Vì sao Mỹ chưa đáp trả Houthis, khác cách tiếp cận các nhóm vũ trang khác ở Trung Đông?
Dù có động thái đã bắn hạ UAV của lực lượng Houthis, triển khai tàu chiến và thành lập lực lượng đặc nhiệm để đối phó nhóm này ở Biển Đỏ nhưng Mỹ đến nay vẫn chưa quyết định đáp trả mạnh tay. Vì sao cách Mỹ tiếp cận Houthis khác biệt các nhóm vũ trang khác ở Trung Đông?
Có thể thấy chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đáp trả bằng vũ lực khi các nhóm dân quân được Iran hậu thuẫn nhiều lần tấn công binh lính Mỹ tại Syria và Iraq trong mùa thu năm nay. Và gần đây giới chức Mỹ nhấn mạnh rằng nước này cần phải hành động để ngăn các nhóm vũ trang trong khu vực biến xung đột giữa Israel và phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas (kiểm soát Dải Gaza, Palestine) thành một cuộc chiến lan rộng hơn, theo tờ The New York Times.
Tuy nhiên, đến nay Mỹ vẫn chưa đáp trả lực lượng Houthis (Yemen) được Iran hậu thuẫn.
Chỉ trong một tháng qua, lực lượng Houthis đã tiến hành hơn 100 cuộc tấn công nhằm vào các tàu thương mại tại Biển Đỏ, làm tê liệt tuyến giao thông hàng hải tại khu vực này.
Các chiến binh của lực lượng Houthis tham gia cuộc duyệt binh tại TP cảng Hodeida ở phía tây Yemen ngày 1-9-2022. Ảnh: GETTY IMAGES
Mối liên hệ giữa xung đột Gaza và các cuộc tấn công tại Biển Đỏ
Houthis đã phóng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) vào các tàu tại Biển Đỏ, thu giữ một tàu có liên hệ với Israel, trong hai tháng nổ ra xung đột Israel-Hamas. Cả Hamas và Houthis đều được Iran hậu thuẫn.
Ông Yahya Sarea - người phát ngôn lực lượng Houthis cho biết: “Các cuộc tấn công sẽ tiếp tục diễn ra cho đến khi hành động gây hấn của Israel chống lại những người anh em của chúng tôi tại Dải Gaza dừng lại”.
Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Carney của Mỹ được triển khai tới khu vực để ngăn những cuộc tấn công như vậy. Hồi giữa tháng 12, tàu USS Carney đã bắn hạ 14 UAV tấn công mà Houthis phóng vào các tàu ở Biển Đỏ.
Hôm 18-12, Lầu Năm Góc tuyên bố thành lập một lực lượng đặc nhiệm hải quân đa quốc gia để bảo vệ các tàu thương mại tại Biển Đỏ và Vịnh Aden. Lực lượng đặc nhiệm này có tên gọi là Chiến dịch Người bảo vệ Thịnh vượng, trong đó có sự tham gia của một số nước như Anh, Canada, Pháp và Bahrain.
Dù Mỹ đã bắn hạ UAV, triển khai tàu chiến và thành lập lực lượng đặc nhiệm để đối phó lực lượng Houthis, song đến nay nước này vẫn chưa mạnh tay đáp trả lực lượng này.
Vậy tại sao Mỹ lại có cách tiếp cận khác biệt với lực lượng Houthis so với các nhóm vũ trang khác trong khu vực như vậy?
Mỹ lo ngại điều gì?
Chính quyền Tổng thống Biden đã tranh luận về việc có nên tấn công lực lượng Houthis hay không. Cho đến nay Mỹ vẫn chưa quyết định làm như vậy vì một số lý do, theo The New York Times.
Theo một số quan chức Mỹ, nước này lo ngại sẽ phá vỡ thỏa thuận ngừng bắn mong manh giữa Saudi Arabia và Houthis. Thỏa thuận ngừng bắn đạt được năm 2022 đã góp phần ổn định an ninh tại Yemen dù đây không phải là một thỏa thuận chính thức.
Chính quyền Mỹ cũng lo ngại cuộc xung đột ở Gaza có thể leo thang thành một cuộc xung đột rộng hơn trong khu vực. Mỹ lo ngại việc tấn công vào các mục tiêu của Houthis tại Yemen có thể nhanh chóng làm leo thang thành các cuộc đáp trả lẫn nhau giữa các tàu hải quân Mỹ và nhóm vũ trang này, thậm chí có thể kéo cả Iran tham gia xung đột.
Ông Tim Lenderking - đặc phái viên Mỹ tại Yemen nói: “Các bên đang tìm cách hạ nhiệt căng thẳng. Quan điểm là thay vì nhấn chìm Yemen trong một cuộc chiến quy mô lớn hơn, chúng tôi cần phải thuyết phục Houthis chấm dứt hành vi liều lĩnh của họ”.
Mỹ sẽ tấn công Houthis?
Lầu Năm Góc tuyên bố sẽ bảo vệ 2.500 lính Mỹ tại Iraq và 900 lính Mỹ tại Syria đang làm nhiệm vụ chống tàn dư của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Hàng chục lính Mỹ đã bị thương trong các cuộc tấn công gần đây của các nhóm vũ trang tại Iraq và Syria.
Một binh sĩ Israel hoạt động tại Dải Gaza ngày 22-12. Ảnh: AFP
“Nếu các cuộc tấn công do các lực lượng ủy nhiệm của Iran tiến hành tiếp tục nhằm vào lực lượng Mỹ, chúng tôi sẽ không do dự thực hiện các biện pháp cần thiết hơn nữa để bảo vệ người dân của mình” – Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd J. Austin cảnh báo hồi tháng 10.
Ông Austin đưa ra cảnh báo trên sau khi máy bay chiến đấu của Mỹ tấn công hai cơ sở có liên quan Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran và các nhóm liên kết mà Lầu Năm Góc cho là đã tiến hành các cuộc tấn công bằng UAV và tên lửa nhằm vào lực lượng Mỹ.
Một quan chức Mỹ lưu ý các cuộc tấn công của Houthis không gây thương vong cho công dân Mỹ nhưng đã làm gián đoạn hoạt động thương mại và cản trở nhiều tàu thuyền đến các cảng của Israel.
Một số công ty vận tải biển và vận chuyển dầu mỏ đã bày tỏ sự lo ngại và điều chỉnh lại hoạt động thương mại. Điều này được cho sẽ khiến giá hàng hóa vận chuyển qua đường biển tăng cao.
Giới phân tích quân sự cho rằng nếu lực lượng Houthis tiếp tục thực hiện các cuộc tấn công ở Biển Đỏ, Mỹ buộc sẽ phải có động thái đáp trả.
“Tôi chắc chắn các mục tiêu tấn công đã rõ ràng. Tuy nhiên, các quan chức chính quyền vẫn tự hỏi, nếu họ làm điều đó thì căng thẳng có leo thang và lan rộng hay không?” – ông Robert B. Murrett, phó Đô đốc về hưu của Hải quân Mỹ nói.
Những diễn biến liên quan đến tuyến đường thương mại qua Biển Đỏ đang trở nên “nóng“ hơn bao giờ hết.
Nguồn: [Link nguồn]