Vì sao Mỹ dễ bắn hạ máy bay huyền thoại Nga sản xuất?

Cường kích Su-22 là một trong những mẫu máy bay huyền thoại lâu đời đang được một số quốc gia trên thế giới sử dụng, nhưng mẫu chiến đấu cơ này có nhiều điểm yếu khi không chiến.

Vì sao Mỹ dễ bắn hạ máy bay huyền thoại Nga sản xuất? - 1

Không quân Syria hiện vẫn sử dụng cường kích Su-22 trong chiến dịch không kích chống IS.

Một chiếc cường kích Su-22 của không quân Syria mới bị chiến đấu cơ F/A-18 Mỹ bắn rơi ở khu vực tỉnh Raqqa. Chiếc Su-22 khi đó đang làm nhiệm vụ chống khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) nên không mang theo vũ khí đối không.

Chiến đấu cơ F/A-18 mang theo tên lửa AIM-9 Sidewinder hoặc AIM-132 ASRAAM, với tốc độ tên lửa lên tới 3.000km giờ, dẫn đường bằng hồng ngoại, khiến cho Su-22 Syria không có cơ hội rút về căn cứ.

Theo National Interest, cường kích Su-22 kết hợp cùng chiến đấu cơ Su-24 hiện đại hơn là hai máy bay chiến đấu chủ đạo trong đơn vị không quân Syria.

Đây là mẫu máy bay do công ty Sukhoi chế tạo từ những năm 1966. Cho đến khi ngừng sản xuất vào năm 1990, Sukhoi đã chế tạo tới 2.867 chiếc.

Nguồn tin từ hãng Sukhoi cho biết, công ty này đã chế tạo tổng cộng 1.165 phiên bản Su-20/22 để xuất khẩu sang 15 quốc gia trên thế giới.

Vì sao Mỹ dễ bắn hạ máy bay huyền thoại Nga sản xuất? - 2

Mảnh vỡ của chiếc Su-22 Syria bị khủng bố bắn rơi năm 2016.

Với đặc trưng của chiếc cường kích tấn công mặt đất bằng bom hoặc tên lửa dẫn đường, Su-22 không có radar dẫn bắn, chỉ có thể sử dụng tên lửa không đối không hồng ngoại K-13M hoặc R-60 để tự vệ.

Động cơ Lyuka AL-21F3 của Su-22 khi đó đã cho tốc độ tối đa lên tới 1.860 km/giờ, trần bay hơn 14.000 mét. Thông số của Su-22 cho thấy mẫu máy bay này gần như không quá thua kém F/A-18 về tốc độ.

Trung Đông là một trong những thị trường nhập khẩu phiên bản cường kích Su-20/22 lớn nhất. Trong đó, không quân Iraq đặc biệt tin tưởng sử dụng Su-22 trong khi Ai Cập, Syria và Yemen đặt mua tới hàng chục chiếc loại này.

Mặc dù được thiết kế cho nhiệm vụ tấn công mặt đất, cường kích Su-22 lại thường xuyên được giao nhiệm vụ không chiến.

Vì sao Mỹ dễ bắn hạ máy bay huyền thoại Nga sản xuất? - 3

4 quốc gia trên thế giới hiện vẫn đang sử dụng cường kích Su-22.

Syria tiếp nhận 15 chiếc Su-20/22 vào tháng 9.1973. Trong số 15 máy bay tham chiến trong cuộc chiến tranh với Israel một tháng sau đó, chỉ có 7 chiếc sống sót trở về.

Trong cuộc xung đột vịnh Sidra giữa Hải quân Mỹ với Libya năm 1981, chiếc Su-22 áp sát và tấn công máy bay F-14 Mỹ ở cự ly gần. Tuy nhiên, phát bắn trượt đã khiến chiếc Su-22 lĩnh trọn một quả tên lửa AIM-9 Sidewinder và nổ tung.

Trong cuộc chiến tranh Iran-Iraq, 21 chiếc Su-22 của Iraq đã bị tiêm kích F-14 và F-5 Iran bắn hạ.

Tới cuộc chiến tranh vùng Vịnh 1991, hai chiếc Su-22 cũng bị bắn rơi khi chạm trán với tiêm kích F-15C của Mỹ.

Những năm 1990, những cuộc xung đột Trung Đông kết thúc và không quân Syria cũng “xếp xó” hàng chục chiếc Su-22. Mãi đến năm 2010, khi bắt đầu cảm thấy cần đến lực lượng không quân, quân đội Syria mới hồi sinh mẫu máy bay lỗi thời này.

Cuộc nội chiến Syria nổ ra vào cuối năm 2012 là lúc mà những chiếc cường kích lỗi thời này chứng minh tính hiệu quả, khi kết hợp cùng ống phóng rocket 80mm do Iran sản xuất.

Vì sao Mỹ dễ bắn hạ máy bay huyền thoại Nga sản xuất? - 4

Tên lửa đối không AIM-9 Sidewinder luôn là khắc tinh đối với cường kích Su-22.

Cho đến giữa năm 2015, không quân Syria mất thêm 4 chiếc Su-22 do bị lực lượng nổi dậy bắn rơi. Rơi vào tình cảnh thiếu bom đạn nghiêm trọng, tần suất cất cánh của Su-22 cũng ít dần.

Đó là thời điểm Iran can thiệp vào cuộc nội chiến Syria, viện trợ cho quân đội chính phủ nhiều loại vũ khí như bom tấn công tầm thấp FAB-500ShN, bom nhiệt áp ODAB-500ShL, bom cháy OFZAB-500 và ống phóng tên lửa 240mm.

Trung bình mỗi ngày, các chiến đấu cơ Su-24, Su-22 của không quân Syria cất cánh khoảng 25-34 lần để ném bom các mục tiêu khủng bố. Tất cả các chiến dịch này đều nhằm vào các mục tiêu cố định, vốn được lên kế hoạch kỹ lưỡng từ trước.

Có thể nói, cường kích Su-22 là một trong những mẫu máy bay hiếm hoi còn được một vài các quốc gia trên thế giới sử dụng.

Máy bay đã chứng minh sự bền bỉ và hiệu quả nhưng lại đặc biệt yếu kém trong các cuộc không chiến, một phần là do năng lực của phi công.

Bắn hạ Su-22 Syria, Mỹ hắt ”gáo nước lạnh” vào Putin?

Việc chiến đấu cơ Mỹ bắn hạ máy bay chiến đấu Su-22 của không quân Syria khiến Tổng thống Nga Vladimir Putin chịu nhiều...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - NI ([Tên nguồn])
Vũ khí quân sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN