Vì sao Nga đưa dàn tàu chiến hùng hậu đến Syria lúc “nước sôi lửa bỏng”?
Sự hiện diện của 25 tàu chiến Nga và hàng chục máy bay gần Syria diễn ra đúng vào lúc quân đội Syria và Nga mở đợt không kích dữ dội ở tỉnh Idlib – thành trì cuối cùng của phiến quân nổi dậy.
Nga đang tập trung lượng lớn tàu chiến gần Syria.
Theo nhận định của các chuyên gia trên tạp chí National Interest, Nga có nhiều lý do để huy động đội tàu chiến và máy bay hùng hậu tập kết ở ngoài khơi Syria vào thời điểm này.
Các tàu chiến Nga tiến vào Địa Trung Hải ra không lâu sau khi Mỹ và các đồng minh đe dọa dùng vũ lực nhằm vào quân đội Syria, vì lo ngại nguy cơ vũ khí hóa học được sử dụng ở tỉnh Idlib. Hôm 4.9, các chiến đấu cơ Nga và Syria đã bắt đầu đợt không kích dữ dội nhằm vào các mục tiêu của phiến quân. Đây được coi là động thái dọn đường để quân đội Syria tiến vào Idlib.
“Tôi nghi ngờ về một sự phô diễn sức mạnh ở đây, chứ không đơn thuần là nhằm hỗ trợ chiến dịch ở Idlib”, Michael Kofman, chuyên gia tại Trung tâm Wilson ở Washington, Mỹ, nhận định. “Có thể người Nga đang có ý định phô diễn hỏa lực quy mô lớn kết hợp với cuộc tập trận tác chiến”.
Đánh giá quy mô của hạm đội Nga được điều đến Syria lần này, bao gồm tàu khu trục, khinh hạm, tàu ngầm và một số tàu mang tên lửa hành trình Kalibr, giới chuyên gia cho rằng Nga đang muốn mở rộng sự hiện diện tại quân cảng Tartus.
Tàu chiến Nga đã nhiều lần phóng tên lửa hành trình Kalibr từ Địa Trung Hải.
“Đây có thể là sự khởi đầu để Nga duy trì thường trực một hạm đội lớn ở Syria”, chuyên gia Kerim Has ở Moscow nhận định. “Tôi nhận thấy Nga đang mở rộng quân cảng Tartus”.
Một lý do khác cho sự hiện diện của hàng chục tàu chiến Nga là nhằm răn đe việc Mỹ tấn công quân đội chính phủ Syria. “Nga muốn tạo một lá chắn bằng hải quân và không quân để đối phó với bất kỳ cuộc tấn công nào từ Mỹ và đồng minh trong khu vực”, chuyên gia Has nói thêm.
Timur Akhmetov, nhà nghiên cứu Trung Đông tại Hội đồng Các vấn đề Quốc tế Nga, cho rằng các tàu chiến Nga thể hiện sự nghiêm túc của Moscow trong việc ngăn phương Tây can thiệp vào tình hình Syria. “Bằng cách này, phương Tây rõ ràng đang phải nhún nhường, không ưu tiên sử dụng vũ lực như trước”.
“Điều này củng cố tuyên bố của giới chức Nga rằng hành động quân sự của phương Tây đều sẽ bị đáp trả tương xứng”, ông Akhmetov nói.
Các tàu chiến thuộc Hạm đội Biển Đen của Nga.
Chuyên gia Kofman cảnh báo rằng, các tàu chiến Nga có thể không đơn thuần hiện diện gần Syria và sau đó trở về một cách bình thường. “Tôi muốn nhắc lại việc Nga dồn dập nã tên lửa vào các mục tiêu khủng bố ở Idlib hồi tháng 9.2019, đúng vào lúc diễn ra cuộc tập trận Zapad”.
“Điều đó nghĩa là các tàu chiến Nga trang bị tên lửa hành trình Kalibr đã sẵn sàng yểm trợ quân đội chính phủ Syria trong chiến dịch giải phóng tỉnh Idlib”.
Đa số các chuyên gia đều đồng tình rằng, các tàu chiến Nga vẫn sẽ ở lại Syria sau khi tập trận kết thúc. Bởi đây là cơ hội để Nga thử các vũ khí mới trong môi trường tác chiến thực tế.
“Điều quan trọng là Nga cần phô diễn sức mạnh quân sự ở nước ngoài để tăng cường uy tín”, chuyên gia Has nói. “Vũ khí Nga hoạt động hiệu quả trong môi trường tác chiến thực tế sẽ là cơ hội để Nga chào bán được nhiều vũ khí hơn nữa, không chỉ là tên lửa S-400 mà còn có thể là máy bay chiến đấu, tàu chiến do Nga sản xuất”.
Các chiến đấu cơ Nga đã dội bom vào thành phố Idlib, nơi được coi là thành trì cuối cùng của phiến quân nổi dậy ở...