Vì sao năm 2017 Triều Tiên thử tên lửa 12 lần liên tiếp?
Một quả là tên lửa tầm bán trung, hai quả tầm trung, 8 quả tầm trung hoặc ngắn và quả còn lại chưa xác định, theo các nhà quan sát tình hình bán đảo Triều Tiên .
Tốc độ thử tên lửa đang tăng lên?
Cách đây gần 6 năm, ông Kim Jong-un bắt đầu thử tên lửa và số lượng từ đó tới nay lớn hơn tổng số vũ khí mà cố lãnh đạo Kim Jong-il và Kim Nhật Thành thử nghiệm cộng lại.
Tuy nhiên, Triều Tiên không thử bất kì quả tên lửa nào trong thời gian 2 tháng quanh thời điểm ông Trump tranh cử vào Nhà Trắng. Các chuyên gia nhận định, khủng hoảng chính trị ở Hàn Quốc và sự thay thế tổng thống được cho là chất xúc tác để Triều Tiên thử tên lửa nhiều hơn.
Trong 3 tuần vừa qua, kể từ khi Hàn Quốc có tổng thống mới, trung bình mỗi tuần Triều Tiên thử 1 quả.
Vì sao Triều Tiên thử tên lửa?
Bình Nhưỡng cần hoàn thiện kĩ thuật và công nghệ tên lửa. Chuyên gia vũ khí cho biết sau mỗi vụ thử, Triều Tiên sẽ rút ra bài học để cải thiện công nghệ. Một số người cho rằng Mỹ đang can thiệp tiến trình này bằng các cuộc tấn công mạng.
Các vụ thử được cho là thực hiện khi trên thế giới có một sự kiện chính trị quan trọng. Ví dụ tháng 2 Thủ tướng Shinzo Abe thăm Mỹ và tháng 5 có hội nghị thượng đỉnh “Vành đai và con đường” ở Bắc Kinh, Trung Quốc.
Triều Tiên muốn gì và vì sao?
Mục tiêu tối thượng của Triều Tiên là chế tạo thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa có thể gắn được đầu đạn hạt nhân. Quan trọng hơn, quả tên lửa này phải đủ sức bắn tới Mỹ, vốn cách xa Bình Nhưỡng tới 14.000 km.
Triều Tiên muốn sở hữu vũ khí này vì họ cho rằng sớm hay muộn, Mỹ cũng tìm cách loại bỏ chính quyền của ông Kim. Đây là biện pháp bảo vệ duy nhất và mang tính sống còn.
Bao lâu thì thành công?
Hiện tại, Triều Tiên chưa thể bắn tới lửa tới các quốc gia xa xôi trong châu Á chứ chưa nói gì tới Mỹ. Tuy nhiên, Hàn Quốc và Nhật Bản hoàn toàn nằm trong phạm vi công phá của tên lửa Triều Tiên .
Michael Hayden, giám đốc CIA từ năm 2006-2009 nói rằng nếu Bình Nhưỡng duy trì tốc độ phát triển vũ khí hiện tại thì trước khi ông Trump kết thúc nhiệm kì, Triều Tiên sẽ đạt được tham vọng gắn đầu đạn hạt nhân lên tên lửa.
Trong bài phát biểu mừng năm mới, ông Kim nói: “Nghiên cứu, phát triển công nghệ vũ khí hiện đang tiến bộ không ngừng và giúp củng cố sức mạnh quốc phòng của Triều Tiên , trong đó giai đoạn thử nghiệm cuối cùng của tên lửa đạn đạo liên lục địa đã ghi nhận nhiều bước tiến quan trọng”.
Lời tán dương mơ hồ đó khiến phương Tây rất khó đo đạc chính xác Triều Tiên còn cách mục tiêu cuối cùng bao xa. John Delury, giáo sư ở đại học Yonsei Hàn Quốc nói rằng Mỹ cần lo lắng nhiều hơn tới tên lửa Triều Tiên thay vì vũ khí hạt nhân.
Trong vòng 5 tháng qua, Triều Tiên đã thử tên lửa 12 lần và thường trong các sự kiện chính trị thế giới quan trọng.