Vì sao Mỹ bắt giữ lãnh đạo tập đoàn Hoa Vỹ?
Con gái của nhà sáng lập tập đoàn công nghệ Hoa Vỹ (Huawei) khổng lồ của Trung Quốc đã bị bắt tại Canada và đang đối diện với khả năng bị dẫn độ qua Mỹ. Sự kiện này như hắt một gáo nước lạnh vào những người đang hy vọng căng thẳng thương mại Mỹ-Trung sẽ dịu bớt sau cuộc gặp của lãnh đạo hai nước.
Trụ sở Hoa Vỹ ở Thâm Quyến, Quảng Đông, Trung Quốc. Ảnh: commsmea.com
Các thị trường chứng khoán thế giới trong ngày hôm qua lập tức chao đảo trước tin bà Mạnh Vãn Châu, quan chức tài chính của Huawei Technologies Co Ltd bị bắt.
Vụ bắt giữ được cho là có liên quan đến việc vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ, Reuters trích một nguồn “thạo tin” cho hay, nhưng chưa có thông tin cụ thể về các vi phạm này.
Theo nguồn tin, bà Mạnh, một trong các phó chủ tịch của Hoa Vỹ, bị bắt vào ngày 1/12 theo yêu cầu của giới chức Mỹ và một phiên tòa dự kiến được mở vào hôm nay, 7/12, một phát ngôn nhân của Bộ Tư pháp Canada nói. 1/12 cũng là ngày diễn ra cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc tại Buenos Aires, Argentina bên lề hội nghị G-20.
Các nguồn tin nói với Reuters từ hồi tháng Tư rằng giới chức Mỹ đang điều tra Hoa Vỹ, nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới. Cuộc điều tra đã bắt đầu từ năm 2016 theo hướng Hoa Vỹ đã chuyển các sản phẩm có nguồn gốc Mỹ sang Iran và một số nước, vi phạm các luật về xuất khẩu và lệnh trừng phạt của Mỹ.
Tập đoàn Hoa Vỹ xác nhận vụ bắt giữ trong một tuyên cáo và nói rằng họ nhận được rất ít thông tin về vụ việc, nói thêm rằng họ “không biết bất kỳ hành vi sai trái nào của bà Mạnh”. Tuyên cáo của Hoa Vỹ cũng nói bà Mạnh bị bắt khi đang chuyển chuyến bay ở Canada.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Canada nói họ hoàn toàn phản đối vụ bắt giữ và kêu gọi thả tự do cho bà Mạnh ngay lập tức.
Giả Văn Sơn, giáo sư tại đại học Chapman (Mỹ) cho rằng vụ bắt giữ là một phần chiến lược địa chính trị của chính quyền Trump nhằm đối đầu Trung Quốc và “gây ra nguy cơ cao về khả năng các cuộc đàm phán thương mại Mỹ -Trung sẽ bị “trệch đường ray”.
My Tân Dư, một nhà nghiên cứu thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc, viết trên tài khoản WeChat của Nhân dân nhật báo rằng vụ bắt giữ là lời cảnh báo từ phía chính quyền Mỹ, rằng họ có thể hủy bỏ các thỏa thuận với Trung Quốc.
“Chúng ta có thể chắc chắn trong tương lai gần, sau mỗi đoạn đường đụng độ căng thẳng là đàm phán và đó sẽ là đặc trưng của quan hệ Trung - Mỹ thời gian tới”, ông My viết.
Arthur Kroeber, chủ tịch công ty tư vấn Gavekal Dragonomics (Hong Kong) nói ít khả năng Bắc Kinh sẽ có hành động trả đũa tương tự đối với cộng đồng doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc bởi lợi ích của cộng đồng này song trùng với Trung Quốc và có thể xem họ là đồng minh trong cuộc chiến thương mại với chính phủ Mỹ.
Cuộc điều tra đối với Hoa Vỹ cũng tương tự những gì diễn ra với một tập đoàn viễn thông Trung Quốc khác là ZTE Corp, vốn trong năm 2017 thừa nhận đã vi phạm luật Mỹ cấm bán công nghệ xuất xứ Mỹ cho Iran.
Đầu năm nay, Mỹ cấm các công ty Mỹ bán linh kiện và phần mềm cho ZTE, sau đó công ty này đã nộp 1 tỷ USD tiền phạt, đổi lấy việc dỡ bỏ lệnh cấm.
Vụ bắt giữ bà Mạnh nhanh chóng gây ra phản ứng ở Washington. Thượng nghị sỹ Mỹ Ben Sasse khen ngợi chính quyền và nói “đôi khi sự gây hấn của Trung Quốc được bộc lộ công khai qua các công ty được nhà nước tài trợ, đôi khi ẩn trong các công ty được gọi là tư nhân”.
Trong bài xã luận được đưa lên trang chủ chiều qua, Hoàn cầu thời báo của Trung Quốc nói với vụ bắt giữ Mạnh Vãn Châu, Mỹ đang muốn làm “ngạt thở” Hoa Vỹ. “Rõ ràng Washington đang chơi trò hèn bởi họ không thể ngăn những lợi thế về công nghệ 5G của Hoa Vỹ trên thị trường”, tờ báo viết. |
Canada mới đây cho hay đã bắt giữ giám đốc tài chính của Tập đoàn công nghệ Huawei, bà Meng Wanzhou, theo yêu cầu của chính...