Vì sao Mỹ thay đổi lập trường về biển Đông?

Theo một số chuyên gia về an ninh châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ mới đây từ bỏ chính sách tiêu chuẩn của mình về biển Đông để gần gũi các nước Đông Nam Á hơn, có lợi cho chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Donald Trump...

Vì sao Mỹ thay đổi lập trường về biển Đông? - 1

Trao đổi với Tiền Phong, GS Carlyle Thayer (Đại học New South Wales, Học viện Quốc phòng Úc), cho rằng, với tuyên bố ngày 13/7 của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo về lập trường của Mỹ đối với các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông, Mỹ đã từ bỏ chính sách không chọn phe trong vấn đề tranh chấp chủ quyền. Mỹ chuyển sang hoàn toàn ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng tài về vụ Philippines kiện Trung Quốc, tuyên bố rằng, các yêu sách của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi “trên hầu hết biển Đông là hoàn toàn phi pháp”.

Giới quan sát cho rằng, phát biểu mạnh mẽ của Ngoại trưởng Mỹ, nhất là việc ủng hộ tuyên bố chủ quyền của các quốc gia Đông Nam Á đối với vùng đặc quyền kinh tế của họ sẽ dẫn tới tác động cân bằng chống lại Trung Quốc. PGS Li Mingjiang (Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore) cho rằng, lập trường mạnh mẽ của Mỹ có thể giúp thay đổi yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc cũng như ngăn quân đội Trung Quốc thiết lập vị trí thượng phong ở biển Đông.

Tuy nhiên, một chuyên gia khác ở Singapore, ông Eduardo Araral (Trường Chính sách công Lý Quang Diệu) cho rằng, vấn đề chủ quyền đối với các đảo, bãi ngầm ở biển Đông và sự cạnh tranh giành quyền thăm dò, khai thác các nguồn tài nguyên trong lòng biển, đặc biệt dầu khí sẽ không giải quyết được. “Không nước nào sẽ rút lại các tuyên bố chủ quyền của mình”, dù có sự thay đổi chính sách của Mỹ, ông Araral nhận định.

Theo GS Thayer, có hai lý do để Mỹ thay đổi chính sách vào thời điểm hiện nay. Thứ nhất, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang coi chống Trung Quốc là chủ đề chính trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11. Trước đó, Mỹ chống Trung Quốc về các chính sách thương mại, sự can thiệp vào vấn đề nội bộ Hong Kong, cách xử lý đại dịch COVID-19. Giờ đây, Mỹ chống Trung Quốc cả về việc nước này bắt nạt, đe dọa các quốc gia ven biển Đông. Thứ hai, Mỹ đã chỉ đích danh việc bắt nạt và hăm dọa của Trung Quốc đối với các quốc gia ven biển, đặc biệt là đối với hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí của họ.

Chính quyền Trump đã tăng cường sự hiện diện hải quân và không quân tại biển Đông thông qua việc gia tăng tuần tra tự do hàng hải và các cuộc tuần tra hiện diện khác trong năm nay. Điều này đã được chứng minh bằng việc Mỹ điều hai tàu chiến tới vùng biển Malaysia để chống lại hoạt động của một tàu khảo sát Trung Quốc, và để hai nhóm tác chiến tàu sân bay tập trận.

Theo GS Thayer, tuyên bố ngày 13/7 của Ngoại trưởng Pompeo được thiết kế để tạo lý do pháp lý cho các hành động của Mỹ và để căn chỉnh cho Mỹ gần hơn với Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Indonesia. “Các quốc gia ven biển sẽ phải xác định mức độ hợp tác với Mỹ để đẩy lùi các đội tàu cá, dân quân biển và hải cảnh Trung Quốc hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của họ. Một số nước có thể lo ngại rằng việc sát cánh với Mỹ sẽ dẫn tới việc Trung Quốc gây sức ép với họ”, ông Thayer nhận định.

Theo giới quan sát, một khi đại dịch toàn cầu COVID-19 được khống chế, kinh tế toàn cầu sẽ hồi phục, các nước Đông Nam Á sẽ lại có mức tăng trưởng kinh tế cao hàng đầu thế giới. “Vì Việt Nam tăng trưởng mạnh hơn nhiều nước khác về kinh tế, mức độ ảnh hưởng về ngoại giao, chính trị của nước này cũng cao hơn. Mỹ sẽ phản ứng bằng cách làm việc chặt chẽ hơn với Việt Nam trong nhiều vấn đề khu vực và toàn cầu hơn”, GS Thayer nhận định.

Nguồn: [Link nguồn]

Chiến đấu cơ TQ diễn tập bắn đạn thật ở Biển Đông giữa lúc tàu sân bay Mỹ tập trận

Quân đội Trung Quốc gần đây đã mở cuộc diễn tập tấn công hàng hải ở Biển Đông và đưa thêm chiến đấu cơ đến...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thái An ([Tên nguồn])
Tin tức Biển Đông Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN