Vì sao Mỹ - NATO không thể để Nga thắng ở Ukraine?

Các lãnh đạo Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhóm họp tại Madrid vào ngày 28/6. Đây là lúc phương Tây phải tính đến hậu quả nếu Ukraine thất bại trong cuộc xung đột với Nga.

Một lính Ukraine vác tên lửa chống tăng Javelin do Mỹ sản xuất trong cuộc diễu binh năm 2018. (Ảnh: Sky News)

Một lính Ukraine vác tên lửa chống tăng Javelin do Mỹ sản xuất trong cuộc diễu binh năm 2018. (Ảnh: Sky News)

Chiến thắng của Nga ở Ukraine sẽ là đòn giáng mạnh lên liên minh quân sự Đại Tây Dương, làm suy yếu đáng kể vị thế lâu dài của Mỹ ở khu vực Âu – Á.

Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể không bước vào cuộc xung đột ở Ukraine với tham vọng lớn về NATO. Nhưng cuộc chiến này đã trở thành sự kiện định hình thế trận lâu dài. Phương Tây hiểu rằng chiến thắng dành cho Nga sẽ thay đổi cơ bản trật tự Á – Âu.

Từ 100 giờ đến 100 ngày

Dù dự đoán ban đầu là cuộc xung đột chỉ kéo dài chưa đến 100 giờ, nhưng đến nay đã bước sang tháng thứ 6.

NATO và nhiều đối tác cung cấp vũ khí, trang thiết bị quân sự, huấn luyện và hỗ trợ tình báo, Ukraine tiếp nhận với điều kiện rằng sẽ không kéo phương Tây vào thế đối đầu trực tiếp với Nga.

Tuy nhiên, rạn nứt đã xuất hiện trong liên minh của phương Tây. Pháp, Ý và Đức là những mắt xích yếu nhất. Pháp cung cấp hỗ trợ quân sự cho Ukraine, nhưng Tổng thống Emmanuel Macron đánh tín hiệu rằng ông muốn kết thúc cuộc xung đột này mà không làm “mất mặt” Nga.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz chỉ cho phép cung cấp một số vũ khí hạn chế cho Ukraine. Kế hoạch hòa bình 4 điểm mà Ý đề xuất cho thấy mong muốn chấm dứt xung đột.

Đức và Ý đều mở tài khoản tiền rúp để mua khí đốt của Nga. Và ngay cả những thành viên cứng rắn hơn của châu Âu vẫn tiếp tục mua các sản phẩm hóa dầu của Nga.

Nga không đạt được mục tiêu kiểm soát thủ đô Kiev và thiết lập chính quyền mới, nhưng đã thành công ở khía cạnh khác: Ukraine hiện nay không thể sử dụng cảng biển quốc tế, và quốc gia này hoàn toàn phụ thuộc vào hỗ trợ kinh tế và quân sự của phương Tây để có thể tồn tại.

Bằng cách tập trung vào một phần của vùng Donbass, nhất là khu vực Slovyansk-Kramatorsk và Severodonetsk-Lysychansk, Nga muốn cho phương Tây thấy sự vô vọng trong nỗ lực kháng cự của Ukraine, từ đó khiến Tây Âu và Bắc Mỹ gây sức ép để Kiev chấp nhận điều kiện của Mátxcơva.

Sự hỗ trợ của phương Tây đối với Ukraine trở thành trụ cột chính quyết định tinh thần của lực lượng Ukraine. Nếu phương Tây dừng hỗ trợ, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky có thể sớm phải bỏ cuộc.

Một thỏa thuận hòa bình trước khi Ukraine triển khai cuộc phản công lớn để giành lại lãnh thổ, ít nhất là toàn bộ Kherson, và có thể một số phần của Zaporizhzhia và Donetsk, sẽ là chiến thắng đối với Nga.

Điện Kremlin đã đưa ra điều kiện rõ ràng để chấp nhận thỏa thuận hòa bình, rằng Mátxcơva sẽ không nhượng bộ những nơi họ đã giành được; các lệnh trừng phạt phải được dỡ bỏ để Nga hội nhập trở lại với kinh tế toàn cầu.

Có lẽ Nga sẽ chấp nhận một sự bảo đảm an ninh lỏng lẻo, nhất là nếu Pháp và Đức là hai bên bảo đảm chính. Nhưng chắc chắn Mátxcơva sẽ đòi hỏi hạn chế về năng lực quân sự của Ukraine và hỗ trợ quân sự của phương Tây dành cho Kiev.

Rồi sau khi chữa lành vết thương và xây dựng lại năng lực quân sự, Nga có thể quay lại để hoàn thành nốt công việc dở dang ở Ukraine, dù sau 3 tháng hoặc 3 năm, Seth Cropsey, chủ tịch Viện Yorktown (Mỹ), nhận định trong bài viết đăng trên Asia Times.

Ông Putin gần đây so sánh chiến dịch quân sự ở Ukraine hiện nay với sứ mệnh của Peter Đại đế, người đã đưa Nga từ một nước “râu ria” của châu Âu trở thành cường quốc đóng vai trò trung tâm trong các vấn đề chính trị của châu Âu và Á – Âu. Theo quan điểm của ông Putin, Nga có quyền định hình an ninh của châu Âu.

Về lâu dài, ông Putin có thể đã lên kế hoạch cho một cuộc đối đầu với phương tây, một cuộc đối đầu sẽ phá vỡ NATO và bảo đảm vị trí chiến lược dài hạn của Nga ở Á – Âu.

Nếu Nga củng cố và khôi phục được vai trò và tầm ảnh hưởng ở Belarus, Ukraine, Moldova, Georgia và Azerbaijan, khối này đủ khả năng để đối đầu với phương Tây, lý tưởng nhất là với sự hỗ trợ của Trung Quốc.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: Getty)

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: Getty)

Lựa chọn của Mỹ

Các mắt xích yếu của châu Âu như Ý, Pháp và Đức có thể bị tận dụng. Năng lực hải quân của Nga ở phía bắc và đông Địa Trung Hải sẽ được huy động để gây sức ép với châu Âu, trong khi năng lực hạt nhân của Nga có thể cản chân Mỹ.

Mỹ có hai con đường để chọn: hoặc sẽ giữ vững tinh thần cho NATO và tiếp tục hỗ trợ cho Ukraine cho đến cuối cùng, hoặc chủ động thu hẹp để tập trung cho vai trò lớn hơn ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Nhưng sẽ quá mạo hiểm nếu Mỹ từ bỏ châu Âu hoàn toàn. Mỹ không thể gây sức ép về kinh tế với Trung Quốc nếu không có châu Âu hỗ trợ, cũng như không thể kiềm chế tham vọng của Bắc Kinh ở Trung Đông và Địa Trung Hải nếu không thể tiếp cận khu vực Á – Âu.

Sụp đổ của hệ thống liên minh châu Âu sẽ dẫn đến sự sắp xếp lại ở Trung Đông, giúp trục Nga – Trung – Iran thống trị khu vực Á – Âu và đặt ra câu hỏi về số phận của đảo Đài Loan.

Vì nhiều lý do, Mỹ phải giúp Ukraine để tiếp tục chiến đấu.

Đây không đơn giản là vấn đề viện trợ vũ khí. NATO của Tây Âu không thể tan rã, và phải chịu gánh nặng quốc phòng của châu Âu, phải cung cấp cho Ukraine lượng vũ khí hạng nặng cần thiết để có thể chiến thắng.

Chỉ khi đó, đàm phán mới có thể dẫn đến hòa bình lâu dài mà Ukraine và phương Tây mong muốn. Đó là đẩy Nga khỏi miền nam Ukraine và lý tưởng nhất là trở về biên giới trước khi xảy ra sự kiện ngày 24/2.

Điều này đòi hỏi cam kết quân sự nhất quán của NATO để có thể đi đến tận cùng của cuộc xung đột. Cuộc họp thượng đỉnh của NATO tại Madrid dịp này là dịp để thể hiện quyết tâm đó, giới phân tích nhận định.

Nguồn: [Link nguồn]

Lý do Mỹ khó tìm đạn pháo kiểu Liên Xô cung cấp cho quân đội Ukraine

Nga đang khai thác khoảng trống giữa số lượng đạn dược kiểu Liên Xô mà Ukraine và các đồng minh còn trong kho dự trữ, với các vũ khí và đạn được theo chuẩn NATO mà phương...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bình Giang - Theo AT ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN