Vì sao Nga đột ngột giảm thêm nguồn cung khí đốt cho châu Âu?

Sự kiện: Tin tức Nga

Ngay trước khi các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) nhóm họp để thảo luận về kế hoạch tiết kiệm khí đốt nhằm hạn chế phụ thuộc vào Nga, Moscow đã thông báo cắt giảm thêm một nửa nguồn cung qua đường ống Nord Stream 1.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đề xuất các nước thành viên EU giảm 15% mức sử dụng khí đốt.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đề xuất các nước thành viên EU giảm 15% mức sử dụng khí đốt.

Các bộ trưởng năng lượng EU sẽ nhóm họp trong ngày 26.7, nhằm tìm ra tiếng nói chung cho đề xuất mỗi nước thành viên giảm 15% mức sử dụng khí đốt. EU lo ngại rằng Nga sẽ có thể tạo ra những sự thiếu hụt nguồn cung khí đốt vào mùa đông, thời điểm EU rất cần khí đốt để phục vụ sưởi ấm và cung cấp điện.

Nhưng khi các thành viên EU còn chưa tìm được tiếng nói chung, Nga đã có động thái trước. Hôm 25.7, tập đoàn năng lượng Nga Gazprom thông báo giảm nguồn cung khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 xuống còn 20% so với mức 40% được duy trì kể từ giữa tháng 6.

Lý do mà Gazprom đưa ra là có thêm một tuabin khí cần phải ngừng hoạt động để bảo trì. Quá trình bảo trì thông thường kéo dài 3 tháng và được thực hiện ở Canada.

Theo báo Mỹ New York Times, động thái này của Nga một lần cho thấy sự khó lường và phản ánh sức mạnh của Nga trong việc gây ra những khó khăn cho EU về năng lượng.

Sau tuyên bố của Gazprom, Bộ Kinh tế Đức cho biết: “Theo thông tin của chúng tôi, không có vấn đề kỹ thuật khiến nguồn cung khí đốt tiếp tục bị cắt giảm”.

Tuần trước, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), Ursula von der Leyen nói: “Nga đang cố gắng làm khó EU trong mùa đông năm nay”. Bà Leyen là người đề xuất các nước thành viên giảm 15% mức sử dụng khí đốt, giúp EU có sự chuẩn bị tốt hơn, tích trữ thêm khí đốt trước mùa đông.

“Diễn biến mới đúng như bà Leyen đã đề cập vào tuần trước”, phát ngôn viên của Chủ tịch EC nói ngày 25.7. “Đúng như chúng tôi đã phân tích”.

Theo New York Times, Nga có thể dễ dàng cắt giảm nguồn cung khí đốt, nhưng để EU đạt thỏa thuận về việc cắt giảm sử dụng khí đốt là điều không hề dễ dàng, thậm chí còn gây tranh cãi giữa các nước thành viên.

Những quốc gia không phụ thuộc lớn vào khí đốt Nga như Hy lạp và Tây Ban Nha đã bày tỏ sự bất bình khi EU yêu cầu người dân và doanh nghiệp hai nước này cũng phải cắt giảm sử dụng khí đốt tương tự như ở Đức. Hôm 25.7, sau tuyên bố của Gazprom, giá khí đốt ở châu Âu đã tăng thêm 12%. 

Việc nga cắt giảm thêm nguồn cung một lần nữa cho thấy 27 nước thành viên EU dễ tổn thương ra sao về năng lượng và điều quan trọng là EU cần sớm tìm ra giải pháp lâu dài, Simone Tagliapietra, thành viên cấp cao tại Bruegel, viện nghiên cứu có trụ sở tại Brussels, Bỉ, nói.

Một cơ sở lưu giữ khí đốt ở Đức.

Một cơ sở lưu giữ khí đốt ở Đức.

“Tuyên bố của Gazprom không gây bất ngờ”, ông Tagliapietra nói, theo New York Times. “Nga đang có toan tính chiến lược. Bằng cách điều chỉnh nguồn cung thay vì ngừng cấp khí đốt hoàn toàn, Nga muốn thao túng thị trường khí đốt châu Âu và tạo ra ảnh hưởng lớn nhất đối với tình hình địa chính trị”.

Các kho dự trữ khí đốt ở châu Âu lẽ ra đã phải được lấp đầy vào thời điểm này trong năm, nhưng mức dự trữ đang ở mức thấp, khiến cả châu lục đối mặt nguy cơ thiếu khí đốt gây ảnh hưởng đến các ngành công ngiệp và đời sống của người dân vào mùa đông.

Hôm 25.7, người đứng đầu Cơ quan quản lý năng lượng của Đức Klaus Müller nói Berlin đạt mức dự trữ khí đốt 69,5%, có thể đạt mục tiêu nâng lên 75% vào đầu tháng 9. Nhưng với tuyên bố mới của Gazprom, mục tiêu này đang bị đặt dấu hỏi lớn.

Theo New York Times, một số nước thành viên châu Âu có thể phủ quyết đề xuất cắt giảm sử dụng khí đốt. Khác với các lệnh trừng phạt, đề xuất sẽ có hiệu lực nếu được ít nhất 15 nước thông qua.

EC cũng muốn được giao trách nhiệm tuyên bố tình trạng khẩn cấp về năng lượng nếu trữ lượng khí đốt giảm xuống dưới một mức nhất định. Điều này gây tranh cãi trong nội bộ EU.

Hôm 25.7, Pháp là quốc gia mới nhất lên tiếng phản đối kế hoạch cắt giảm khí đốt của EC. Giới chức Pháp cho rằng, các mục tiêu về khí đốt trong tương lai của EU cần đặc biệt lưu ý tới năng lực của mỗi quốc gia.

CH Czech, nước giữ ghế Chủ tịch luân phiên của Hội đồng EU, đề xuất yêu cầu chính phủ các quốc gia EU, chứ không phải EC, chịu trách nhiệm đưa ra mục tiêu ràng buộc về khí đốt.

Một nước thành viên EU khác là Hungary còn tuyên bố không có ý định cắt giảm sử dụng khí đốt từ tháng tới. Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Péter Szijjártó tuần trước đã tới Moscow để đàm phán mua thêm 700 triệu m3 khí đốt của Nga khi còn có thể.

Ngoại trưởng Hungary: EU “không nên che giấu sự thật” về khí đốt Nga

Liên minh châu Âu (EU) nên trung thực với tình hình thực tế về nguồn cung cấp khí đốt từ Nga, thay vì coi đây là vấn đề địa chính trị, Ngoại trưởng Hungary, Peter Szijjarto nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - New York Times ([Tên nguồn])
Tin tức Nga Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN