Vì sao Mỹ không sơ tán thủy thủ mắc Covid-19 trên tàu sân bay?
Lầu Năm Góc sẽ không sơ tán thủy thủ đoàn trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt.
Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt. Ảnh: Reuters.
Trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Mỹ với hơn 4.000 thủy thủ, gần 80 trường hợp mắc Covid-19 đã được ghi nhận, tuy nhiên, theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper, hiện tại không cần phải sơ tán thủy thủ đoàn lên đất liền cách ly.
Ông Esper nhấn mạnh các hỗ trợ y tế đang được gửi đến tàu sân bay và khẳng định không có ca nhiễm nào trên USS Theodore Roosevelt thuộc diện nghiêm trọng.
“Hiện tại không cần phải sơ tán toàn bộ thủy thủ đoàn khỏi tàu sân bay USS Theodore Roosevelt, trên tàu vẫn ghi nhận trường hợp nhiễm mới”, ông Mark Esper nói.
Ông Mark Esper đã bình luận về bức thư “cầu cứu” của Thuyền trưởng tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt Brett Crozier, được viết hôm 30/3 được Reuters đưa tin. Trong đó, Thuyền trưởng Crozier kêu gọi các biện pháp quyết định để cứu mạng sống của các thủy thủ và ngăn chặn sự lây lan của Covid-19.
“Chúng ta đâu phải đang ở trong thời chiến. Các thủy thủ đâu cần phải hy sinh. Nếu không hành động ngay lúc này, chúng ta sẽ thất bại trong nhiệm vụ chăm sóc chu đáo cho thủy thủ, tài sản đáng tin cậy nhất của chúng ta”, ông Crozier viết trong thư.
Ông Crozier đề cập đến thực tế là trong những ngày tới có thể trên tàu sân bay không có đủ cơ sở kiểm dịch và cách ly. Thuyền trưởng cảnh báo rằng các nguồn lực có sẵn trên tàu không thể ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh.
Người đứng đầu Hạm đội Thái Bình Dương, Đô đốc John Aquilino nói với các phóng viên rằng, Washington có kế hoạch đưa một số thủy thủ khỏi tàu để kiểm tra và cách ly họ. Sau đó, tàu sân bay được khử trùng. Theo ông Aquilino, một số thủy thủ sẽ bị cách ly ngay trên tàu.
Quyền Bộ trưởng Hải quân Hoa Kỳ Thomas Modley cho biết, các đại diện của Hải quân sẽ làm việc trong vài ngày để đưa các thủy thủ khỏi tàu sân bay lên đảo Guam. Có đủ giường ngủ và hải quân đang đàm phán với chính quyền địa phương để sử dụng các khách sạn, lều sân ngay trên bến tàu, ông Modley nói.
Sau khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên vào tuần trước khi tàu sân bay lúc đó đang ở Thái Bình Dương, USS Theodore Roosevelt đã chuyển hướng cập cảng Guam ngày 27/3 và neo đậu từ đó đến nay.
“Chúng tôi đang chuyển rất nhiều đồ tiếp tế và hỗ trợ y tế đến tàu sân bay ở đảo Guam. Chúng tôi cũng cung cấp nhân lực y tế bổ sung nếu họ cần. Tôi rất vui được thông báo là không ai trong số họ bị bệnh quá nghiêm trọng”, ông Esper cho biết.
Cảng cuối cùng nơi tàu sân bay ghé thăm là Đà Nẵng (Việt Nam) hồi đầu tháng 3 vừa rồi. Trường hợp đầu tiên mắc Covid-19 trên tàu được phát hiện 15 ngày sau đó.
Theo Fox News, vài ca mắc Covid-19 cũng được tìm thấy ở một số người trên tàu sân bay Ronald Reagan có trụ sở tại Nhật Bản.
Ngoài ra, theo ông Esper việc các thủy thủ tàu sân bay USS Theodore Roosevelt nhiễm virus corona chủng mới sẽ không ảnh hưởng đến sự sẵn sàng chiến đấu của Hải quân Hoa Kỳ.
“Không, tôi không lo lắng về điều này. Chúng tôi có nhiều hơn hai tàu sân bay. Chúng tôi có một “mạng lưới tuyệt vời” gồm các đồng minh và đối tác hợp tác để ngăn chặn các mối đe dọa”, Bộ trưởng Esper nhấn mạnh.
Cũng theo Reuters báo cáo trước đó, quân đội Hoa Kỳ đã quyết định ngừng cung cấp cho truyền thông thông tin về các ca mắc Covid-19 trong quân đội, vì những thông tin này có thể được sử dụng bởi những kẻ thù nhằm tấn công nước Mỹ.
Trước đó, Sputnik đưa tin, hôm 30/3, Lầu Năm Góc xác nhận một binh sĩ trong quân đội Mỹ đã tử vong do mắc Covid-19. Theo thông cáo từ Lầu Năm Góc, một binh sĩ thuộc Lực lượng Vệ binh Quốc gia tại New Jersey đã qua đời vào ngày 28/3. Người này đã nhập viện kể từ ngày 21/3.
Theo số liệu mới nhất được cập nhật tính đến ngày 31/3, có 673 trường hợp là quân nhân trong biên chế của quân đội Mỹ mắc Covid-19. Theo số liệu trường đại học Johns Hopkins, tính đến ngày 1/4, tổng số ca tử vong ở Mỹ là hơn 4.000 trường hợp và hơn 188.000 người mắc Covid-19.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc họp báo hôm 31/3 đã cảnh báo về một giai đoạn “đau đớn” và “khó khăn” kéo dài hai tuần sắp tới khi ông mở rộng các biện pháp chống dịch trên toàn quốc.
Trong cuộc họp báo dài hơn hai tiếng đồng hồ, ông Trump không còn đưa ra những nhận xét xem nhẹ những gì đã trở thành cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ. Thay vào đó, ông khuyên người Mỹ rằng những ngày đen tối hơn đang ở phía trước.
“Tôi muốn mọi người dân Mỹ phải chuẩn bị cho những ngày khó khăn sắp tới. Chúng ta sẽ trải qua hai tuần rất khó khăn”, ông Trump cho biết, cảnh báo về hai tuần khủng khiếp khi tỷ lệ tử vong tăng đột biến.
Đồng thời, hôm 1/4, Tổng thống Trump kêu gọi quốc hội lưỡng viện nước này sớm thông qua gói ngân sách cho phát triển cơ sở hạ tầng trị giá 2.000 tỉ USD, cho rằng tình hình tín dụng thấp hiện nay là cơ hội tốt để thúc đẩy sáng kiến này đặc biệt khi nền kinh tế đang chịu tác động mạnh của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19.
Nguồn: [Link nguồn]
Mỹ có thêm nhiều bang yêu cầu người dân ở yên trong nhà khi số tổng số ca nhiễm Covid-19 ở nước này vượt con số 210.000....