Vì sao New York có tỷ lệ tử vong và số ca nhiễm Covid-19 cao nhất ở Mỹ?
Bang New York của Mỹ cuối tuần qua đã chạm tới cột mốc đáng quên trong đại dịch Covid-19: Tổng số ca nhiễm của bang nhiều hơn bất cứ quốc gia nào trên thế giới, trừ Mỹ.
Theo CNN, tổng số ca nhiễm Covid-19 của bang New York, tính tới ngày 11/4, là 181.026, vượt xa so với Tây Ban Nha (161.852) và Italia (152.271) - 2 quốc gia có dân số lớn hơn nhiều lần so với bang của Mỹ. Tính tới ngày 13/4 vị trí này vẫn không thay đổi: Bang New York (188.694 ca - nguồn NY Times), Tây Ban Nha (hơn 166.000 ca - nguồn Sky News) và Italia (156.363 ca).
Dịch Covid-19 cũng đang cướp sinh mạng của nhiều người dân New York. Trong tổng số hơn 20.000 ca tử vong (tính tới hết ngày 11/4), bang New York có 8.627 ca, chiếm 42%. Tỷ lệ tử vong của New York là 4,7% so với mức trung bình 3,4% ở các khu vực còn lại trên nước Mỹ, theo số liệu từ Đại học Johns Hopkins.
Thành phố New York và các quận ngoại ô của nó như Nassau, Suffolk, Westchester hay Rockland, chiếm tới 93% tổng số ca trên toàn bang New York. Ngoài ra, thành phố New York cũng có tỷ lệ tử vong cao hơn hầu hết quốc gia trên thế giới.
Điều gì khiến New York có tổng số ca nhiễm Covid-19 và tỷ lệ tử vong lớn đến vậy?
Một nhân viên y tế tại thành phố New York, bang New York, Mỹ. Ảnh: Getty
CNN đưa ra phân tích ở 2 yếu tố quy mô và mật độ dân số. Thành phố New York là thành phố đông dân nhất ở Mỹ, với hơn 8 triệu người - nhiều gấp đôi so với thành phố Los Angeles, bang California. Dịch Covid-19 có khả năng lây lan nhanh qua tiếp xúc gần và với quy mô dân số đông như vậy, thành phố New York khó tránh khỏi sự lây lan nhanh. Thực tế đã chứng minh, số ca nhiễm ở thành phố New York nhiều hơn gấp 8-9 lần so với mọi thành phố trên đất Mỹ.
Vậy còn về mật độ dân số? Mật độ dân số ở thành phố New York là khoảng 27.000 người/dặm vuông, cũng ở mức cao nhất cả nước nếu so ở cấp độ thành phố.
Tuy nhiên, mật độ dân số cũng chỉ lý giải một phần vấn đề. Ví dụ như quận có mật độ dày đặc nhất ở thành phố New York là Manhattan nhưng lại có số ca và tỷ lệ ca nhiễm Covid-19 chỉ bằng một nửa so với quận Queens - nơi có mật độ dân số kém xa Manhattan.
Một nguyên nhân khác được xem xét đến đó là việc New York đang thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 quy mô lớn. Nếu làm xét nghiệm nhiều, bạn sẽ tìm ra nhiều người nhiễm bệnh. Và khi bạn tìm thấy nhiều người nhiễm bệnh, bạn lại muốn tiếp tục làm xét nghiệm.
Số lần xét nghiệm Covid-19 trong người dân ở New York đang cao hơn mọi khu vực khác ở Mỹ và thậm chí nó còn được so sánh với một số quốc gia đã hoặc đang tích cực xét nghiệm quy mô lớn như Iceland, Hàn Quốc hay Đức.
Số lượng và tỷ lệ ca nhiễm cao ở New York có thể được lý giải bởi 3 yếu tố trên cộng với thực tế là dịch Covid-19 đã xuất hiện ở thành phố New York sớm hơn so với các khu vực khác khoảng 1-2 tuần. Điều này đồng nghĩa, ảnh hưởng của dịch bệnh ở New York sẽ lớn hơn.
Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19: - Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi. - Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác. - Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế. - Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 19003228 và 19009095. |
Nguồn: [Link nguồn]
Ngoài virus SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19, Thái Lan còn có một loại virus khác đang lây lan nhanh chóng ở động vật, tấn công vào...