiều mục tiêu cùng lúc. Máy bay có thể mang nhiều loại vũ khí, trong đó có bom dẫn đường chính xác, tên lửa và rocket, giúp tán rộng khả năng tấn công. Với bán kính chiến đấu khoảng 1.500 km, Su-34 rất phù hợp cho các nhiệm vụ tấn công sâu, nhưng điều này cũng khiến nó phải đối mặt nhiều rủi ro khi nằm trong phạm vi phòng không của đối phương.
Vì sao Su-34 gặp khó trước hệ thống phòng không Ukraine?
Lực lượng Ukraine đã đối phó hiệu quả mối đe dọa từ máy bay ném bom Su-34 bằng kết hợp giữa các hệ thống phòng không thời Liên Xô và phương Tây. Đáng chú ý trong số này là hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot do Mỹ cung cấp và Hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến quốc gia (NASAMS) của Na Uy – những vũ khí đóng vai trò then chốt trong việc cung cấp phòng không nhiều lớp.
Máy bay ném bom Su-34 bị bắn hạ. Ảnh: Defense Express
Bên cạnh đó, Ukraine vẫn vận hành các hệ thống cũ có từ thời Liên Xô như tên lửa S-300 và Buk, tiếp tục gây ra mối đe dọa đáng kể cho máy bay Nga. Mạng lưới phòng không đa diện này cho phép Ukraine tiêu diệt các mối đe dọa đang đến với các mức độ tinh vi khác nhau, làm phức tạp thêm môi trường hoạt động của Không quân Nga.
Bối cảnh chiến thuật ở Ukraine đã dẫn đến tình huống máy bay ném bom Su-34 - mặc dù có khả năng đáng gờm – nhưng cũng trở nên dễ bị tấn công. Chiến thuật tác chiến của Su-34 - thường bay ở độ cao thấp hơn để tránh bị radar phát hiện - khiến nó dễ bị các hệ thống tên lửa tiên tiến của Ukraine nhắm mục tiêu. Cách tiếp cận tác chiến này khiến Su-34 dễ trở thành con mồi hơn, đặc biệt là khi so sánh với tiêm kích Su-35 nhanh nhẹn hơn, kết hợp khả năng né tránh vượt trội thông qua các hệ thống tác chiến điện tử tiên tiến và khí động học được cải thiện.
Một trong những vấn đề cơ bản trong thiết kế của Su-34 là trong khi máy bay này có khả năng tải trọng mạnh mẽ và có thể thực hiện các cuộc tấn công chính xác thì nó lại thiếu các tính năng tàng hình tiên tiến và các biện pháp đối phó mà không chiến hiện đại đòi hỏi. Tiết diện radar khiến Su-34 dễ bị các hệ thống phòng không của Ukraine phát hiện hơn, đặc biệt là khi máy bay hoạt động trong môi trường có phạm vi phủ sóng radar dày đặc.
Không giống như Su-35 – vốn sử dụng một loạt các chiến thuật tác chiến điện tử tiên tiến và có sự nhanh nhẹn vượt trội, Su-34 gặp khó khăn trong việc thực hiện các động tác né tránh hiệu quả khi đã giao chiến.
Việc phân tích khả năng cơ động chiến đấu trên không của Su-34 phơi bày lý do vì sao tiêm kích bom này gặp khó khăn trước hệ thống phòng thủ của Ukraine. Trong khi các máy bay như Su-27 và Su-30 được thiết kế với khả năng nhanh nhẹn và được trang bị cho không chiến, thì thiết kế của Su-34 ưu tiên khả năng mang tải trọng và khả năng tấn công hơn là khả năng cơ động.
Tên lửa Buk-M1 có từ thời Liên Xô. Ảnh: RIA Novosti
Điều này khiến việc thực hiện các động tác né tránh trở nên không thuận lợi, đặc biệt khi đang bị tấn công. Ngược lại, khả năng của Su-35 cho phép nó tham gia chiến đấu không đối không trong khi tránh các mối đe dọa trên mặt đất hiệu quả hơn. Điều này cho thấy sự khác biệt trong triết lý thiết kế và như vậy đã khiến Su-34 gặp bất lợi trong cuộc xung đột hiện tại.
Hơn nữa, chiến lược hoạt động của Su-34 thường liên quan đến các mô hình bay có thể dự đoán được mà các đơn vị phòng không Ukraine có thể khai thác. Hiệu quả của các hệ thống phòng không tích hợp của Ukraine đồng nghĩa với việc thậm chí những sai lệch nhỏ so với các đường bay đã thiết lập cũng có thể dẫn đến hậu quả tàn khốc. Các hệ thống tên lửa Ukraine có khả năng nhắm mục tiêu và theo dõi tiên tiến khiến Su-34 khi được triển khai trong các tình huống chiến đấu mật độ cao thường không thể phản ứng đủ nhanh để tránh các mối đe dọa đang lao đến.
Sự phức tạp của chiến tranh trên không hiện đại đòi hỏi khả năng thích ứng và những tổn thất đang xảy ra tô đậm sự cần thiết của Không quân Nga trong việc đánh giá lại các chiến thuật tác chiến và vai trò của Su-34 trong các kịch bản chiến đấu trong tương lai. Những bài học đúc kết từ các cuộc giao tranh có thể sẽ định hình tương lai của chiến lược chiến đấu trên không cho cả lực lượng Nga và Ukraine.
Thông tin chiến đấu cơ Su-34 bị rơi ban đầu do một lính dù Nga đăng tải trên mạng xã hội Telegram.
Nguồn: [Link nguồn]