Vì sao Mỹ từ chối cung cấp “Đại bàng xám” MQ-1C cho Ukraine?
Mỹ sẽ không cung cấp máy bay không người lái (UAV) tối tân cho Ukraine vì lo ngại động thái này có thể làm leo thang xung đột, theo nguồn tin của tờ The Wall Street Journal ngày 9-11.
Các quan chức Mỹ và một số người nắm vấn đề tiết lộ với tờ The Wall Street Journal rằng Ukraine đã đề nghị Mỹ cung cấp các UAV Gray Eagle (Đại bàng xám) MQ-1C trong nhiều tháng qua.
"Đại bàng xám" MQ-1C có thể bay ở độ cao 7.600 m trong hơn 27 giờ và mang theo 4 tên lửa Hellfire. Chúng có tầm bắn lên tới 4.600 km thông qua liên lạc vệ tinh, có khả năng cho phép Ukraine tấn công các mục tiêu sâu bên trong lãnh thổ Nga.
Tuy nhiên, Lầu Năm Góc không đồng ý, với lý do là chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden quan ngại việc này có thể khiến xung đột leo thang, cũng như khiến Moscow nghĩ rằng Washington cung cấp vũ khí có thể tấn công các vị trí bên trong lãnh thổ Nga.
Máy bay không người lái Grey Eagle MQ-1C. Ảnh: Quân đội Mỹ
Các quan chức Mỹ cũng lo lắng công nghệ vũ khí của Mỹ, cụ thể là hệ thống camera gắn trên các UAV, có thể bị đánh cắp nếu các UAV này bị bắn hạ trên chiến trường.
Người phát ngôn của General Atomics, công ty sản xuất Gray Eagle MQ-1C, xác nhận công ty đã biết về quyết định nói trên nhưng từ chối cung cấp thêm thông tin chi tiết. Nhà Trắng và Bộ Quốc phòng Mỹ chưa lập tức đưa ra bình luận.
Hồi tháng 9, nhóm gồm 17 nghị sĩ của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa trong quốc hội Mỹ đã hối thúc chính quyền ông Biden cung cấp cho Ukraine các UAV tấn công có thể bay trong hơn 24 giờ. Những người ủng hộ nói rằng quyết định của Lầu Năm Góc khiến lực lượng của Kiev gặp khó khăn trong việc bảo vệ dân thường và cơ sở hạ tầng.
UAV cảm tử Switchblade từng nhận được nhiều sự chú ý khi được quân đội Mỹ cung cấp cho Ukraine. Ảnh: Hải quân Mỹ
Kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine vào cuối tháng 2, Mỹ đã cung cấp cho Ukraine số lượng lớn vũ khí, bao gồm cả UAV do thám và cảm tử. Đến nay, Washington vẫn từ chối lời kêu gọi cung cấp cho Kiev các loại vũ khí tiên tiến như hệ thống phòng không Patriot và máy bay chiến đấu F-16.
Theo đài RT, Nga nhiều lần cảnh báo phương Tây về việc "bơm" vũ khí cho Ukraine, nói rằng làm như vậy sẽ chỉ khiến chiến sự kéo dài.
Quyết định được đưa ra giữa lúc Nga tuyên bố rút quân khỏi TP Kherson và các khu vực lân cận ở phía Nam Ukraine vào ngày 9-11. Đây có thể là một trong những đợt rút quân lớn nhất của Nga kể từ khi xung đột bùng nổ hồi cuối tháng 2. Tuy nhiên, các quan chức Ukraine cảnh báo rằng Nga có thể đang đánh lạc hướng và một số lượng đáng kể binh sĩ vẫn ở Kherson.
Nguồn: [Link nguồn]
Tổng thống Biden cam kết sẽ cung cấp cho Ukraine các hệ thống phòng không tiên tiến và tăng cường trừng phạt Nga sau đợt tấn công tên lửa vào các thành phố của Ukraine.