Vì sao Mỹ chưa thể dứt điểm Houthi?
Mỹ rõ ràng có lợi thế áp đảo về sức mạnh quân sự và kinh tế trước Houthi. Thế nhưng, cho đến thời điểm này, cường quốc quân sự số 1 thế giới vẫn chưa thể áp chế nhóm dân quân này.
Rạng sáng 12/1, Mỹ và Anh đã tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào nhóm dân quân Houthi ở Yemen. Các cuộc tấn công đầu tiên nhằm vào hơn 60 mục tiêu trên 16 địa điểm và tập trung vào các địa điểm chứa tên lửa, radar và máy bay không người lái do Houthi kiểm soát. Đợt thứ hai nhắm vào 12 địa điểm mới và cuộc tấn công tiếp theo vào ngày 13/1 nhắm tới một cụm radar của Houthi. Mặc dù các cuộc tấn công đã làm hư hại hoặc phá hủy 90% số mục tiêu, nhưng Houthi được cho là vẫn bảo toàn được 3/4 số máy bay không người lái và tên lửa.
Máy bay không người lái được trưng bày tại một địa điểm không xác định ở Yemen. Nguồn: Reuters.
Chiến thuật “rẻ tiền”
Những cuộc tấn công diễn ra sau khi Mỹ và các đồng minh cố gắng ép buộc nhóm Houthi ngừng các cuộc tấn công tàu bè ở Biển Đỏ. Trong một tuyên bố chung với một số đồng minh hôm 3/1, Nhà Trắng cảnh báo Houthi ngừng các cuộc tấn công “bất hợp pháp, không thể chấp nhận và gây bất ổn sâu sắc” và “thề” rằng nhóm này sẽ “chịu trách nhiệm về hậu quả nếu tiếp tục đe dọa nền kinh tế toàn cầu và dòng chảy thương mại tự do trên các tuyến đường thủy quan trọng của khu vực”.
Các cuộc tấn công đã kích hoạt một cuộc biểu tình rầm rộ ủng hộ người Palestine ở thủ đô Sanaa của Yemen. Lực lượng Houthi thề sẽ trả đũa, nhắm vào các mục tiêu của Mỹ và Anh.
Mỹ có lợi thế vượt trội về sức mạnh quân sự và kinh tế so với Houthi. Tuy nhiên, mối đe dọa sử dụng vũ lực từ đội quân hùng mạnh nhất thế giới không đủ để thuyết phục lực lượng Houthi từ bỏ các cuộc tấn công tàu bè ở Biển Đỏ, Dianne Pfundstein Chamberlain, học giả độc lập chuyên về chính sách đối ngoại và an ninh quốc tế của Mỹ, viết trên National Interest.
Theo học giả này, Mỹ đã áp dụng một mô hình triển khai sức mạnh quân sự ít tốn kém, dễ ra quyết định và do đó không khiến đối thủ tin rằng rằng Mỹ muốn tấn công tổng lực.
Điểm nổi bật của mô hình “rẻ tiền” này là sự phụ thuộc vào khả năng tấn công tầm xa và máy bay không người lái (UAV). Bom và tên lửa không thay đổi được hành vi của đối phương. Thay đổi cục diện hoặc giải quyết chiến trường, theo các chuyên gia quân sự, phải được giải quyết trên bộ, bằng bộ binh.
Những cuộc tấn công từ xa nhằm vào các cơ sở của Houthi ở Yemen mang tất cả những đặc điểm nổi bật của “mô hình lực lượng rẻ tiền” của Mỹ: chúng là những cuộc tấn công từ xa, chủ yếu bằng không quân. “Ra đòn” từ xa, lực lượng Mỹ không phải đối mặt với nhiều rủi ro, và theo học giả Chamberlain, nếu không triển khai bộ binh, các cuộc không kích được thực hiện mà không cần sự chấp thuận của quốc hội Mỹ.
Khi được hỏi liệu Tổng thống Biden có sẵn sàng sử dụng quân trên bộ hay không, Giám đốc Truyền thông Chiến lược của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby khẳng định: “Chúng tôi không hứng thú gây chiến với Yemen”.
Tất cả những yếu tố nói trên giúp Mỹ và các đồng minh thực hiện các cuộc tấn công một cách dễ dàng và ít tốn kém. Tuy nhiên, cũng theo ông Chamberlain, đây là lý do tại sao cảnh báo ngày 3/1 của Mỹ và đồng minh không buộc được lực lượng Houthi phải lùi bước và đó là lý do các cuộc tấn công tiếp theo chắc chắn sẽ thất bại theo cách tương tự.
Việc Houthi duy trì hầu hết khả năng đe dọa hoạt động vận tải hàng hải ở Biển Đỏ cho thấy Mỹ và các đồng minh có thể có cớ tiến hành các cuộc tấn công kế tiếp. Ngoại trưởng Anh David Cameron nói với BBC hôm 14/1 rằng nước Anh “sẵn sàng nói đi đôi với hành động” nếu các cuộc tấn công của Houthi tiếp tục diễn ra. Nhưng cuộc tấn công của liên quân cho đến nay chứng tỏ một điều: Chúng chưa đủ để buộc Houthi từ bỏ chiến dịch tấn công tàu bè ở Biển Đỏ.
Theo một học giả, những gì đã diễn ra trong lịch sử cho thấy các cuộc tấn công của Mỹ như hiện nay rồi sẽ là một sai lầm. Ibrahim Al-Marashi, Phó giáo sư lịch sử tại Đại học San Marcos bang California, Mỹ cho rằng các cuộc tấn công của Mỹ là sự tiếp diễn hiểu lầm và đánh giá thấp lực lượng Houthi.
Dân quân Houthi ở Yemen trong vài năm trở lại đây sử dụng UAV trong các cuộc tấn công vào Saudi Arabia. Nguồn: AP.
Đạt được về dài hạn
Theo phó giáo sư Al-Marashi, Houthi không phải là “tay mơ”. Bằng chứng là các nước láng giềng giàu có của Yemen như Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) với tiền bạc và vũ khí dồi dào cũng phải “ngán” họ.
Nhóm dân quân này đã vượt qua những rào cản về địa lý và công nghệ để thiết lập quyền kiểm soát vùng cao nguyên Yemen, tấn công cả Saudi Arabia và UAE để buộc các nước này sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán. Những người dàn dựng các cuộc oanh kích ở Mỹ cũng được cho là, theo ông Al-Marashi, “bỏ qua hay làm ngơ” thực tế rằng đã có nhiều thế lực bên ngoài đã cố gắng và thất bại trong việc đạt được các mục tiêu quân sự ở Yemen.
Các cuộc không kích có thể gây tổn hại cho lực lượng Houthi trong ngắn hạn nhưng mang lại cho họ một chiến thắng chính trị, nâng cao vị thế của họ trong thế giới Arab khi dám bày tỏ tình đoàn kết với lực lượng Hamas và người Palestine, trong khi hầu hết các quốc gia Arab đã không làm được điều đó, phó giáo sư Al-Marashi nhận định trên tạp chí Time.
Trong suốt chiều dài lịch sử, Houthi đã dần trưởng thành, lớn mạnh và trở thành một cánh chính trị có thế lực ở Yemen.
Trước cuộc nội chiến năm 1994, phong trào Hồi giáo bảo thủ Salafi có nguồn gốc từ Arab nổi lên ở phía bắc Yemen. Đáp lại, phong trào Houthi nổi lên trong giới sinh viên, tìm cách quảng bá chủ nghĩa Zaydi, một nhánh Hồi giáo dòng Shia, lấy tên từ thủ lĩnh Hussein al-Houthi. Lực lượng Houthi do sinh viên điều hành đã sớm phát triển thành một đảng chính trị với các thành viên trong quốc hội.
Năm 2004, Houthi phát động các cuộc biểu tình chống chính phủ sau khi Tổng thống Saleh cho phép Mỹ tiến hành các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái trên lãnh thổ Yemen. Các cuộc tấn công nhắm vào Al Qaeda, nhưng khiến nhiều dân thường thiệt mạng.
Saleh đáp lại bằng cách tiến hành triệt tiêu bớt sức mạnh của Houthi. Ông triển khai lực lượng quân sự để đè bẹp quân Houthi và ra lệnh ám sát al-Houthi. Bất chấp việc mất đi thủ lĩnh, người Houthi đã tự trang bị vũ khí và chống trả. Đến năm 2010, cuộc nội chiến thứ ba ở Yemen kết thúc và lực lượng Houthi vẫn tồn tại.
Hơn nữa, người Houthi bắt đầu nhận được sự ủng hộ từ các phe phái khác chống lại Saleh. Năm 2011, họ liên minh với những người biểu tình Sunni nổi dậy trong phong trào Mùa xuân Arab.
Năm 2012, Tổng thống Saleh từ chức. Phó tổng thống Abd Rabbuh Mansur Hadi thay thế ông. Tuy nhiên, Hadi tỏ ra kém hiệu quả trong việc thống nhất các phe phái vì ông đã loại người Houthi khỏi bất kỳ vị trí quan trọng nào trong chính phủ. Kết quả là quân đội Houthi ngày càng lớn mạnh chiếm được Thủ đô và buộc Hadi phải từ bỏ quyền lực.
Lính có vũ trang đứng trên bãi biển khi tàu thương mại Galaxy Leader bị lực lượng Houthi bắt giữ, đang thả neo ngoài khơi bờ biển al-Salif, Yemen, ngày 5/12/2023. Nguồn: Reuters.
Các cuộc đối đầu trong lịch sử
Có một thực tế: Đây không phải là lần đầu tiên Houthi phải đối mặt với các cuộc không kích của Mỹ và đồng minh. Năm 2015, Saudi Arabia và UAE, với sự hỗ trợ của Mỹ, đã phát động một chiến dịch không kích dữ dội nhằm vào lực lượng Houthi với mục tiêu khôi phục quyền cai trị của Hadi. Để đáp trả, vào năm 2016, Houthi bắn tên lửa vào một tàu khu trục Mỹ ngoài khơi Yemen.
Mỹ đánh trả, phá hủy 3 cơ sở radar của Houthi trên bờ Biển Đỏ khiến lực lượng này không thể tiếp tục tấn công các tài sản hay lực lượng Mỹ.
Nhưng trong vài năm tiếp theo, Iran - đang tranh giành ảnh hưởng với Saudi Arabia - tăng cường hỗ trợ Houthi, cung cấp thêm thiết bị tên lửa và máy bay không người lái tiên tiến hơn. Với sự giúp đỡ của Iran, lực lượng Houthi đã đạt được những bước tiến lớn trong công nghệ máy bay không người lái, cho phép họ thường xuyên tấn công các mục tiêu ở UAE và Saudi Arabia. Điều này gửi đi thông điệp rõ ràng rằng các quốc gia can thiệp vào cuộc nội chiến ở Yemen sẽ không thể tránh khỏi bị trả thù.
Houthi đã tổ chức các hoạt động khiêu khích và công kích bằng máy bay không người lái trên đất Saudi Arabia: tấn công nhà máy lọc dầu của công ty Aramco, chụp ảnh một nhà máy xử lý nước quan trọng để cho thấy người Houthi có thể tiếp cận nhà máy đó… Houthi sử dụng công nghệ vệ tinh, in 3D, định vị toàn cầu GPS và sự phối hợp tinh vi giữa các nhà phân tích hình ảnh, chuyên gia không gian mạng, kỹ sư và phi công để thực hiện các cuộc tấn công bằng UAV.
Các cuộc tấn công liên tục bằng UAV là lý do chính khiến Saudi Arabia và UAE rút khỏi cuộc xung đột ở Yemen vào năm 2022. Họ kết luận rằng sức mạnh của Houthi và chi phí quân sự ngày càng tăng, cùng các yếu tố khác, khiến nỗ lực can thiệp vào Yemen trở nên vô ích.
Mặc dù các cuộc tấn công của Mỹ năm 2016 đã buộc lực lượng Houthi phải rút lui một thời gian, nhưng nhóm này hiện có công nghệ vũ khí và UAV tốt hơn đáng kể. Người Houthi có nhiều cơ hội thực chiến sau nhiều thập kỷ xung đột quân sự. Và lịch sử những chiến dịch quân sự thất bại nhằm lật đổ phong trào Zaydi ở Yemen là lời cảnh báo rõ ràng đối với phương Tây.
Vấn đề rộng hơn là sự xuất hiện của một trật tự toàn cầu đa cực trong đó Mỹ không còn là siêu cường kiểm soát. Năm 1990, khi Mỹ lãnh đạo liên minh quốc tế giải phóng Kuwait khỏi cuộc tấn công của Iraq, Nga ủng hộ Chiến dịch Bão táp sa mạc, Trung Quốc giữ thái độ trung lập, trong khi Saudi Arabia đóng góp tiền bạc. Ngày nay, những điều đó không có khả năng xảy ra nếu Mỹ tiến hành chiến tranh chống lại người Houthi. Cả Nga và Trung Quốc bỏ phiếu trắng đối với nghị quyết của Liên hợp quốc yêu cầu các bên ngừng bắn. |
Nguồn: [Link nguồn]
Một công ty viễn thông có liên hệ với chính phủ Yemen bị Houthi lật đổ, hôm 4/2 cảnh báo Houthi có kế hoạch phá hoại mạng lưới cáp ngầm ở Biển Đỏ. Mạng lưới cáp ngầm này rất quan trọng đối với hoạt động Internet của phương Tây và việc truyền tải dữ liệu tài chính.